Giáo dục

Xét tuyển học bạ: Thiếu công bằng khi bệnh thành tích còn lớn

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam kiến nghị hạn chế việc xét tuyển học bạ vì chất lượng đào tạo ở phổ thông chưa được kiểm soát chặt chẽ , bệnh thành tích còn lớn sẽ dẫn tới thiếu công bằng.

Các trường tăng xu hướng xét tuyển học bạ

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 với nhiều thay đổi, điều chỉnh liên tục, khiến phương  thức tuyển sinh của các trường cũng có những điều chỉnh theo. Trong đó, phương thức xét tuyển học bạ là xu hướng đang được nhiều trường lựa chọn, bổ sung.

Cụ thể, danh sách các trường xét tuyển học bạ có thể kể đến: Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM: Ngoài phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, Trường còn xét tuyển học bạ.

Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn: Xét tuyển học bạ và bổ sung phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM.

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành: Xét tuyển theo 5 phương thức: Điểm thi tốt nghiệp THPT, kết quả học bạ THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, kết quả kỳ thi riêng do trường tổ chức, xét tuyển theo dạng tuyển thẳng hoặc cử tuyển. 

Trường Đại học Công nghệ TPHCM: Điểm xét tuyển học bạ sẽ là điểm trung bình 3 học kỳ (học kỳ 1, 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).

Trường Đại học Tài chính – Marketing bên cạnh phương thức dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, và xét điểm thi tốt nghiệp THPT, sẽ xét tuyển học bạ trên cơ sở kết quả học tập THPT 5 học kỳ (học kỳ 1, 2 lớp 10 và 11, học kỳ 1 lớp 12).

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, sẽ có 3 phương thức xét tuyển gồm: Tuyển thẳng, xét học bạ và xét điểm thi THPT.  

Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, phương thức xét tuyển bằng điểm thi THPT năm 2020, trường dành 40% chỉ tiêu; phương thức sử dụng kết quả học bạ THPT lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12, trường dành 30% chỉ tiêu. 

Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam dự kiến sẽ phân bổ chỉ tiêu theo 2 phương án cơ bản: Xét tuyển học bạ và sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trường Đại học Nông lâm TPHCM bổ sung phương thức xét tuyển học bạ, chiếm khoảng 40 - 50% tổng chỉ tiêu. 

Kiến nghị hạn chế xét tuyển học bạ vì độ tin cậy không cao

Đã có nhiều luồng ý kiến tranh luận về việc tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ. Mới đây, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã có góp ý gửi tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT liên quan đến việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 và tuyển sinh ĐH, CĐ. Trong góp ý này, có kiến nghị nên hạn chế xét tuyển học bạ.

Theo Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, phương thức tuyển sinh của các trường đã phong phú hơn, gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Việc tuyển sinh đại học và cao đẳng sư phạm trong năm 2020 (và cả những năm tiếp sau) có thể được triển khai trên cơ sở tự nguyện của các cơ sở giáo dục đại học.

Những trường thuộc tốp đầu hoặc trường năng khiếu, đặc biệt với những ngành học tuyển sinh rất ít nhưng thí sinh đăng ký thi đông, sau khi sơ tuyển qua kết quả thi tốt nghiệp THPT, nên có thêm một kỳ thi tuyển (viết, vấn đáp hoặc phỏng vấn…) do trường tự tổ chức.

Những trường thuộc tốp giữa và tốp cuối nên tuyển sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Để tránh tình trạng “thí sinh ảo”, các trường nên liên kết với nhau thành từng cụm và sử dụng chung một trung tâm khảo thí để tổ chức xét tuyển chung cho tất cả các trường trong cụm.

Tuy nhiên, nên hạn chế việc xét tuyển qua học bạ vì trong khi chất lượng đào tạo ở phổ thông còn chưa được kiểm soát chặt chẽ thì cách xét tuyển như vậy có thể không công bằng.

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS rõ hơn về kiến nghị này, TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết, đối với Việt Nam, việc sử dụng phương thức xét tuyển học bạ sẽ có độ tin cậy không cao và không công bằng.

Lý do là vì, ở các các nước có nền giáo dục phát triển, họ có hệ thống kiểm định chất lượng tốt. Và nền văn hóa chất lượng cao được hình thành trong xã hội, nhà trường. Người ta sẽ cảm thấy nhức nhối, xấu hổ với những thứ kém chất lượng. Từ đó, mới có sự đồng đều về chất lượng và đảm bảo sự công bằng.

Nhưng ở Việt Nam cho tới nay, bệnh thành tích vẫn rất lớn. Viêc chấm thi còn gian lận được, thì việc cho điểm học bạ sẽ còn tùy tiện biết chừng nào. Thực tế sẽ có trường này, thầy này cho điểm rất rộng, còn trường kia, thầy kia cho điểm rất chặt. Lấy gì để kiểm soát việc này?

Cho nên, nếu chỉ căn cứ vào điểm học bạ thì sẽ khó có sự cân bằng. Điều này sẽ khác khi cùng tham dự một kỳ thi.

Theo ông Khuyến, luật không cấm, nhưng các trường cần phải nhận thức được điều này để hạn chế việc xét tuyển học bạ.

Tuy nhiên, cũng có một điều khó là, những trường tốp giữa, tốp cuối nhiều khi chỉ cần tuyển sinh được nhiều để tăng nguồn thu. Cho nên, biết mà vẫn bất chấp. Còn những trường tốp trên thì sẽ từ chối hoặc thận trọng. Bởi khi dùng tới “hạ sách” thì sẽ phải trả giá về uy tín của trường.

Để biết được chất lượng của việc xét tuyển học bạ đến đâu, có phản ánh chính xác học lực của thí sinh hay không, ông Khuyến cho rằng, các nhà nghiên cứu có thể làm một thống kê, so sánh giữa điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này hoàn toàn có thể làm được, nhất là khi điểm học bạ sẽ được công khai.

Nếu điểm học bạ mà cao chót vót, trong khi điểm thi tốt nghiệp THPT lại rất thấp, thì sẽ lộ ra ngay là có thể điểm học bạ chỉ là điểm ảo.

Trao đổi về vấn đề này, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, cần có thống kê giữa kết quả xếp loại học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT để xem có sự tương ứng hay không. Đây sẽ là chỉ số rất tốt để Bộ GD&ĐT cũng như các cơ sở đào tạo xem xét lại chính sách xét tuyển học bạ, và tăng sự tin cậy trong việc xét tuyển học bạ.

Theo Hiệp hội các trường ĐH và CĐ Việt Nam, kỳ thi THPT Quốc gia trước đây và kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay dù tên gọi có thể khác nhau, nhưng vẫn mang tính chất quốc gia, bởi được triển khai thống nhất trên toàn quốc và Bộ GD&ĐT chuẩn bị đề thi và quy định quy trình tổ chức thi. Kỳ thi này là cần thiết, không thể bỏ, nhằm kiểm soát chất lượng của 12 năm học của giáo dục phổ thông, đặc biệt khi bệnh thành tích đang rất trầm trọng trong giáo dục Việt Nam hiện nay.

Mai Nguyễn