Doanh nghiệp

Lạng Sơn: Đẩy mạnh giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phát triển doanh nghiệp

  • Tác giả : Bùi Phú
(khoahocdoisong.vn) - Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn tại Hội nghị bàn giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Lạng Sơn diễn ra ngày 30/11 cho biết, trong những năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ và quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư trên địa bàn như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tổ chức Hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, tập trung giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã, xây dựng đề án tạo quỹ đất, đề án phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, quy hoạch và thu đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn, chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 - 2025...

Nhờ đó, đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư trên địa bàn tỉnh như Sun Group, FLC, TMS, Công ty Cổ phần đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (Apec), TNG Holdings…

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 3.300 doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 29.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 50.000 lao động với thu nhập bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 110 dự án với tổng vốn đăng ký trên 20.300 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, để có kết quả đó phải kể đến sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc cải cách hành chính, đơn giản hóa mọi thủ tục đầu tư, giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; định hướng, khuyến khích doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để tìm kiếm cơ hội, đối tác đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh cùng hợp tác triển khai thực hiện dự án; mở rộng hoạt động đối ngoại, thông qua các chương trình hợp tác song phương giữa tỉnh với các tổ chức tín dụng lớn như: Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng phát triển Việt Nam; Ngân hàng phát triển châu Á...

Theo kết quả công bố chỉ số PCI năm 2019 của VCCI, Lạng Sơn đạt 63,9 điểm (tăng 9,18 điểm so với năm 2015); xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố (tăng 7 bậc so với năm 2015) - là tỉnh đứng đầu trong nhóm các tỉnh thành phố đạt điểm trung bình…

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, sự phát triển trên của Lạng Sơn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Cụ thể, với lợi thế nằm trên hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh - là cửa ngõ quan trọng ở khu vực Đông Bắc Việt Nam, Lạng Sơn cần xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu thực sự trở thành “cầu nối” trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ lớn của cả nước và khu vực.

Lạng Sơn có tiềm năng, lợi thế lớn về du lịch và kinh tế cửa khẩu, nhưng chỉ số phát triển doanh nghiệp của Lạng Sơn chỉ đang duy trì ở mức 5, 6, 7 trong 14 tỉnh miền núi phía Bắc, tức là ở dưới mức trung bình. Do đó, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, tỉnh Lạng Sơn không nên tập trung quá nhiều đến việc phát triển doanh nghiệp lớn và vừa mà phải lưu ý đến các hộ kinh doanh nhỏ, bởi đây cũng là một nguồn lực kinh tế quan trọng.

Để nâng cao năng lực và chỉ số cạnh tranh, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, tỉnh Lạng Sơn nên tiếp tục ưu tiên quan tâm xử lý các thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy mạnh tạo mặt bằng sạch, xây dựng những cơ chế ưu đãi đầu tư, đồng thời, có cách thức liên kết các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, tận tâm với doanh nghiệp, quan tâm đến công tác tuyên truyền…

Việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần đi trước một bước, sát với nhu cầu thực tế; đồng thời đề nghị chính quyền các cấp công khai minh bạch các thông tin về quy hoạch, các dự án đầu tư, cũng như cơ  chế chính sách liên quan.

Đồng thời, cần xây dựng chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhỏ, siêu nhỏ và vừa, thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp; tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở nhiều cấp độ; tăng cường các hoạt động liên kết vùng và chia sẻ kinh nghiệm giữa các tỉnh trong vùng miền núi phía Bắc…

Ghi nhận những góp ý của VCCI, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Lâm Thị Phương Thanh cho biết, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục tìm những giải pháp, chia sẻ, trao đổi thông tin về xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, những cơ chế chính sách linh hoạt, chuyển đổi số vào quản lý điều hành… để Lạng Sơn xác định lộ trình, định hướng thực hiện trong thời gian tới.

Bùi Phú