Y học và đời sống

Tử vong sau khi bị ong đốt, bác sĩ chỉ cách xử trí đúng

  • Tác giả : Bảo Châu (T/h)
Chuyên gia khuyến cáo, sau khi bị ong đốt, bệnh nhân thấy cơ thể có biểu hiện ngứa ngáy, khó chịu phải đến cơ sở y tế nhanh nhất để được bác sĩ kiểm tra và đánh giá...

Báo VOV dẫn nguồn thông tin từ lãnh đạo Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Cai Lậy (Tiền Giang) chiều 15/10 cho biết, thầy L.H.P., Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Nghiệp (thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy) đã tử vong sau khi bị con ong đốt.

Theo thông tin ban đầu, sáng 11/10, trên đường từ nhà đến trường, thầy P. bị một con ong bám vào người và đốt vào cổ. Khi đến trường, thầy P., phát hiện trên người bị dị ứng, rất khó chịu và được đồng nghiệp đưa đến Bệnh viện đa khoa khu vực Cai Lậy nhưng đã tử vong. Qua giải phẫu tử thi, cơ quan pháp y đã phát hiện ngòi của con ong đốt ở trên cổ nạn nhân (chưa rõ loại ong gì).

Theo người thân của thầy P., trước đây thầy P., đã nhiều lần bị ong đốt, sau mỗi lần ong đốt cơ thể đều bị dị ứng phải uống thuốc điều trị.

Ong đốt là tai nạn có thể gặp quanh năm ở tất cả các vùng miền, đặc biệt là ở vùng nông thôn và rừng núi. Vì vậy, việc nhận biết các loại ong và xử trí đúng là vô cùng quan trọng.

Việc nhận biết các loại ong và xử trí đúng là vô cùng quan trọng - Ảnh minh hoạ

Việc nhận biết các loại ong và xử trí đúng là vô cùng quan trọng - Ảnh minh hoạ

Xử trí thế nào khi bị ong đốt?

Trao đổi trên Báo Sức khỏe và Đời sống, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, ong thường chứa chất độc, một số loài chứa độc tố nguy hiểm. Vì vậy việc phản ứng nhanh sau khi bị ong đốt là rất quan trọng.

Theo TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, có 2 trường hợp bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất sau khi bị ong đốt đó là: Bị ong đốt từ 10 nốt trở lên; Bị ong đốt vào vùng nguy hiểm như đầu, mặt cổ, mạch máu (dù chỉ 1 vài nốt).

"Bệnh nhân bị ong đốt từ 10 nốt trở lên là có nguy cơ nhiễm độc nặng. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp có loài chứa độc tố nguy hiểm thì chỉ cần đốt một vài nốt đã khiến bệnh nhân nhiễm độc nặng… Còn tại các vị trí đốt nguy hiểm như vùng đầu, mặt, cổ, mạch máu, dễ khiến bệnh nhân bị sưng nề, co thắt đường thở, nếu không được xử lý kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng", TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên nói.

Cũng theo TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, ngoài 2 trường hợp nêu trên thì đối với bệnh nhân có tiền sử dị ứng cũng cần lưu ý khi bị ong đốt. Với những trường hợp này, dù chỉ bị ong đốt 1 nốt cũng có thể tiến triển rất nặng. Bệnh nhân có thể gặp phản vệ sau khi bị ong đốt như sốc, tụt huyết áp, co thắt phế quản, phù nề đường hầu họng, chít hẹp, co thắt thanh môn… gây khó thở.

Với những bệnh nhân đã từng bị ong đốt, bị phản vệ và được cứu sống, thì không được phép do dự khi không may bị ong đốt ở lần tiếp theo. Nếu không nhanh chóng đến cơ sở y tế rất có thể sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng.

"Sau khi bị ong đốt, bệnh nhân thấy cơ thể có biểu hiện ngứa ngáy, khó chịu phải đến cơ sở y tế nhanh nhất để được bác sĩ kiểm tra và đánh giá. Việc thực hiện các biện pháp điều trị khẩn cấp cho bệnh nhân ban đầu rất quan trọng và cần thiết. Bệnh nhân cần được truyền đủ dịch, đi tiểu nhiều để thải trừ chất độc từ nọc ong ra khỏi cơ thể. Điều trị tốt ở giai đoạn đầu, sẽ giúp phòng ngừa các biến chứng nặng. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh nhân có thể bị suy thận, suy đa tạng, thậm chí tử vong", Giám đốc Trung tâm chống độc cho hay.

