Chữa bệnh không dùng thuốc

Bài tập giúp điều hòa đường huyết trong máu, tốt cho người tiểu đường

  • Tác giả : Giang Thu (Tổng hợp)
Tập thể dục không chỉ giúp cơ thể lưu thông máu tốt hơn, tăng cường sức đề kháng, mà còn giúp cải thiện đường huyết cho người bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là một bệnh mãn tính xảy ra khi cơ thể không thể sản xuất đủ insulin hoặc insulin hoạt động không hiệu quả (insulin - hormone có vai trò vận chuyển đường từ máu vào tế bào để chuyển hóa thành năng lượng).

Khi cơ thể thiếu insulin hay không thể sử dụng insulin hiệu quả, lượng đường trong máu cao hơn bình thường, gây ra các triệu chứng như khát nước, đi tiểu thường xuyên, mệt mỏi và giảm cân không rõ nguyên nhân. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh tiểu đường có thể làm tổn thương các cơ quan quan trọng như tim, mắt, thận và thần kinh.

Tập thể dục thường xuyên mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho người bệnh tiểu đường, vừa hỗ trợ kiểm soát bệnh vừa ngăn ngừa hiệu quả các biến chứng.

Yoga

Người bệnh tiểu đường tập yoga giúp giảm căng thẳng, kiểm soát tình trạng bệnh. Nếu mức độ căng thẳng tăng cao, lượng đường trong máu sẽ tăng theo.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Do đó, người bệnh tiểu đường nên tập yoga để giúp tinh thần thoải mái hơn, giảm bớt các triệu chứng trầm cảm ở người lớn bệnh tiểu đường tuýp 2. Người bệnh có thể thực hiện tập yoga càng nhiều lần càng tốt.

Tập tạ

Tập tạ giúp xây dựng và duy trì khối lượng cơ bắp, hỗ trợ tăng cường chuyển hóa glucose và nâng cao độ nhạy insulin. Với người tiểu đường, tập tạ đều đặn không chỉ giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp mà còn giảm nguy cơ mất cơ do bệnh gây ra. Tuy nhiên, bạn cần thực hiện bài tập dưới sự hướng dẫn của chuyên gia để tránh chấn thương.

Bơi lội

Bơi lội là bài tập thể dục tốt cho người bệnh tiểu đường tuýp 2, không gây áp lực lên các khớp trong cơ thể. Bơi lội giúp cơ thể giảm bớt căng thẳng hơn so với đi bộ hoặc chạy bộ.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ cho biết, bệnh tiểu đường tuýp 2 dẫn đến các biến chứng ở chân, bệnh thần kinh. Người bệnh thần kinh do tiểu đường có thể mất cảm giác ở bàn chân nên mua giày chống nước để bảo vệ chân trước khi bắt đầu bơi.

Đạp xe

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Đạp xe giúp đốt cháy lượng calo dư thừa, giúp tim khỏe hơn, phổi hoạt động tốt hơn. Người bệnh tiểu đường nên đạp xe vài lần mỗi tuần giúp giảm nguy cơ béo phì, huyết áp cao.

Khiêu vũ

Khiêu vũ không chỉ mang lại niềm vui từ âm nhạc mà còn giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Các chuyển động khi khiêu vũ giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện độ linh hoạt, đồng thời hỗ trợ giảm kháng insulin. Đây còn là bài tập có lợi cho sức khỏe xương, ngăn ngừa loãng xương, một biến chứng phổ biến ở người bệnh tiểu đường.

Đi bộ

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Đi bộ là bài tập đơn giản nhưng mang lại lợi ích lớn cho người bệnh tiểu đường, đặc biệt là người bệnh tiểu đường tuýp 2. Chỉ cần đi bộ 30 phút mỗi ngày với tốc độ vừa phải sẽ giúp người bệnh cải thiện tuần hoàn máu, giảm căng thẳng và hỗ trợ tiêu hao năng lượng một cách hiệu quả.

Thời điểm tốt nhất để người bệnh tiểu đường tập thể dục là từ 1 - 3 tiếng sau bữa ăn, khi lượng đường trong máu có thể tăng cao. Nếu dùng insulin, cần kiểm tra mức đường huyết trước khi tập thể dục.

Nếu mức đường huyết dưới 100 mg/dL, nên ăn một miếng trái cây hoặc ăn nhẹ để tăng lượng đường trong máu và tránh bị hạ đường huyết. Kiểm tra lại sau 30 phút để xem mức đường huyết có ổn định hay không.

Người bệnh cũng nên kiểm tra lượng đường trong máu sau khi tập luyện mạnh mẽ. Nếu đang dùng insulin, nguy cơ bị hạ đường huyết có thể cao nhất từ 6 - 12 giờ sau khi tập thể dục.

Giang Thu (Tổng hợp)