Doanh nghiệp

Lạng Sơn: Điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư

  • Tác giả : Thùy Linh - Hoàng Phú
(khoahocdoisong.vn) - Lạng Sơn còn nhiều dư địa tiềm năng để phát triển, khai thác và rất cần huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, xã hội hóa để đầu tư khai thác hiệu quả.

Ví trí địa chính trị đặc biệt

Là tỉnh có hơn 230km đường biên giới với Trung Quốc, 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia và 9 cửa khẩu phụ. Lạng Sơn đóng vai trò nhu “cánh cửa” mở ra thị trường Trung Quốc rộng lớn cho các sản phẩm trong nước, nhất là sản phẩm nông sản.

Vị trí địa lý đặt Lạng Sơn nằm cạnh tam giá kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và nằm trên quy hoạch tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội, Hải Phòng, nên Lạng Sơn không chỉ là đầu mối trung chuyển hàng hóa trong nước mà đầu mối trọng yếu cho chuỗi vận tải đường bộ ASEAN – Trung Quốc.

Để khai thác tối đa các lợi thế đó, Lạng Sơn đã chú trọng đầu tư mạng lưới giao thông đồng bộ, như quốc lộ 1A, đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn… các tuyến đường liên tỉnh nối Lạng Sơn với Cao Bằng, Thái Nguyên… Đặc biệt, tuyến cao tốc Bắc Giang – lạng Sơn giai đoạn 2 nối Chi Lăng – Hữu nghị được kỳ vọng sẽ là “cú đấm thép” giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Đồng thời, đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội – Đồng Đăng sang Trung Quốc đang được vận hành và chứng minh được tiềm năng khai thác trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.

 
Ga Đồng Đăng.

Ga Đồng Đăng.

Nông nghiệp chuyển mình

Lạng Sơn có trên 80% diện tích là đồi núi, đất đai mầu mỡ, cùng khí hậu thuận lợi để phát triển đa dạng, phong phú các loại cây trồng ôn đới, á nhiệt đới và nhiệt đới. Phát huy các lợi thế đó, tỉnh đã xây dựng một nền nông nghiệp toàn diện, nhất là phát triển về các sản phẩm cho kinh tế cao như vùng thông Đình Lập, vùng hồi Bình Gia, vùng hồng không hạt Bảo Lâm, vùng na Chi Lăng… Trong đó đã có một số sản phẩm xuất khẩu.

Lạng Sơn xác định xây dựng một nền nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng, nhân rộng các vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGap cho các loại rau, cây ăn quả đặc sản. Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm gắn với hoạt động du lịch cộng đồng. Đổi mới hình thức sản xuất theo chuỗi giá trị, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Du lịch sẵn sàng

Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn còn có nhiều danh thắng nổi tiếng như động Tam Thanh, núi Nàng Tô thị, đỉnh Mẫu Sơn, những địa danh lịch sử như Ải Chi Lăng, thành Nhà Mạc, An toàn Khu Bắc Sơn. Đặc biệt là khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch, với định hướng trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đặc sắc về tâm linh, du lịch sinh thái của miền núi bắc bộ và cả nước.

Lạng Sơn hiện cũng lưu giữ nhiều nét sinh hoạt văn hóa độc đáo bản địa, nhất là các lễ hội mang đậm tính văn hóa bản địa như Lễ hội đền Tam Thanh, lễ hội Kỳ Cùng – Tà Phủ, lễ hội Lồng Tổng, lễ hội Ná Nhèm… làm cho Lạng Sơn luôn là điểm du lịch hấp dẫn cho du khách thập phương.

Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn tỉnh được hoàn thiện khá đồng bộ với hàng trăm khách sạn tiêu chuẩn 3 sao trở lên, đảm bảo nhu cầu của khách trong và ngoài nước.

Trung bình, hằng năm lạng Sơn thu hút trên 2,8 triệu du khách, doanh thu từ du lịch ước đạt 852 tỷ đồng.

Kinh tế cửa khẩu phát triển

Với hệ thống 12 cửa khẩu với Trung Quốc, Lạng Sơn còn có chiến lược phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại dịch vụ với Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng.

Chợ cửa khẩu Tân Thanh.

Chợ cửa khẩu Tân Thanh.

