Làm đẹp

Bác sĩ mách cách nâng cao tầm vóc cho trẻ thấp còi

  • Tác giả : PGS.TS.BS Võ Tường Kha
Thấp còi không chỉ là vấn đề thể chất mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, khả năng học tập và tương lai của trẻ. Nên kết hợp y học hiện đại và Y học cổ truyền để cải thiện tầm vóc.

Thấp còi của Việt Nam xếp thứ 171/201 nước trên thế giới

Theo số liệu từ Đề án 641 (Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030), chiều cao trung bình của người Việt năm 2020 là 168.1 cm (nam) và 156.2 cm (nữ), xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 171 trên tổng số 201 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Thấp còi thường đi kèm với suy dinh dưỡng, thiếu vi chất, làm giảm khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính.

Tầm soát thấp còi giúp phát hiện sớm các bất thường về tăng trưởng, từ đó can thiệp kịp thời bằng dinh dưỡng, y tế hoặc tập luyện. Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất để đảm bảo trẻ đạt được tiềm năng chiều cao tối đa, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước.

Thực tế lợi thế người có tầm vóc, chiều cao vượt trội được hiện trong nhiều lĩnh vực: Trong tập luyện, thi đấu thể thao ở các môn Bóng rổ; Bóng chuyền; Bơi lội; Điền kinh...

Trong tuyển chọn, sự nghiệp: tạo ấn tượng ban đầu; dễ được tuyển chọn vào nghề người mẫu, diễn viên, cảnh sát, quân đội; Người có tầm vóc cao có biểu hiện có tiềm năng lãnh đạo; có cơ hội thu nhập tốt...

Trong quan hệ, giao tiếp xã hội: giúp tạo sự tôn trọng, giảm bị bắt nạt, giúp tăng sự tự tin; tăng thu hút sự chú ý; giúp tạo cơ hội cho hẹn hò, tìm bạn đời như ý.

Đối với sức khỏe: biểu hiện sức mạnh thể chất; giúp kéo dài tuổi thọ và giảm nguy cơ bệnh tim. Trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày: giúp tầm nhìn quan sát tốt hơn, giúp tiếp cận vật dụng dễ dàng, kịp bắt nhịp thời trang….

Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phát triển tầm vóc

Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển chiều cao gồm các yếu tố: Nội sinh và ngoại sinh.

Yếu tố nội sinh (23%), gồm: Di truyền - quyết định 23% chiều cao; Hormone như GH, IGF-1, estrogen, androgen kích thích tăng trưởng xương; Bệnh lý như suy tuyến giáp, thiếu hormone tăng trưởng, dậy thì sớm/muộn.

Yếu tố ngoại sinh (77%), gồm: Dinh dưỡng (32%) - thiếu đạm, canxi, vitamin D, kẽm; Tập luyện (20%) vận động kích thích sản xuất GH và môi trường (25%); Ô nhiễm, stress, giấc ngủ kém làm chậm phát triển chiều cao. Trẻ ngủ trước 22h và ngủ đủ 8-10 tiếng/đêm sẽ có đỉnh GH cao nhất, thúc đẩy phát triển xương.

Các yếu tố ngoại sinh, nội sinh ảnh hưởng đến phát triển tầm vóc - Ảnh BSCC

Các yếu tố ngoại sinh, nội sinh ảnh hưởng đến phát triển tầm vóc - Ảnh BSCC

Các phương pháp đánh giá chiều cao trưởng thành của trẻ

Dự báo chiều cao trưởng thành giúp cha mẹ và bác sĩ đánh giá tiềm năng phát triển của trẻ, từ đó xây dựng kế hoạch chăm sóc phù hợp.

Các phương pháp hiện đại qua xác định tuổi xương như phương pháp Greulich-Pyle - so sánh hình ảnh X-quang với atlas chuẩn, nhanh và đơn giản.

Phương pháp Tanner-Whitehouse: Đánh giá điểm số từng xương, độ chính xác cao nhưng phức tạp.

Phương pháp sử dụng phần mềm BoneXpert - phân tích tự động, phù hợp trẻ từ 2-17 tuổi; phương pháp siêu âm xương: Hệ thống BonAge đo mật độ xương không xâm lấn. Cần lưu ý tuổi xương chênh lệch quá 2 năm so với tuổi thật cần được theo dõi y tế. Việc này giúp phát hiện sớm trẻ có nguy cơ thấp lùn do di truyền, nội tiết hoặc dinh dưỡng, từ đó điều chỉnh lối sống hoặc điều trị y tế kịp thời.

Trong số các phương pháp dự báo chiều cao trưởng thành có phương pháp Tanner JM sử dụng công thức: Chiều cao tương lai = (Hệ số chiều cao × Chiều cao hiện tại) + (Hệ số tuổi × Tuổi) + (Hệ số tuổi xương × Tuổi xương) + Hằng số.

Một phương pháp dự báo chiều cao (Phương pháp Tanner JM)

Một phương pháp dự báo chiều cao (Phương pháp Tanner JM)

Các tăng chiều cao, phát triển tầm vóc

Các biện pháp hỗ trợ tăng chiều cao cho trẻ em nên kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền.

Biện pháp của Y học hiện đại như: Bổ sung hormone GH nếu thiếu hụt; Điều trị bệnh nền (suy giáp, thiếu máu); Phẫu thuật kéo dài xương (chỉ định hạn chế); Dinh dưỡng phải đủ 4 nhóm chất: Đạm (thịt, cá), canxi (sữa, rau xanh), vitamin D (ánh nắng), kẽm (hải sản), tránh đồ ngọt, nước ngọt có ga. Giấc ngủ: Ngủ trước 22h, phòng tối, yên tĩnh.

Biện pháp Y học cổ truyền và bài tập hỗ trợ tăng chiều cao như dùng các bài thuốc Đông y: Lục vị hoàn, Thận khí hoàn - bổ thận, tăng cường xương; Bổ trung ích khí thang - kiện tỳ, hỗ trợ hấp thu dinh dưỡng.

Châm cứu, bấm các huyệt: Túc tam lý, Tam âm giao… kích thích sản sinh GH. Các bài tập thể dục thể thao hỗ trợ tăng chiều cao: Bơi lội, bóng rổ, kéo giãn cột sống, yoga tư thế rắn hổ mang, cây cầu, nhảy dây giúp tăng mật độ xương.

Các yếu tố Y học cổ truyền ảnh hưởng đến phát triển tầm vóc - Ảnh BSCC

Các yếu tố Y học cổ truyền ảnh hưởng đến phát triển tầm vóc - Ảnh BSCC

PGS.TS.BS Võ Tường Kha (Trưởng Bộ môn Y học Thể thao, Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội)

PGS.TS.BS Võ Tường Kha