“Lóc tách động mạch cảnh thường gặp ở người trẻ tuổi, bệnh có những biểu hiện, triệu chứng tương tự các bệnh lý khác, rất khó để chẩn đoán ở lần đầu khi người bệnh đến khám. Việc chẩn đoán chính xác bệnh đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh giảm thiểu tỷ lệ tử vong và di chứng”, PGS.TS.BSCKII Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim, Mạch máu và Lồng ngực, Bệnh viện Tâm Anh (Hà Nội).
Đi khám ù tai phát hiện bệnh lóc tách động mạch cảnh
Chị N.T.L (40 tuổi, Hà Nội), bị ù tai, cảm giác có tiếng ve kêu trong tai, thường xuyên đau nửa đầu, hơi mờ mắt. Khi đi khám, kết quả chụp CT cho thấy túi phình ở động mạch cảnh trong bên phải, đoạn bóc tách ở vị trí trên túi phình 2-3 cm kéo tới động mạch cảnh, chui vào xương đá của hộp sọ.
Bác sĩ kết luận chị bị lóc tách động mạch cảnh nằm ở vị trí giáp ranh giữa trong và ngoài sọ, hình thành túi phình nên đặt stent là cách chữa trị hiệu quả nhất. Sau can thiệp, chị L. hết các triệu chứng đau nửa đầu, mờ mắt, chóng mặt.
![]() |
Siêu âm động mạch cảnh - Ảnh BVCC |
PGS.TS.BSCKII Nguyễn Hữu Ước cho biết, động mạch cảnh xuất phát từ động mạch chủ ở trong ngực đi lên hai bên cổ, sau đó nhánh dẫn vào não nằm trong sọ. Chức năng của động mạch cảnh là cung cấp máu cho não.
Lóc tách động mạch cảnh xảy ra khi lớp nội mạc bị rách, dẫn đến máu không chảy trong lòng mạch thật mà đi trong lòng bệnh lý (lòng giả) giữa nội mạc và trung mạc. Lúc này, dòng máu lưu thông đến não sẽ bị chậm lại, huyết khối hình thành và mở rộng gây chèn ép lòng mạch thật, nguy cơ đột quỵ nhồi máu não, tắc mạch não, thương tổn nặng nề nhu mô não hoặc dẫn tới tử vong. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây đột quỵ ở người trẻ tuổi.
Ù tai không phải triệu chứng phổ biến của phình tách động mạch cảnh, song khi xuất hiện cùng biểu hiện đau đầu, mờ mắt, đau cổ thì có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh. Huyết áp cao là yếu tố thúc đẩy bệnh tiến triển.
![]() |
Can thiệp Stent cho bệnh nhân bị lóc tách động mạch cảnh tại Bệnh viện Tâm Anh - Ảnh BSCC |
PGS.TS.BSCKII Nguyễn Hữu Ước phân tích, có vô vàn biểu hiện lâm sàng khác nhau của bệnh lóc tách động mạch cảnh, do đó việc chẩn đoán bệnh thực sự là một thách thức lớn đối với thầy thuốc lâm sàng. Bệnh có thể không có triệu chứng, cho đến biểu hiện của tình trạng đột quỵ não cấp. Những triệu chứng kinh điển được mô tả gồm: Đau đầu, cổ, đau mắt; Đau thường xuất hiện ở một bên.
Theo ThS.BS Mai Xuân Thiên, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, lóc tách động mạch cảnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, chiếm 2.5% trong tất cả các loại đột quỵ. Là nguyên nhân gây đột quỵ thường gặp ở những người dưới 40 tuổi. Ở tất cả những người trẻ, 20% tổn thương mạch máu não do tai nạn gây lóc tách động mạch chủ. Tuổi trung bình của bệnh là 40, nam nhiều hơn nữ.
Động mạch cảnh dễ lóc tách sau chấn thương, tập cột sống cổ...
