Gia đình mới

Cứu sống sản phụ trẻ mắc hội chứng HELLP – biến chứng của tiền sản giật

  • Tác giả : Thúy Nga
Hội chứng  HELLP xảy ra ở khoảng 4 – 12% bệnh nhân tiền sản giật, khoảng 30% trường hợp xuất hiện trong những tuần đầu trước sinh.

Một sản phụ 19 tuổi mang thai lần 2, thai 37 tuần, tiền sản giật nặng kèm hội chứng HELLP (tăng men gan, tiểu cầu giảm và rối loạn chức năng đông máu) vừa được các bác sĩ khoa Sản, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cứu sống thành công.

Nguy cơ tử vong cả mẹ và con

Sản phụ T.T.V. 19 tuổi, (Phương Nam – Uông Bí) mang thai ở tuần 37 nhập viện trong tình trạng đau bụng và nôn nhiều. Sau khi làm xét nghiệm cho thấy sản phụ có tăng men gan, tiểu cầu giảm và rối loạn chức năng đông máu do mắc hội chứng HELLP.

Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, hội đồng quyết định ngừng thai nghén bằng phương pháp phẫu thuật lấy thai để cứu sống thai nhi và giảm nguy cơ cho sản phụ. Với sự phối hợp của các chuyên khoa: sản, gây mê hồi sức, sơ sinh, hồi sức tích cực, nội thận tiết niệu... ca phẫu thuật đã thành công.

Bé nặng 1.240 gram đã được các bác sĩ khoa sơ sinh đón ngay tại phòng phẫu thuật và đưa về chăm sóc tại khoa Sơ sinh. Sản phụ sau phẫu thuật được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực nội, tình trạng sức khoẻ ổn định được chuyển về khoa Sản theo dõi tiếp. Hiện tại sức khoẻ của sản phụ và bé đều ổn định.

Theo sản phụ cho biết, sản phụ có đi khám thai nhưng chỉ siêu âm và không làm thêm các xét nghiệm gì khác. Bên cạnh đó bé đầu chị sinh con thuận lợi không có gì bất thường, nên khi mang thai bé thứ 2, chị cũng không thường xuyên đi kiểm tra.

Bác sĩ Bệnh viện khuyến cáo hội chứng HELLP – biến chứng của tiền sản giật rất nguy hiểm, nó có thể khiến sản phụ và thai nhi tử vong tức thì nếu không được cấp cứu kịp thời. Việc phối hợp điều trị của các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa giúp kiểm soát tình hình và dự liệu được các diễn biến bất thường có thể xảy ra.

Từ đó mang lại hiệu quả cao trong điều trị. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm: Phụ nữ trên 35 tuổi; bị béo phì; có tiền sử mắc các bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận; huyết áp cao trong thai kỳ; tiền sử mắc tiền sản giật trước khi sinh.

Để sớm phát hiện các bệnh lý bất thường liên quan đến sức khỏe của mẹ và thai nhi, sản phụ cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa. Bên cạnh việc siêu âm cần làm thêm một số các xét nghiệm máu, nước tiểu…

Cần phát hiện sớm tiền sản giật

BS CKII Võ Thúy Vân, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, hội chứng HELLP là một biến chứng sản khoa rất nguy hiểm của bệnh lý tiền sản giật với tỷ lệ tử vong mẹ và bé cao.

Một trong những yếu tố gây tử vong nhiều nhất là suy đa cơ quan. Việc áp dụng phương pháp thay huyết tương và lọc máu liên tục sẽ giúp thay thế các yếu tố đông máu, loại bỏ các nội độc tố, yếu tố gây viêm, cytokin, billirubin khỏi tuần hoàn.

Qua đó cải thiện được chức năng gan, chức năng thận của người bệnh mắc hội chứng Hellp. Để điều trị hiệu quả được cần sự phối hợp của phương tiện kỹ thuật hiện đại cùng kinh nghiệm chuyên môn giữa chuyên ngành sản khoa và hồi sức.”

Sức khỏe chị V. ổn định sau sinh - Ảnh BVCC

Sức khỏe chị V. ổn định sau sinh - Ảnh BVCC

Hội chứng HELLP biểu hiện các triệu chứng thường gặp: phù chân, tăng huyết áp, thai 20 tuần ngoài ra còn có các triệu chứng đi kèm như đau thượng vị, đau đầu, mờ mắt, dễ bị kích thích, tăng phản xạ, buồn nôn, nôn, vàng da, xuất huyết dưới da.

Hội chứng HELLP xảy ra ở khoảng 4 – 12% bệnh nhân tiền sản giật, khoảng 30% trường hợp xuất hiện trong những tuần đầu trước sinh. Do đó, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý nội khoa như bệnh lý tiêu hóa gan mật, bệnh lý thận, bệnh lý tim mạch… Phân biệt các bệnh lý này cần phối hợp lâm sàng và cận lâm sàng.

Vì thế, sản phụ khi gặp các triệu chứng này, cần đến bác sĩ chuyên khoa sản để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Việc khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín là vô cùng cần thiết, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ sản phụ cần được làm xét nghiệm tầm soát nguy cơ tiền sản giật nhằm phát hiện những trường hợp có nguy cơ tiền sản giật để theo dõi, xử trí kịp thời và đúng cách, giúp bảo vệ an toàn mẹ và con.

Thúy Nga