Nhận biết các loài ong

BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) cho biết, ong là loài động vật không xương sống, thuộc ngành chân đốt (Arthropoda), bộ cánh màng (Hymenoptera) bao gồm 2 họ chính là Vespidae (họ ong vò vẽ) và Apidae (họ ong mật):

Vespidae (lông trơn): gồm ong vò vẽ, ong đất, ong vàng. Ngòi nọc trơn không ngạnh, có thể đốt nhiều lần.

Ong vò vẽ có tên khoa học là Vespa affinis, thân và bụng thon có khoang đen xen kẽ màu vàng. Đầu rộng bằng ngực, không nhẵn, có nhiều nốt rỗ lấm chấm nhỏ, lông tơ cứng, ngắn và thưa.

Ong vò vẽ thường làm tổ nơi lộ thiên, trên cành cây hay bụi cây, có khi làm tổ trong mái nhà. Tổ ong gồm nhiều lớp, như một trái banh hay bắp cải, bề mặt nhăn nhúm nên dân gian thường gọi là ong mặt quỷ.

Ong vò vẽ là loài ăn côn trùng và ấu trùng nhện. Chỉ ong thợ mới đốt người và động vật để tự vệ khi tổ ong bị phá hoặc bị đe dọa. Ong vò vẽ bị thu hút khi người mặc quần áo sặc sỡ, xịt nước hoa, hay bỏ chạy sau khi chọc phá tổ ong.

Ong đất tên khoa học là Vespa nigrithorax, còn gọi là ong bắp cày, to hơn thân màu đen, chấm vàng, cuối bụng màu nâu, đầu và ngực có nhiều lông tơ màu nâu vàng. Râu màu nâu nhạt, nhẵn, không có lông. Thường làm tổ ở bụi cây, sát mặt đất trong đóng cây mục.

Ong vàng: mình thon nhỏ, thân dài, vàng toàn thân, làm tổ trên cây hoặc dưới mái nhà tranh.

Ong vàng

Ong vàng

Apidae (lông xù): gồm ong mật (honey bees), ong nghệ (bumble bees) và ong bầu. Ngòi nọc có ngạnh, sau khi cắm vào da vật bị đốt, ngòi nọc không rút ra được và ong bị chết, mỗi ong mật chỉ đốt 1 lần.

Ong mật (honey bees): đầu lưng có lông xù, bụng trên có khoanh nâu, xen kẽ khoanh đen.

Ong nghệ (bumble bees): đầu lưng có lông xù, vùng cổ và lưng trên có màu vàng nghệ, cánh cũng có màu vàng nghệ

Ong bầu: to tròn, có lông, bay chậm và phát ra tiếng ồn ầm ĩ.

Theo các chuyên gia về y tế, bên cạnh hiểu biết về các cách sơ cứu, cấp cứu nạn nhân bị ong đốt, người dân cần nắm các thông tin về phòng ngừa, cụ thể:

- Tránh xa khu vực có nhiều ong sinh sống.

- Không chọc phá tổ ong. Đặc biệt, cần căn dặn trẻ em bởi chúng thường tinh nghịch nên có thể vô tình hoặc cố ý chọc tổ ong.

- Không đi vào khu vực có nhiều cây cối vào buổi tối vì khó phát hiện ra tổ ong. Vô tình đụng phải tổ ong vào ban đêm khiến bạn khó thoát khỏi sự tấn công của cả đàn. Đồng thời, việc sơ cứu, cấp cứu vào ban đêm cũng khó khăn hơn, nạn nhân dễ rơi vào nguy hiểm tính mạng.

- Khi lấy tổ ong cần đảm bảo mặc đồ bảo hộ, tránh để lộ phần da ra bên ngoài.

- Nhận thấy đàn ong có thể gây nguy hiểm và muốn đuổi ong đi, nên dùng khói hoặc lửa thay vì lấy que chọt vào tổ.

- Vệ sinh xung quanh nhà cửa thường xuyên để không tạo điều kiện cho ong làm tổ. Hoặc nếu ong làm tổ, không nên chọc phá tổ ong.

- Khi vào rừng, nên chọn trang phục che chắn tay chân, đi giày kín, đội mũ có màng che mặt để tránh va phải tổ ong và bị tấn công.

Bảo Châu (T/h)