Nhiều bệnh nhân suy hô hấp vượt qua nguy kịch
Đây là một trong những phương pháp mới trên thế giới, đã được triển khai thành công tại châu Âu và Mỹ. Ở Việt Nam, lần đầu tiên kỹ thuật này được thực hiện thành công vào tháng 8/2023 tại Bệnh viện Bạch Mai.
Và tháng 1/2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã trở thành một trong những bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên đưa kỹ thuật đào thải CO2 qua màng lọc ngoài cơ thể vào điều trị, mở ra hy vọng cho những người bệnh nặng, người không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Hiện nay, kỹ thuật này đã được các bác sĩ của khoa Hồi sức tích cực – chống độc yêu cầu làm chủ và thực hiện một cách thành thạo, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo cơ hội cho nhiều người bệnh suy hô hấp vượt qua được cơn nguy kịch.
![]() |
Bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đang thực hiện kỹ thuật đào thải CO2 qua màng lọc ngoài cơ thể (ECCO2R) cho người bệnh - Ảnh BVCC |
Kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể là gì?
Kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể (viết tắt là ECCO2R) – một kỹ thuật mới trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, là phương pháp điều trị hỗ trợ cơ thể loại bỏ CO2 hiệu quả. Máu của người bệnh được lấy qua 1 ống thông đặt trong tĩnh mạch và theo 1 hệ thống dây dẫn đến màng lọc.
Tại đây, CO2 trong máu người bệnh sẽ được thải ra ngoài. Máu sau khi được trao đổi sẽ có nồng độ CO2 thấp, được trả về cơ thể của người bệnh.
Nguyên lý hoạt động của kỹ thuật này dựa trên sự khác biệt về khả năng khuếch tán của các loại khí qua một màng bán thấm. Máu của người bệnh được dẫn qua một hệ thống ống dẫn đến một màng lọc đặc biệt.
Tại đây, CO2 trong máu sẽ khuếch tán qua màng lọc và được loại bỏ khỏi cơ thể, trong khi các thành phần khác của máu vẫn được giữ lại. Quá trình này tương tự như quá trình trao đổi khí diễn ra ở phổi, nhưng được thực hiện bên ngoài cơ thể. Tuy nhiên, khác với phổi, màng lọc nhân tạo có thể điều chỉnh được độ thẩm thấu để loại bỏ CO2 một cách hiệu quả hơn.
Kỹ thuật lọc máu đào thải CO2 qua màng lọc ngoài cơ thể được chỉ định trong trường hợp nào?
Chỉ định kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể bao gồm 3 nhóm đối tượng chính:
Người bệnh có đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, có tình trạng tăng CO2 máu nặng, không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc có các biến chứng, chẳng hạn như tràn khí màng phổi, gây khó khăn trong việc điều trị thải CO2.
Người bệnh suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) có tình trạng tăng CO2 nặng không đáp ứng điều trị nội khoa.
Người bệnh có tình trạng tăng CO2 nói chung do các bệnh khác.
Ưu điểm của kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể
Nếu so với ECMO, kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể có một số ưu điểm như:
Phương pháp này thực hiện đơn giản hơn, so với ECMO phải đặt 2 ống thông vào mạch máu lớn cho người bệnh. Trong khi kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể chỉ sử dụng 1 ống thông đặt vào tĩnh mạch lớn (đùi hoặc cổ) của người bệnh.
Ống thông sử dụng trong kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể có kích thước nhỏ hơn ống thông dùng trong ECMO. Nhờ đó giảm nguy cơ biến chứng tổn thương mạch máu cho người bệnh.
Kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể giúp đào thải CO2 ra ngoài một cách liên tục, tạo thuận lợi cho bác sĩ cài đặt thông số máy thở theo chiến lược bảo vệ phổi, giảm nguy cơ tạo thêm gánh nặng cho phổi của người bệnh và giúp phổi được nghỉ ngơi, giúp người bệnh có cơ hội hồi phục nhiều hơn.
Kỹ thuật lọc máu đào thải CO2 qua màng lọc ngoài cơ thể được áp dụng hiệu quả trong các trường hợp người bệnh viêm phổi, suy hô hấp cấp tiến triển và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc các trường hợp tăng CO2 máu không đáp ứng với biện pháp thông khí nhân tạo, giảm nguy cơ tổn thương phổi và đào thải CO2 ra ngoài, là một kỹ thuật ít xâm lấn, ít biến chứng.
TS.BS Nguyễn Thị Thanh Mai (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ)