Y học và đời sống

Phẫu thuật phức tạp cứu bệnh nhân phình mạch não lớn, cách gì phát hiện sớm?

  • Tác giả : Thúy Nga
Phình mạch não được gọi là "kẻ giết người thầm lặng" vì thường không có triệu chứng rõ ràng. Khi túi phình vỡ, nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng rất cao.

Dạng phình phức tạp và khó điều trị

Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CuBa Đồng Hới đã thành công ca phẫu thuật thuật phức tạp phẫu thuật cắt bỏ túi phình kết hợp tạo ba cầu nối mạch máu để cứu sống bệnh nhân phình mạch não lớn. Đây là một bước tiến mới của khoa ngoại thần kinh.

Khoảng 2 tháng trước khi nhập viện, chị V.T.L 48 tuổi ở Hàm Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình xuất hiện các triệu chứng đau đầu và tê nửa người bên trái. Sau khi đi khám, chị được chẩn đoán có phình mạch não dạng hình thoi, kích thước lớn, nằm ở đoạn M1-M2 của động mạch não giữa bên phải – đây là một dạng phình mạch rất phức tạp và khó điều trị.

Ban đầu, chị đến một bệnh viện tuyến trên để được tư vấn và điều trị. Tại đây, các bác sĩ đề xuất phương pháp đặt Stent chuyển dòng – một kỹ thuật hiện đại nhưng chi phí cao, bệnh nhân phải tự chi trả thêm hơn 100 triệu đồng.

Do điều kiện kinh tế quá khó khăn, chồng lại bị tai biến nằm liệt giường, số tiền trên vượt quá khả năng của gia đình, nên chị quyết định về nhà điều trị nội khoa và theo dõi.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các triệu chứng đau đầu và dấu hiệu liệt nửa người của chị ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trước tình trạng đó, chị V.T.L đã quyết định đến khám và điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới.

Sau khi được các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh thăm khám và đánh giá kỹ lưỡng, chị được chẩn đoán có túi phình mạch não và được chỉ định thực hiện phẫu thuật cắt bỏ túi phình kết hợp tạo ba cầu nối mạch máu (bypass).

Phẫu thuật phức tạp cứu bệnh nhân phình mạch não lớn - Ảnh BVCC

Phẫu thuật phức tạp cứu bệnh nhân phình mạch não lớn - Ảnh BVCC

Cụ thể, hai cầu nối lưu lượng thấp được tạo từ động mạch thái dương nông đến động mạch não giữa nhằm đảm bảo cung cấp máu cho não trong suốt quá trình phẫu thuật. Sau đó, các bác sĩ tiến hành cắt bỏ hoàn toàn túi phình dạng hình thoi và nối lại hai đầu động mạch bằng kỹ thuật bypass trực tiếp. Đây là một trong những kỹ thuật vi phẫu phức tạp, hiếm gặp và được đánh giá là kỹ thuật cao trong lĩnh vực ngoại thần kinh hiện nay.

Với sự quyết tâm và trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm của đội ngũ y bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh cùng sự đồng hành, đặt trọn niềm tin của gia đình, ca phẫu thuật kéo dài hơn 7 tiếng đã diễn ra thành công. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân tốt và đã trở lại sinh hoạt bình thường cùng gia đình.

ThS.BS nội trú Phạm Thanh Nhân, trưởng kíp mổ, chia sẻ: “Phình mạch não được gọi là "kẻ giết người thầm lặng" vì thường không có triệu chứng rõ ràng. Khi túi phình vỡ, nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng rất cao. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, chúng ta hoàn toàn có thể can thiệp và điều trị hiệu quả, giúp bảo vệ tính mạng và sức khỏe người bệnh”.

Tại Việt Nam, tuy chưa có thống kê chính thức, nhưng theo một số nghiên cứu, tỷ lệ người mắc phình mạch não có thể lên đến 5% dân số.

Hiện vẫn chưa có biện pháp nào ngăn ngừa hoàn toàn việc hình thành phình mạch não, do đó việc phát hiện sớm thông qua các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp CT mạch máu có thuốc cản quang, cộng hưởng từ có thuốc đối quang từ, hoặc cộng hưởng từ 3 Tesla là yếu tố then chốt trong việc phòng ngừa biến chứng nghiêm trọng.

Bệnh nhân đã hồi phục sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Bệnh nhân đã hồi phục sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Đau đầu cần chú ý để tránh tử vong

TS.BS Lương Tuấn Anh, Khoa Chẩn đoán và Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, phình động mạch não là hiện tượng một đoạn mạch máu trong não có đường kính lớn hơn bình thường, xảy ra khi đoạn mạch máu yếu, bị phình dưới áp lực của dòng máu. Nếu không được phát hiện, điều trị, túi phồng sẽ tăng dần kích thước, vỡ, gây chảy máu dưới nhện (một dạng chảy máu não).

Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra phình động mạch não như bẩm sinh, thuốc lá, béo phì,… nhưng đáng chú ý nhất là bệnh lý tăng huyết áp.

Triệu chứng của phình mạch máu não thường không rõ ràng và âm thầm tiến triển cho tới khi túi phồng bị vỡ, bệnh nhân đột ngột đau đầu nhiều, nôn và buồn nôn.

Vì vậy người bệnh cần sàng lọc phát hiện sớm khi có dấu hiệu nghi ngờ phình động mạch não như tự nhiên xuất hiện đau đầu, đau đầu âm ỉ kéo dài nhiều ngày, đau đầu nhiều hơn các lần đau trước hay đau đầu đáp ứng kém với các thuốc thông thường.

Có hai phương pháp điều trị phình động mạch não, đó là phẫu thuật kẹp cổ túi phồng và can thiệp nội mạch.

Phẫu thuật đòi hỏi mở sọ và không phải lúc nào cũng thực hiện được, trong khi can thiệp nội mạch có thể giải quyết hầu hết các trường hợp và hiện tại là sự lựa chọn của phần lớn bệnh nhân, nếu không có trở ngại về tài chính.

Thúy Nga