Ý kiến bạn đọc

Xử lý thế nào vụ chồng đập điện thoại của vợ?

  • Tác giả : Hải Ninh
Chuyên gia pháp lý cho rằng, cần phải chứng minh đó là tài sản riêng của vợ thì hành vi của người chồng mới thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm về tội “Hủy hoại tài sản”.
Công an huyện Cô Tô (Quảng Ninh) vừa khởi tố, bắt tạm giam Lê Văn Tuấn (40 tuổi, khu 4, thị trấn Cô Tô) về tội "Hủy hoại tài sản".
Lê Văn Tuấn bị vợ là bà Nguyễn Thị Tuyến (40 tuổi) tố giác về hành vi bẻ, ném làm hỏng hoàn toàn chiếc điện thoại trị giá khoảng 8 triệu đồng, nguyên nhân do mâu thuẫn trong sinh hoạt. Tuấn thừa nhận hành vi bẻ gãy và ném làm hư hỏng điện thoại của vợ.
Đáng chú ý, tháng 6/2024, Tuấn từng bị UBND huyện Cô Tô xử phạt vi phạm hành chính về hành vi "Cố ý làm hư hỏng tài sản" và "Đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình".
Chong dap dien thoai cua vo: Can cu nao xu ly hinh su?

Cơ quan điều tra thi hành lệnh bắt bắt can để tạm giam đối với Lê Văn Tuấn.

Dưới góc nhìn pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong phòng chống bạo lực gia đình, việc áp dụng chế tài hình sự là một những trong những giải pháp cứng rắn. Tuy nhiên, xử lý hình sự hành vi của người chồng vì đập vỡ điện thoại của vợ, cần phải chứng minh đó là tài sản riêng của vợ thì hành vi của người chồng mới thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Bạo lực gia đình là vấn đề rất phức tạp và đáng lo ngại ở Việt Nam trong những năm qua. Trong những năm qua, tình hình bạo lực gia đình có thể đã giảm đi về số vụ việc nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Bởi vậy những vụ việc xử lý hình sự về hành vi bạo lực gia đình có thể sẽ là những biện pháp cứng rắn để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho các thành viên trong gia đình.
Trước đây, nhiều người vẫn quan niệm, vợ chồng nào cũng xảy ra xích mích, thậm chí bạo lực, đó là chuyện “riêng tư”, hay để “vợ chồng đóng cửa bảo nhau”. Chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể cũng ngại can thiệp. Chỉ khi có thương tích nghiêm trọng, thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản hoặc có đơn thư tố giác, khi đó cơ quan chức năng mới vào cuộc, xử lý bằng những chế tài của pháp luật. Đối với những mâu thuẫn nhỏ nhặt, có phản ánh, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng chỉ dừng lại ở mức độ khuyên giải, nhắc nhở, đôi khi không mấy hiệu quả...Thậm chí, nhiều trường hợp xâm phạm đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của các thành viên trong gia đình còn thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại nên khi người bị hại không yêu cầu hoặc rút đơn, cơ quan tiến hành tố tụng cũng không đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Mối quan hệ trong gia đình là có sự đan xen giữa tình và lý, mâu thuẫn giữa lý trí và tình cảm khiến cho vụ việc rất khó để có những lựa chọn hoàn toàn đúng đắn. Cả tâm lý của những người trong cuộc và cơ quan chức năng đều không muốn áp dụng các biện pháp cứng rắn vì sợ nếu xử lý hình sự, hạnh phúc gia đình sẽ tan vỡ. Nhiều người âm thầm chịu đựng bạo lực gia đình vì vẫn mang tâm lý “xấu chàng hổ ai?”.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, khi quyền con người, quyền công dân được đảm bảo và được đề cao, nhiều người không chấp nhận bạo lực gia đình, thậm chí không chấp nhận những bất bình đẳng trong gia đình, nhiều người phụ nữ hiện nay đã không ngần ngại sử dụng pháp luật để bảo vệ mình trong các tình huống bị bạo lực. Cơ quan bảo vệ pháp luật cũng sẵn sàng can thiệp, hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ và trẻ em khi bị bạo lực gia đình.
Đối với vấn đề tài sản, pháp luật Việt Nam hiện nay quy định tài sản vợ chồng có tài sản chung và tài sản riêng.
Theo các quy định, tài sản chung là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân, do lao động, sản xuất; tài sản được tặng cho chung, thừa kế chung hoặc có thỏa thuận là tài sản chung. Còn tài sản có trước khi kết hôn, tư trang cá nhân hoặc tài sản được thỏa thuận là tài sản riêng sẽ là tài sản riêng của mỗi cá nhân. Với tài sản chung vợ chồng, cả hai bên đều có quyền quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản, còn tài sản riêng của người nào thì người đó có quyền tự quản lý, sử dụng, định đoạt mà không phụ thuộc vào ý chí của người còn lại.
Nếu một người tự mình định đoạt tài sản chung vợ chồng nhưng chưa quá một nửa tài sản chung vợ chồng, hành vi đó chưa xâm phạm đến quyền lợi của người còn lại. Bởi vậy, trong trường hợp vợ chồng mâu thuẫn mà đập phá tài sản nhưng đó là tài sản chung vợ chồng, giá trị tài sản kia vượt quá một phần hai tổng số tài sản chung vợ chồng cũng rất khó có thể có lý lẽ, lập luận để xử lý hình sự về tội hủy hoại tài sản của người khác. Nếu người nào cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản riêng của người khác mới có thể xem xét xử lý hình sự khi tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
Bởi vậy, trong tình huống nêu trên, nếu chiếc điện thoại là tài sản riêng của người vợ trị giá chiếc điện thoại này từ 2.000.000 đồng trở lên mà người chồng cố ý làm hư hỏng hoặc hủy hoại chiếc điện thoại thì mới đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Còn trường hợp điện thoại này là tài sản chung vợ chồng, có nguồn gốc từ lao động sản xuất, từ tài sản chung vợ chồng bỏ ra mua, giá trị chiếc điện thoại này nhỏ hơn một nửa tổng giá trị tài sản của hai vợ chồng, người chồng tự ý hủy hoại chiếc điện thoại này cũng chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Đây là vụ án khá hi hữu khi xử lý hình sự người chồng về hành vi đập phá tài sản của người vợ.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2023, cả nước có 3.122 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.240 vụ, giảm 1.214 vụ so với con số 4.454 vụ của năm 2002. Trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.404 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ.

>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ người phụ nữ bị hành hạ: Nhà chồng nói con dâu là "yêu quái" đầu thai:

Hải Ninh