Hạ tầng giao thông các khu cửa khẩu đang được hoàn thiện đồng bộ. Khu thuế quan, phi thuế quan trong khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng được quy hoạch thành một nút trên tuyến kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội, Hải Phòng. Phấn đấu trở thành một cực của khu vực kinh tế tứ giác trọng điểm Bắc Bộ.

Là một trong chín khu kinh tế lớn của Việt Nam, Khu kinh tế Đồng Đăng được hưởng nhiều ưu đãi lớn về thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ đền bù thiệt hại. Nhờ đó, Khu kinh tế Đồng Đăng đã trở thành điểm sáng để thu hút vốn đầu tư của tỉnh, với hàng nghìn tỷ đồng được triển khai xây dựng trong khu kinh tế này.

Hằng năm, có hơn 3.000 doanh nghiệp trên cả nước có hàng hóa thông quan tại Lạng Sơn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân đạt từ 4,8 – 5,2 tỷ USD.

Bất động sản sạch

Những năm qua,iều dự án của các ông lớn như trung tâm thương mại và khách sạn Vincom, khách sạn Mường Thanh đã sớm đi vào hoạt động. Một số dự án lớn cũng đang được tích cực triển khai như khu tái định cư và dân cư Nam thành phố Nguyễn Đình Chiểu có tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Nà Chuông - Bình Cằm, khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng vui chơi giải trí hồ Lẩu Xá, khu đô thị mới Mai Pha tại thôn Khòn Khuyên và Pò Đứa (xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn)...

Giờ đây, Lạng Sơn như thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư. Hàng loạt các tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, FLC, TMS… đã đang khảo sát để triển khai dự án trên địa bàn tỉnh.

Vincom Lạng Sơn.

Vincom Lạng Sơn.

Nhân lực trẻ

Trong 3 điều kiện thiên thời – địa lợi – nhân hòa, tỉnh Lạng Sơn xác định nhân lực luôn đóng vai trò quan trọng cho địa phương. Do đó, những năm gần đây, tỉnh đã chú trọng vào phát triển và nâng cao chất lượng của con người thông qua hệ thống dạy nghề,nâng quy mô đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị.

Với tổng dân số trên 781.000 người, trong đó có trên 65% dân số trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 50%. Mỗi năm, tỉnh có thêm trên 6.000 lao động trẻ có trình độ trung cấp chuyên nghiệp từ các trường trong và ngoài tỉnh. Trên 7.000 công nhân kỹ thuật ra trường từ 30 cơ sở dạy nghề đạt chuẩn của tỉnh.

Hệ thống giáo dục, đào tạo trẻ liên tục được nâng cao, phát triển với trên 230 trường mầm non, 200 trường tiểu học, 160 trung học cơ sở, 27 trường Trung học phổ thông.

Những ưu đãi vượt trội

Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, bên cạnh các mức ưu đãi của Chính phủ, tỉnh cũng đã đề ra những ưu đãi thêm để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn như Dự án đầu tư vào các hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa có sử dụng đất tại các đô thị trên địa bàn toàn tỉnh thì được miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian của dự án hay hỗ trợ 1 lần kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng sau khi hoàn thành toàn bộ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% giá trị xây lắp trước thuế thực hiện đường giao thông, đường điện và hệ thống cấp, thoát nước đến hàng rào của dự án theo quy hoạch hoặc thỏa thuận quy hoạch, thiết kế…

Hệ thống hành chính, dịch vụ công được nâng cấp

Những năm qua, các dịch vụ tài chính, tín dụng, bảo hiểm, ngân hàng của tỉnh phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu quản lý sản xuất kinh doanh. Các dịch vụ hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, logistics bước đầu được triển khai hiệu quả.

Dịch vụ bưu điện, viễn thông và thông tin liên lạc được phủ sóng rộng khắp trên toàn tỉnh, đáp ứng dược nhu cầu sử dụng thông tin liên lạc của nhân dân, doanh nghiệp.

Y tế phát triển mạnh mẽ với nhiều bệnh viện được nâng cấp, xây dựng mới như BV Đa khoa Lạng Sơn quy mô 700 giường được đầu tư xây dựng mới.

Các dịch vụ hành chính công vận hành đơn giản, nhưng chặt chẽ, đảm bảo thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, trao đổi hàng hóa…

Đặc biệt, từ năm 2017, UBND tỉnh đã tổ chức thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và UBND cấp huyện, góp phần thúc đẩy thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố để từ đó tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Thùy Linh - Hoàng Phú