Con cao hay thấp là do đâu?
Gen quy định chiều cao
Con cái sẽ được thừa hưởng gen quy định chiều cao từ bố mẹ, có thể dựa vào chiều cao của bố mẹ để ước tính chiều khi trưởng thành của con như sau:
Chiều cao con gái = (chiều cao của bố - 13cm + chiều cao của mẹ)/2.
Chiều cao con trai = (chiều cao của người mẹ + 13cm + chiều cao của bố)/2.
Tuy nhiên, chiều cao còn phụ thuộc vào các yếu tố khác bao gồm dinh dưỡng, luyện tập và hormon.
Chế độ dinh dưỡng
Nếu trẻ được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và các vi chất cần thiết cho quá trình phát triển chiều cao thì có thể hỗ trợ tối đa khả năng phát triển của hệ cơ xương, giúp tăng chiều cao cho trẻ. Các chất dinh dưỡng cần cho sự phát triển chiều cao bao gồm protein (đặc biệt là Lysin), canxi, kẽm, vitamin D, vitamin K2.
Ánh nắng mặt trời rất cần thiết cho sự phát triển chiều cao và sự vững chắc của bộ xương do ánh nắng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D. Tuy nhiên cần lưu ý không bổ sung quá liều các thành phần dinh dưỡng kể trên để tránh tác dụng phụ có hại.
Trẻ thấp lùn, bố mẹ có thể làm gì để tăng chiều cao? |
Luyện tập thể thao
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tập thể thao sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao do sụn tiếp hợp ở đầu xương được kích thích, từ đó giúp tăng trưởng mạnh.
Các môn thể thao tốt cho sự phát triển chiều cao của trẻ: chạy bộ, nhảy dây, bơi lội, xà đơn, bóng đá, bóng rổ… nên tránh các môn thể thao nặng như tập tạ vì sẽ làm cốt hóa sớm đầu sụn làm hạn chế chiều cao của trẻ.
Hormone
Khi hệ nội tiết của trẻ hoạt động bình thường, tiết ra đầy đủ các hormon sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao bình thường.
Hai loại hormon ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển chiều cao của trẻ là hormon tuyến giáp và hormon tăng trưởng (GH).
Việc đánh giá các hormon này có thể thực hiện thông qua xét nghiệm máu, đặc biệt hormon GH thường được tiết ra nhiều nhất vào ban đêm khoảng 23h - 1h nên việc cho trẻ đi ngủ sớm trước 22h và ngủ liền mạch suốt đêm là rất cần thiết để hormon có thể tiết ra được đầy đủ nhất.
Khi nào cần cho trẻ kiểm tra tầm soát chậm tăng trưởng?
Sự phát triển của trẻ diễn ra theo từng giai đoạn, bình thường trẻ mới sinh cao 48-52cm, khi được 1 tuổi bé sẽ tăng thêm khoảng 20-25cm, khi 2 tuổi tăng thêm khoảng 12cm, khi 3 tuổi tăng thêm khoảng 10cm, 4 tuổi tăng thêm khoảng 7cm.
Từ năm 4 tuổi trở đi mỗi năm trẻ tăng khoảng 4-6 cm chiều cao. Nếu theo dõi chiều cao của con không đạt được như mức bình thường đó thì cha mẹ nên cho con khám và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao sớm.
Đối với những trẻ thấp lùn do nguyên nhân thiếu hormon thì việc bổ sung hormon sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển chiều cao của trẻ.
Việc điều trị hormon tốt nhất nên tiến hành ở giai đoạn 4-11 tuổi, sau 11 tuổi thì kết quả điều trị kém hơn hoặc không có kết quả do các đầu xương đã cốt hóa.
Việc điều trị bằng hormon để tăng chiều cao nhất thiết phải được thực hiện bởi các bác sỹ chuyên khoa nội tiết để tránh những hậu quả có hại cho trẻ.
TS Ngô Thị Phượng, ThS Nguyễn Thị Thùy Linh (Khoa Nội Tiết, Bệnh viện TWQĐ 108)