ThS.BS Mai Xuân Thiên cho biết, lóc tách động mạch cảnh thường xảy ra tự phát khi có hiện tượng xé rách lớp nội mạc của động mạch cảnh, tạo nên khối máu tụ ở thành mạch. Hiện tượng xé rách này có thể tự phát hoặc do chấn thương. Khối máu tụ trong thành mạch gây ra hẹp, kết quả hình thành cục máu đông trong thành mạch.
Lóc tách do chấn thương có thể do chấn thương đụng dập hoặc do chấn thương xiên. Chấn thương đụng dập có thể nặng nề như tai nạn xe, cũng có thể nhẹ nhàng như do những bài tập tác động cột sống cổ... Tai nạn giao thông khi phương tiện giảm tốc nhanh có thể làm cho cổ ưỡn quá mức hoặc xoay, dẫn tới hiện tượng xé rách lớp nội mạc của động mạch cảnh.
Thậm chí, bệnh cũng có thể xảy ra khi nắn xương; Duỗi và xoay cổ trong thời gian dài, chẳng hạn như khi nói chuyện điện thoại dài với cổ ở tư thế nghiêng; Ho hoặc xì mũi mạnh.
![]() |
Siêu âm phát hiện lóc tách động mạch cảnh - Ảnh BSCC |
Lóc tách động mạch cảnh tự phát thường xảy ra ở những trường hợp có tiền sử gia đình có người phình tách. Hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers-Danlos, loạn sản sợi cơ và các rối loạn mô liên kết khác làm tăng nguy cơ của bệnh. Mỏm trâm dài ở hội chứng Eagle cũng có thể gây ra lóc tách động mạch cảnh tự phát.
Hội chứng Horner có thể biểu hiện nếu khối máu tụ ở cổ gây ra đè ép đám rối thần kinh giao cảm cổ. Tiền sử gia đình có bệnh lóc tách động mạch cảnh hoặc rối loạn mô liên kết có thể là một dấu hiệu nghi ngờ tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
Lóc tách động mạch cảnh có thể gây ra triệu chứng nhẹ, trung bình hoặc khiếm khuyết thần kinh nặng thậm chí tử vong. Tiên lượng bệnh rất đa dạng phụ thuộc vào thời điểm chẩn đoán xác định đã có biến cố đột quỵ chưa. Tất cả bệnh nhân đều có nguy cơ rất cao của đột quỵ não, chảy máu trong sọ và việc điều trị bằng thuốc chống đông cũng làm tăng nguy cơ này.
Vì vậy, PGS Nguyễn Hữu Ước khuyến cáo, người có các dấu hiệu như đau nửa đầu, mờ mắt, ù tai, đau mặt, yếu nửa người, đau bụng dữ dội... cần đến bệnh viện khám sớm, tránh diễn tiến nguy hiểm.
Điều trị lóc tách động mạch cảnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Nguyên nhân chấn thương hay tự phát, liệu người bệnh có biểu hiện đột quỵ hay không? Vị trí lóc tách đoạn trong hay ngoài sọ, chảy máu hoạt động kết hợp với sự lan rộng khối máu tụ cũng là yếu tố quyết định phác đồ điều trị.
Nếu không có chống chỉ định, có thể sử dụng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu, hoặc thuốc chống đông toàn thân để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ. Đặt stent mạch cảnh có thể được tiến hành, đặc biệt nếu có chống chỉ định sử dụng thuốc chống đông, hoặc nếu điều trị nội khoa thất bại, tỷ lệ tái phát trong vòng một năm là 0-10%.
Cách phòng ngừa bệnh
Ở người có tình trạng liên quan đến tách động mạch cảnh, điều quan trọng phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chăm sóc sức khỏe, nhằm giúp ngăn ngừa bệnh hoặc phát hiện sớm tình trạng này.
Lối sống lành mạnh có thể giúp kiểm soát huyết áp, giảm thiểu nguy cơ phình tách động mạch cảnh. Nên bỏ thuốc lá, ăn thực phẩm bổ dưỡng, tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng khỏe mạnh, tránh các hoạt động có nguy cơ gây chấn thương cao.