Dinh dưỡng

Lợi ích sức khỏe bất ngờ của bánh mì chua

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Bánh mì chua hay còn gọi là loại bánh mì lên men được cho là một trong những loại bánh mì tốt cho sức khỏe. Loại bánh mì này dễ tiêu hóa và mang đến nhiều lợi ích sức khỏe khác.

Thành phần dinh dưỡng của bánh mì chua sẽ phụ thuộc vào loại bột được sử dụng để làm ra nó (ngũ cốc nguyên hạt hay tinh chế). Tương tự như các loại bánh mì thông thường khác, trung bình 1 lát bánh mì chua nặng khoảng 56g sẽ chứa:

Lượng calo: 162 calo;

Carbs: 32 gam;

Chất xơ: 2-4 gam;

Chất đạm: 6 gam;

Chất béo: 2 gam;

Selenium: 22% RDI;

Folate: 20% RDI;

Thiamin: 16% RDI;

Natri: 16% RDI;

Mangan: 14% RDI;

Niacin: 14% RDI;

Sắt: 12% RDI.

Ngoài ra, bánh mì chua cũng có một số thành phần dinh dưỡng đặc biệt khác, khiến nó trở thành loại bánh mì lành mạnh hơn hẳn và được nhiều người ưa chuộng.

Lợi ích sức khỏe của bánh mì chua. Ảnh minh họa

Lợi ích sức khỏe của bánh mì chua. Ảnh minh họa

Dưới đây là một số lợi ích tuyệt vời của bánh mì chua đối với sức khỏe:

Dễ tiêu hóa

Bánh mì lên men tự nhiên thường dễ tiêu hóa hơn bánh mì được ủ bằng men chuyên dụng. Nguyên nhân có thể do bánh mì chua có hàm lượng cao Prebiotic (chất xơ không tiêu hóa được, giúp nuôi vi khuẩn có lợi trong ruột) và Probiotic (vi khuẩn có lợi có trong một số thực phẩm và chất bổ sung). Thường xuyên tiêu thụ bánh mì chua có thể giúp gia tăng sức khỏe đường ruột và giúp tiêu hóa dễ dàng hơn.

Quá trình lên men bột chua cũng làm phân hủy gluten ở mức độ cao hơn so với men làm bánh. Gluten là một loại protein được tìm thấy trong một số loại ngũ cốc, có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy...) ở những người nhạy cảm hoặc dị ứng với nó.

Bánh mì chua có hàm lượng gluten thấp hơn có thể giúp những người nhạy cảm với gluten dễ tiêu thụ hơn. Tuy nhiên, cần nhớ rằng quá trình lên men tự nhiên không làm phân hủy hoàn toàn gluten. Những người mắc bệnh không dung nạp gluten hoặc bệnh Celiac nên tránh bánh mì chua làm từ lúa mì, lúa mạch hoặc lúa mạch đen.

Chỉ số đường huyết thấp hơn

Chỉ số đường huyết (GI) là một hệ thống phân loại đánh giá thực phẩm giàu carbohydrate trong khoảng từ 0 đến 100 dựa trên ảnh hưởng của chúng đối với lượng đường trong máu. Thực phẩm có GI thấp có điểm dưới 55, bữa ăn có GI trung bình có điểm từ 56-69 và thực phẩm có GI cao có điểm từ 70 trở lên. GI đánh giá tốc độ tiêu hóa và hấp thu vào máu của thức ăn.

Bột chua có chỉ số đường huyết thấp hơn so với nhiều loại bánh mì được sản xuất thương mại. Điều này có nghĩa là nó có tác động chậm hơn đến lượng đường trong máu, cung cấp năng lượng bền vững và có khả năng hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu.

Giàu vitamin B

Quá trình lên men của bột chua làm tăng hàm lượng vitamin B, bao gồm B1, B2, B6 và B12. Những vitamin này đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa năng lượng, chức năng miễn dịch và sức khỏe tổng thể.

Giảm hàm lượng axit phytic

Axit phytic có trong ngũ cốc có thể liên kết với các khoáng chất và ức chế sự hấp thụ của chúng. Quá trình lên men trong bột chua làm giảm hàm lượng axit phytic, làm cho các khoáng chất như canxi, magie và sắt trở nên hữu dụng hơn cho cơ thể.

Chống oxy hóa

Quá trình lên men của bột chua làm bánh mì tạo ra chất chống oxy hóa, bao gồm các hợp chất phenolic. Chất chống oxy hóa giúp phòng ngừa stress oxy hóa trong cơ thể, có liên quan đến các bệnh mạn tính khác nhau và quá trình lão hóa.

Giúp nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi trong đường ruột

Bột chua có chứa prebiotic, giúp nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi trong đường ruột và quá trình lên men sẽ đưa men vi sinh vào, tăng cường sự cân bằng tổng thể của hệ vi sinh vật đường ruột. Hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh có liên quan đến việc cải thiện chức năng tiêu hóa và miễn dịch. Do đó, nhiều nước trên thế giới ưa chuộng bánh mì được làm từ bột chua.

Giang Thu (T/H)