Làm đẹp

Sưng phù mặt, chảy dịch... vì dùng kem trị mụn "từ thiên nhiên" trên TikTok

  • Tác giả : Giang Thu (Tổng hợp)
Dùng kem trị mụn từ thiên nhiên mua trên TikTok, cô gái trẻ ở Hà Nội phải nhập viện vì dị ứng nặng, đối mặt nguy cơ để lại sẹo vĩnh viễn.

Da tổn thương nặng vì sản phẩm làm đẹp trên TikTok

M.T.P. (22 tuổi), sinh viên năm cuối một trường đại học tại Hà Nội thường xuyên theo dõi các nội dung làm đẹp trên TikTok.

Gần đây, P. thấy nhiều tài khoản TikTok giới thiệu loại kem trị mụn "từ thiên nhiên” có thành phần chiết xuất từ nghệ, tràm trà, nha đam và được quảng cáo là “dùng cho cả da nhạy cảm, không kích ứng, không corticoid”.

Vùng da mặt của bệnh nhân sau thời gian dùng sản phẩm “thảo dược thiên nhiên” được nhiều người quảng cáo.

Vùng da mặt của bệnh nhân sau thời gian dùng sản phẩm “thảo dược thiên nhiên” được nhiều người quảng cáo.

Ngay trong lần đầu sử dụng vào buổi tối, P. cảm thấy châm chích nhẹ. Nhưng nghĩ đây là phản ứng bình thường, P. tiếp tục dùng thêm hai ngày liên tiếp. Đến ngày thứ ba, các dấu hiệu cảnh báo bắt đầu rõ rệt: da đỏ ửng, nổi mụn nước, ngứa rát từ vùng cổ đến quai hàm, đặc biệt nghiêm trọng khi đổ mồ hôi.

Khi nhận thấy tình trạng ngày càng nặng, cô mới ngừng sử dụng. Nhưng lúc này, mọi thứ đã vượt khỏi tầm kiểm soát: da sưng phù, rỉ dịch vàng, vết thương lan rộng khắp mặt, cổ, thậm chí xuống cả cánh tay. Gia đình lập tức đưa P. đến bệnh viện để kiểm tra.

Thiên nhiên không đồng nghĩa với an toàn

Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam, người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân cho biết, bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc cấp tính, phản ứng nặng với thành phần trong mỹ phẩm. Vùng mặt, cổ và tay sưng tấy, rỉ dịch, cho thấy da đã bị tổn thương sâu.

Theo bác sĩ Thành, các sản phẩm mỹ phẩm gắn mác “thảo dược thiên nhiên” nhưng không rõ nguồn gốc rất dễ gây hại nếu không được kiểm nghiệm đầy đủ. Nhiều loại còn pha trộn corticoid hoặc hóa chất mạnh để cho hiệu quả làm đẹp nhanh chóng, nhưng lại đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe làn da, đặc biệt khi dùng không đúng cách.

“Nhiều bạn trẻ hiện nay có xu hướng tin tưởng tuyệt đối vào mỹ phẩm thiên nhiên. Nhưng nghệ, tràm trà, nha đam… nếu không qua xử lý chuẩn y khoa hoặc sử dụng sai tỷ lệ, vẫn có thể gây kích ứng mạnh. Chưa kể hàng giả, hàng trôi nổi, hoặc sản phẩm bị trộn thêm chất cấm để tăng công dụng nhanh chóng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro không thể nhìn thấy ngay lập tức”, bác sĩ Thành cảnh báo.

Ngoài ra P. còn mắc sai lầm nghiêm trọng khi tiếp tục sử dụng sản phẩm sau khi da có biểu hiện đỏ rát - khiến mức độ tổn thương lan rộng.

Nếu không được điều trị đúng và kịp thời, bệnh nhân có thể đối mặt với biến chứng viêm da mạn tính, mất sắc tố da, sẹo thâm, sẹo lồi hoặc sẹo lõm vĩnh viễn.

Hiện tại, P. được điều trị bằng thuốc chống viêm, thuốc chống dị ứng, kết hợp kem phục hồi da chuyên biệt. Sau 5 ngày, tình trạng bắt đầu cải thiện, nhưng vẫn cần điều trị và theo dõi trong vài tuần tới.

Cẩn trọng với video “review” viral trên TikTok

Bác sĩ Thành cho biết, tình trạng người trẻ dị ứng, tổn thương da do dùng mỹ phẩm trôi nổi đang ngày càng phổ biến. Chỉ cần một video “review” viral trên TikTok, sản phẩm không rõ nguồn gốc đã có thể bán hàng nghìn đơn mỗi ngày, mà không ai biết thực sự bên trong chứa thành phần gì.

“Người dùng không nên sử dụng mỹ phẩm chỉ dựa trên quảng cáo từ mạng xã hội. Cần kiểm tra kỹ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, tem kiểm định. Nếu sản phẩm chỉ toàn chữ nước ngoài, không có hướng dẫn rõ ràng, càng phải cẩn trọng", bác sĩ nhấn mạnh.

Đồng thời, bác sĩ Thành cũng lưu ý trước khi dùng bất kỳ sản phẩm nào trên mặt, đặc biệt là mỹ phẩm mới, người dùng nên thử trước ở vùng da nhỏ như mặt trong cổ tay hoặc sau tai. Nếu sau 24 giờ không có dấu hiệu bất thường, mới nên sử dụng tiếp.

Trong trường hợp có biểu hiện dị ứng như mẩn đỏ, ngứa, châm chích, rát da, cần tuyệt đối ngừng sử dụng ngay, rửa sạch bằng nước muối sinh lý và không bôi thêm bất cứ loại kem nào khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.

“Một sản phẩm dù được nhiều người khen ngợi hay quay clip lung linh đến mấy cũng không thể đảm bảo an toàn nếu không được kiểm định. Làn da không phải nơi để thử nghiệm. Và một món đồ rẻ, đẹp, có vẻ "tự nhiên" đôi khi lại là thứ khiến chúng ta phải trả giá đắt nhất”, bác sĩ Thành nói.

Giang Thu (Tổng hợp)