Xe

5 món phụ kiện trên ô tô gây nguy hiểm không ngờ

  • Tác giả : Tuấn Huy (T/H)
Chốt dây an toàn giả, bọc vô lăng hay đồ trang trí trên tap-lô,... là những phụ kiện không những chẳng hề giúp ích gì khi vận hành mà còn có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến an toàn trên ô tô.

Chốt dây an toàn giả

Chốt cài dây an toàn giả đang được bán đầy trên thị trường với giá siêu rẻ đáng tiếc là nhiều người Việt chưa ý thức được tầm quan trọng của việc thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô nên phụ kiện này bán khá chạy. Những chủ xe lười sử dụng dây an toàn thường sử dụng phụ kiện này để tránh phải nghe tiếng cảnh báo phát ra liên tục.

Tuy nhiên, khi va chạm xảy ra, việc không đeo dây an toàn khiến tỷ lệ thương vong cao hơn rất nhiều. Túi khí nổ cũng có thể khiến người ngồi trên xe bị gãy cổ nếu không đeo dây an toàn đúng cách. Do đó, hãy bỏ ngay phụ kiện này và tập thói quen đeo dây an toàn đúng cách mỗi khi ngồi lên xe, kể cả ngồi ở hàng ghế sau.

Phụ kiện gắn trên vô lăng xe ô tô

Bọc vô lăng: Bọc vô lăng sẽ hỗ trợ người lái đắc lực nếu tài xế lựa chọn sản phẩm có chất lượng tốt. Ngược lại, những bọc vô lăng không đạt chuẩn sẽ gây cảm giác trơn trượt, mỏi tay thậm chí mất tay lái. Vì vậy, tài xế cần lựa chọn bọc vô lăng có độ bám tốt giúp điều khiển xe dễ dàng hơn.

Núm vặn vô lăng 1 tay: Theo những lời quảng cáo trên mạng, núm vặn vô lăng dùng để khoe kỹ năng lái xe một tay khi di chuyển sang phải hoặc sang trái. Tuy nhiên, việc làm này vô cùng nguy hiểm và có khả năng gây tai nạn cao cho người dùng.

Giá đỡ điện thoại: Nhiều tài xế công nghệ đã lắp thêm giá đỡ điện thoại trên vô lăng nhằm thuận tiện hơn trong việc nghe, gọi, tìm đường. Nhưng đây chính là phụ kiện dễ gây mất tập trung khi lái xe. Việc nghe, gọi, nhắn tin khi đang di chuyển sẽ khiến tài xế phân tâm khi di chuyển, dẫn đến nhiều tai nạn đáng tiếc.

Phụ kiện trên ghế ngồi

Trên thực tế, nhiều tài xế đã mua thêm các phụ kiện như tựa lưng, gối đầu...cho ghế ngồi để cảm thấy thoải mái khi di chuyển.

Tuy nhiên, các phụ kiện này vô tình khiến người điều khiển không cố định được người vào ghế lái. Đặc biệt phần tựa đầu, nơi được thiết kế riêng để ngăn ngừa chấn thương vùng cổ.

Ngoài ra, các tài xế còn sử dụng lót ghế ô tô dạng hạt gỗ có tác dụng giúp đau mỏi trên đường dài. Tuy nhiên, phụ kiện này cũng có ảnh hưởng tiêu cực khi phanh gấp hoặc có tai nạn xảy ra.

Lắp thêm giá để đồ

Nhiều người ví chiếc ô tô như “căn nhà di động” của cả gia đình khi đi xa. Trong khi cốp hoặc khoang hành khách thì nhỏ bé, không thể chứa đủ tất cả đồ dùng mang theo, nhất là những đồ dùng có hình dáng to, cồng kềnh. Và giải pháp được nhiều chủ xe lựa chọn chính là lắp đặt thêm giá để đồ trên nóc xe hơi.

Điều này rõ ràng mang đến nhiều tiện lợi hơn trong sử dụng xe, tuy nhiên cũng vô tình lại mang đến nhiều rủi ro mất an toàn:

Hành lý chằng buộc không tốt có thể rơi xuống đường gây tai nạn cho phương tiện khác

Xe tiêu tốn nhiều nguyên liệu hơn vì xe nặng và sức cản gió lớn hơn

Gió lùa vào khoảng cách giữa xe và giá để đồ, tạo nên tiếng ồn lớn khi di chuyển.

Đèn xe không phù hợp

Hiện nay, rất nhiều tài xế sử dụng các loại đèn bi-xenon, đèn LED, không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới người tham gia giao thông mà còn bị từ chối đăng kiểm và bị phạt tiền.

Đặc biệt, các thiết bị phát sáng nội thất và đèn nhiều màu sắc kết hợp với âm thanh lớn cũng gây mất tập trung cho tài xế khi lái xe, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Vì vậy, tài xế hãy hạn chế sử dụng phụ kiện không cần thiết này.

Tuấn Huy (T/H)