Trong nước

Phương pháp điều trị phình mạch máu não hiệu quả, tránh vỡ gây tử vong

  • Tác giả : Thúy Nga
Phình mạch máu não là căn bệnh tiềm tàng nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị, khi vỡ sẽ rất nguy hiểm, để lại nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí là tử vong.

Đặt Stent chuyển dòng là phương pháp tối ưu để ngăn chặn nguy cơ vỡ phình mạch não ở những người bị phình mạch máu não lớn (phình mạch não khổng lồ) hoặc những phình mạch có cổ túi phình rộng.

Đây là phương pháp làm thay đổi hướng dòng chảy, thay vì dòng chảy mạch máu vào túi phình, stent sẽ che túi phình lại, đảo hướng dòng chảy mạch máu sang mạch máu lành.

Ca can thiệp đặt stent mạch não chuyển dùng được các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thực hiện - Ảnh BVCC

Ca can thiệp đặt stent mạch não chuyển dùng được các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thực hiện - Ảnh BVCC

Chị N.T.H (46 tuổi) ở Phù Yên – Sơn La, với triệu chứng thường xuyên bị đau đầu kèm với buồn nôn. Chị đã đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ thăm khám, được các bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ 3.0T mạch não, kết quả phát hiện chị H bị phình cổ rộng động mạch cảnh trong hai bên đoạn xoang hang.

Động mạch cảnh bên trái có nguy cơ vỡ cao hơn nên đã được các bác sĩ trong ekip đặt stent chuyển dòng trước, động mạch cảnh bên phải sẽ làm trong thì sau. Kích thước túi phình 4,5mm x 5,5mm cổ túi 4mm. Đây là nguyên nhân gây ra những cơn đau đầu dai dẳng mà chị H phải chịu đựng.

Với trường hợp của người bệnh H, sau khi được phát hiện khối phình mạch não, người bệnh được hội chẩn bởi các bác sỹ có chuyên môn cao trong lĩnh vực can thiệp mạch máu não thuộc Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và được chỉ định đặt stent chuyển hướng dòng chảy điều trị túi phình.

Sau khi được tư vấn phình mạch não sẽ vỡ bất kỳ khi nào và mức độ nguy hiểm khi túi phình vỡ sẽ để lại các di chứng rất nặng nề, thậm chí tử vong. Người bệnh đã được các Bác sĩ của Trung tâm đột quỵ thực hiện can thiệp đặt stent chuyển dòng mạch não, thời gian can thiệp chỉ khoảng 2 giờ. Ngay sau khi đặt xong stent, dòng máu đi vào trong lòng túi phình giảm hẳn, đã được kiểm soát và nguy cơ vỡ túi phình cũng giảm theo

Bác sĩ Phan Ngọc Nhu Trưởng khoa điều trị Thần kinh Đột quỵ bán cấp trực tiếp can thiệp cho người bệnh giải thích: “Khi máu không đi vào túi phình nữa thì dần dần túi phình này sẽ hình thành huyết khối bên trong, sau một thời gian túi phình sẽ mất hoàn toàn. Về lâu dài, tế bào nội mô bò lên trên stent, hình thành một lớp nội mạch mới”.

Mạch máu não trước & sau can thiệp. Sau khi đặt stent nở tốt, đúng vị trí - Ảnh BVCC

Mạch máu não trước & sau can thiệp. Sau khi đặt stent nở tốt, đúng vị trí - Ảnh BVCC

Ca can thiệp nội mạch cho người bệnh N.T.H thành công không có biến chứng trong và sau can thiệp. Sau khi đặt stent chuyển dòng, người bệnh vẫn có thể hoạt động và đi lại bình thường, có thể xuất viện sau vài ngày.

Bác sĩ Nhu cho biết thêm bệnh lý phình mạch máu não chiếm khoảng 5% dân số. Điều đáng lo ngại là biểu hiện bệnh rất mơ hồ, chỉ đơn thuần là các cơn đau đầu, nên dễ bị nhầm với các nguyên nhân bệnh khác.

Tuy vậy, nếu không điều trị, theo thời gian túi phình to dần lên và có thể vỡ ra bất cứ khi nào. Để phát hiện sớm bệnh phình mạch máu não, cách duy nhất là chụp dựng mạch máu não tầm soát ở những đối tượng nguy cơ, độ tuổi trung niên từ 45 tuổi trở lên, yếu tố gia đình, có bệnh lý ảnh hưởng chất lượng thành mạch máu như: tiểu đường, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, béo phì…

Những ai đau đầu kéo dài mà điều trị không khỏi thì cũng nên tầm soát bằng cách chụp cộng hưởng từ. Những trường hợp chưa rõ ràng cần chụp DSA khảo sát mạch máu.

Thúy Nga