Làm đẹp

Cách chăm sóc vết thương tại nhà để tránh hoại tử

  • Tác giả : Thúy Nga
Các vết thương ban đầu có thể đơn giản nhưng nếu xử trí sai cách có thể gây ra khuyết hổng phần mềm, nhiễm trùng hoại tử.

Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ) vừa tiếp nhận và điều trị thành công trường hợp khuyết hổng vùng trán phức tạp do chăm sóc vết thương không đúng cách. Vậy chăm sóc vết thương thế nào để tránh biến chứng?

Phải phẫu thuật chuyển vạt để che vùng khuyết hổng

Người bệnh H.M.H (68 tuổi, huyện Thanh Ba) có tiền sử tiểu đường nhiều năm, nhập viện trong tình trạng có vùng trán bị khuyết hổng kích thước 5x6cm do một ổ nhiễm trùng kéo dài không được chăm sóc đúng cách.

Sau thăm khám, người bệnh được các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba cắt lọc tổ chức nhiễm trùng, chăm sóc vết thương và thực hiện phẫu thuật chuyển vạt da để che phủ vùng khuyết hổng.

Sau 5 ngày điều trị tích cực, vạt da phát triển tốt, vết thương lành nhanh chóng, người bệnh được xuất viện với sức khỏe ổn định.

Hình ảnh khuyết hổng vùng trán của người bệnh - Ảnh BVCC

Hình ảnh khuyết hổng vùng trán của người bệnh - Ảnh BVCC

BS.CKI Phạm Hải Long, Khoa Ngoại tổng hợp Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba chia sẻ: Trường hợp trên là lời nhắc nhở người dân về việc chăm sóc và xử lý các vết thương đúng cách ngay từ đầu để tránh nhiễm trùng và các biến chứng nghiêm trọng.

Các vết thương ban đầu có thể đơn giản nhưng nếu xử trí sai cách có thể gây ra khuyết hổng phần mềm, nhiễm trùng hoại tử. Vì vậy, khi gặp các vấn đề về vết thương, người dân nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Cách xử trí, chăm sóc vết thương tại nhà

Các chuyên gia Y tế cho biết, khi bị thương để tránh dẫn đến việc các vết thương bị nhiễm trùng và lâu khỏi chúng ta cần biết cách xử trí, chăm sóc và theo dõi tình trạng vết thương đúng cách.

Dưới đây là hướng dẫn một số bước xử trí, chăm sóc vết thương đúng cách tại nhà:

Bước 1: Rửa tay bằng nước ấm và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn

- Rửa tay là bước vô cùng quan trọng trước khi xử lý vết thương. Rửa tay giúp hạn chế nhiễm khuẩn từ tay xâm nhập vào vết thương, vết trầy xước của người bệnh.

- Trước khi xử lý vết thương của mình hoặc người khác, nên rửa tay sạch với nước ấm và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn phù hợp. Có thể sử dụng găng tay y tế để hạn chế tiếp xúc trực tiếp với dịch từ vết thương.

Bước 2: Cầm máu, hạn chế tối đa lượng máu bị mất đi

Cầm máu, hạn chế chảy máu là ưu tiên hàng đầu khi có vết thương hở. Chảy máu nhiều có thể dẫn đến choáng váng, sốc nhẹ. Nặng hơn nữa có thể ngất, trụy tim mạch, tử vong.

- Dùng mảnh vải sạch đắp nhẹ nhàng lên vết cắt hoặc vết trầy xước để thúc đẩy quá trình đông máu.

- Nếu máu chảy nhiều và không có vải hay băng sạch, có thể dùng tay ép miệng vết thương lại để hạn chế máu chảy.

- Nâng vị trí vết thương cao hơn tim để hạn chế áp lực máu đến khu vực này.

Nếu cảm thấy vết thương sâu và không thể cầm máu bằng biện pháp thông thường, nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chữa kịp thời.

Người bệnh được các y, bác sĩ chăm sóc tại khoa - Ảnh BVCC

Người bệnh được các y, bác sĩ chăm sóc tại khoa - Ảnh BVCC

Bước 3: Rửa sạch vết thương hở, vết xước

- Rửa vết thương hở bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn phù hợp trong 5-10 phút để loại bỏ bụi và các chất bẩn.

- Lau nhẹ nhàng vết thương bằng khăn sạch.

- Dùng nhíp loại bỏ bụi bẩn hoặc mảnh vụn. Nếu không loại bỏ được hết cần đến cơ sở y tế để được hỗ trợ.

Lưu ý: Nếu chấn thương do dị vật đâm sâu thì không nên rút ra vì có thể khiến máu chảy ồ ạt. Trường hợp này cần đến cơ sở y tế để được chăm sóc vết thương an toàn.

Bước 4: Sát trùng vết thương hở đúng cách

Sát trùng là bước quan trọng nhất trong quá trình chăm sóc vết thương hở tại nhà. Lựa chọn sử dụng thuốc sát trùng vết thương hở chuyên dụng giúp ngăn chặn sự tấn công của mầm bệnh như dung dịch nước povidon, nước muối sinh lý mua tại các quầy thuốc.

Không nên sử dụng các dung dịch chứa cồn, oxy già cho vết thương hở vì các dung dịch này có khả năng tiêu diệt vi khuẩn nhưng lại gây xót, làm tổn thương các tế bào mô… khiến cho vết thương chậm lành hơn rất nhiều.

Bước 5: Băng vết thương cẩn thận

Băng cẩn thận để giữ vết thương luôn sạch sẽ. Nên sử dụng băng vô trùng để hạn chế tối đa nhiễm khuẩn.

- Nếu vết cắt nhỏ hoặc vết trầy xước nhẹ, có thể không cần băng bó. Vết thương được giữ thông thoáng sẽ lành nhanh hơn.

- Hạn chế băng quá chặt, làm giảm lưu lượng máu đến vị trí vết thương. Điều này khiến bệnh nhân khó chịu và làm khả năng tự chữa lành của cơ thể.

Bước 6: Thay băng thường xuyên

- Thay băng ít nhất mỗi 24h hoặc khi băng bị ướt, bẩn. Mỗi lần thay băng cần phải rửa lại vết thương, bôi kháng sinh lên vết thương mỗi lần thay băng.

Lưu ý: Nếu vết thương đã liền thì không cần băng bó nữa.

Bước 7: Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng

- Đau đớn tăng dần, đỏ hoặc sưng tấy, chảy máu hoặc chảy mủ;

- Tăng tiết dịch từ vết thương;

- Có mùi hôi.

- Vết thương trông có vẻ lớn hơn, sâu hơn.

- Bung chỉ khâu.

- Vùng da xung quanh phù nề, sưng đau hay ấn thấy phập phều;

- Toàn thân mệt mỏi, lừ đừ;

- Nhiệt độ cơ thể vượt quá 38,5 độ C.

Trong quá trình chăm sóc, xử lý vết thương hở tại nhà cần đặc biệt lưu ý đến các dấu hiệu nhiễm trùng. Cách xử lý khi có dấu hiệu nhiễm trùng là đến ngay cơ sở y tế để chữa trị kịp thời.

Thúy Nga