Chữa bệnh không dùng thuốc

Bổ sung canxi khi bị gai cột sống

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Nhiều người cho rằng canxi chính là thủ phạm gây nên chứng gai cột sống và việc uống canxi sẽ khiến cho các gai xương phát triển dài hơn. Tuy nhiên, vẫn cần bổ sung canxi cho đúng để điều trị bệnh và giúp cột sống phát triển.

Huy động canxi sửa chữa hư hỏng cột sống 

BS Nguyễn Lâm Phong, chuyên gia xương khớp, Phòng khám chẩn trị y học cổ truyền Trí Tâm cho biết, bệnh gai cột sống hay còn gọi là vôi hóa cột sống chính là một dạng thoái hóa cột sống thường gặp. Khi mắc căn bệnh này hai bên cột sống, đĩa sụn và các dây chằng xung quanh sẽ xuất hiện các chồi xương nhỏ dài cỡ vài milimet.

Đây được coi là kết quả của sự lắng tụ canxi để sửa chữa những tổn thương tại cột sống cũng như các phần mềm xung quanh. Chính vì điều này nhiều người cho rằng canxi là thủ phạm gây nên chứng gai cột sống.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây là quan niệm sai lầm. Thực tế cơ thể chỉ huy động canxi để bù đắp và sửa chữa vào những chỗ rỗng, hốc trên thân đốt sống khi nó bị tổn thương trong quá trình chơi thể thao, lao động, tai nạn hay do mắc các bệnh lý như thoái hóa cột sống, viêm cột sống…từ đó mới gây hình thành các gai xương.

Trong khi đó canxi lại chính là một trong những thành phần quan trọng cấu tạo nên khung xương và giúp cho xương khớp cũng như cột sống luôn được chắc khỏe. Việc thiếu hụt canxi là một trong những nguyên nhân khiến cho cột sống bị yếu, dễ bị tổn thương và mắc hàng loạt các căn bệnh khác.

Trung bình mỗi ngày, người trưởng thành cần được cung cấp khoảng 800-1200mg canxi. Trong đó, lượng canxi được cung cấp từ thực phẩm chỉ chiếm khoảng 400-500mg/ canxi/ngày. Do đó bổ sung canxi khi bị gai cột sống là cần thiết.

Thực phẩm có nhiều canxi

Thực phẩm có nhiều canxi 

Bổ sung thích hợp với tình trạng bệnh

Theo BS Nguyễn Lâm Phong, uống thêm canxi khi bị gai cột sống là việc nên làm nhưng bổ sung bao nhiêu, uống lúc nào... cần phải có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa căn cứ vào khẩu phần ăn hàng ngày, tình trạng bệnh, độ tuổi cũng như sức khỏe của bản thân. Nếu quá lạm dụng canxi, có thể gặp phải một số tác dụng phụ như táo bón, sỏi thận, chuột rút, tính tình trở nên nóng nảy và hay cáu gắt… 

Trong quá trình bổ sung canxi cần lưu ý:

- Uống bổ sung thêm magie để cơ thể hấp thụ được canxi một cách tốt nhất. Nên duy trì bổ sung canxi và magie theo tỷ lệ 2:1.

- Tại một thời điểm cơ thể chỉ hấp thụ được khoảng 500mg canxi, phần dư thừa sẽ bị đào thải qua nước tiểu hoặc tích tụ tại thận gây sỏi thận. Chính vì vậy, không nên uống canxi với liều cao trong một lần, hãy chia nhỏ liều lượng ra thành 2 lần uống vào buổi sáng và buổi trưa để cơ thể hấp thụ được tối đa lượng canxi nạp vào.

- Thời điểm uống canxi tốt nhất là vào buổi sáng sau khi ăn khoảng 1 giờ

- Nên tắm nắng vào buổi sáng để bổ sung vitamin D cho cơ thể được hấp thu canxi một cách tốt nhất. Tuy nhiên, cần chú ý chỉ nên tắm nắng từ 6h-9h sáng và sau 16h chiều để tránh những tác hại của tia cực tím đối với làn da. 

Ngoài ra, không nên ăn quá mặn vì muối có thể làm tăng khả năng đào thải canxi qua đường nước tiểu; Không uống canxi cùng lúc với sữa hoặc các sản phẩm từ sữa; Một số loại thuốc bổ sung sắt, kẽm, đồng cũng không được uống chung thời điểm với thuốc canxi vì có thể làm giảm khả năng hấp thu của nhau. Không sử dụng bia rượu và hút thuốc lá trong những ngày uống thuốc bổ sung canxi vì những chất kích thích này có thể gây cản trở cho hoạt động hấp thu canxi của cơ thể;  Hạn chế ăn các thức ăn giàu chất đạm vì không chỉ làm tăng cân nặng mà còn làm hao hụt lượng canxi từ xương.

Bên cạnh việc uống thuốc, người bị gai cột sống có thể bổ sung thêm canxi qua sữa; đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành, tôm, cua, cá hồi, cá trạch, mè hoặc tận dụng nguồn canxi có nhiều trong các loại rau có màu xanh lá đậm ( như cải xoăn, bắp cải, rau diếp, bông cải xanh,…. Đây mới chính là nguồn canxi dễ hấp thu rất quan trọng đối với cơ thể.

Thúy Nga