Xe nào kinh doanh cũng phải bình đẳng
UBND TP Hà Nội vừa dự thảo văn bản trong đó đề xuất phương án đối với ô tô hợp đồng dưới 9 chỗ bao gồm Uber, GrabTaxi phải có phù hiệu xe hợp đồng.
Theo văn bản dự thảo này, xe ô tô hợp đồng dưới 9 chỗ bao gồm Uber, GrabTaxi là loại hình vận tải cũng phải có phù hiệu xe hợp đồng, đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật đối với loại hình này, phải tuân thủ các quy định về phân luồng, tổ chức giao thông như taxi để đảm bảo giao thông, giảm ùn tắc. Ông có đóng góp ý kiến gì?
Trước tiên, dù là phương tiện gì khi tham gia kinh doanh thì cũng phải thực hiện các điều kiện kinh doanh đối với từng loại hình xe. Phải đăng ký kinh doanh ngành nghề vận tải với Sở GTVT địa phương chứ không phải là đăng ký với Sở KH&CN như người ta đang làm.
Uber, GrabTaxi phải thực hiện quy định đối với xe taxi như xe phải có mào, phải có đồng hồ tính cước, thiết bị giám sát hành trình, thông tin hoạt động phải được Sở GTVT quản lý giống các xe taxi khác vì nó liên quan đến vận mệnh con người và chất lượng vận tải, mật độ giao thông ở các thành phố lớn.
Phải đăng ký giá cước vận tải với Sở GTVT vì đó là ngành nghề kinh doanh Nhà nước quản lý giá, cuối cùng là thực hiện nghĩa vụ nộp thuế để đảm bảo bình đẳng trong cạnh tranh.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã chính thức yêu cầu Công ty TNHH Uber Việt Nam không được cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện và đơn vị vận tải để kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành. Theo Bộ này, việc Công ty Uber BV (Hà Lan) ủy quyền cho Uber Việt Nam tham gia đề án thí điểm và thực hiện các yêu cầu của Bộ GTVT nêu trong Quyết định số 24 của Bộ này về “thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” là chưa phù hợp vì không ràng buộc, xử lý được trách nhiệm của Công ty Uber BV khi có vấn đề tranh chấp, khiếu nại của khách hàng.
Nếu cứ để Uber, GrabTaxi hoạt động như hiện nay thì hệ quả sẽ là gì?
Về bản chất thì nó là xe dù, hoạt động ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý. Ai cũng có thể tham gia vào kinh doanh, trong khi đây là ngành kinh doanh có điều kiện.
Đáng lẽ chúng ta phải quản lý loại hình kinh doanh này từ lâu rồi nhưng lại không làm. Dường như là các cơ quan quản lý đang cảm thấy khó để quản lý Uber, GrabTaxi, không xử lý nghiêm túc, không có các chế tài đủ mạnh.
Vì sao lại khó thưa ông?
Người ta cứ lý do này lý do kia, thành ra nó mới khó.
Ở góc độ người dân, nhiều người thích sử dụng dịch vụ Uber, GrabTaxi vì nó khá tiện dụng, lại có giá thành rẻ, phải chăng người được lợi là người dân?
Thì rẻ là đúng rồi, vì kinh doanh Uber, GrabTaxi có đóng thuế đâu, không mất tiền chi phí nhiều nên giá thành thấp hơn, đáp ứng được một phần nào đó nhu cầu của người dân nhưng lại gây thiệt hại cho Nhà nước.
Khi kinh doanh thì phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh và đóng thuế đầy đủ, nhất là lĩnh vực liên quan đến tính mạng, tài sản của con người.
Có những điều kiện gì mà loại hình Uber, GrabTaxi không đáp ứng được?
Ví dụ như lái xe kinh doanh vận tải mỗi năm phải khám sức khoẻ định kỳ 1 lần tại các cơ sở y tế chỉ định thì tài xế Uber, GrabTaxi không làm. Hoặc các yêu cầu về đảm bảo tính mạng, tài sản cho hành khách cũng thế.
Khi có “mào”, giá thành Uber, GrabTaxi sẽ tăng?
Đương nhiên là như thế và sẽ không có chuyện giờ cao điểm thì giá thành cao gấp mấy lần giờ thấp điểm.
Uber là loại hình dịch vụ taxi mới thông qua việc cài đặt phần mềm ứng dụng Uber trên điện thoại thông minh để kết nối giữa người cần di chuyển và lái xe. Những xe tham gia sử dụng Uber không có phù hiệu taxi, không logo, đồng hồ tính tiền cước như những xe taxi khác. Hành khách chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình, hệ thống sẽ tự động kết nối với một chủ xe (có đăng ký tham gia vào ứng dụng Uber). Sau đó, hệ thống sẽ hiển thị thông báo các thông tin về chi phí chuyến đi, về chiếc xe sắp đến đón.
Không thể vì quyền lợi của vài người
Không biết ở các nước khác thì việc quản lý Uber, GrabTaxi như thế nào?
Tôi được biết thì hiện nay nhiều nơi cấm Uber, GrabTaxi. Singapore thì quản lý rất chặt. Trung Quốc công nhận Uber, GrabTaxi hoạt động nhưng liên kết với các doanh nghiệp taxi để quản lý.
Còn ở Việt Nam thì Uber, GrabTaxi vẫn hoạt động tự do.
Có ý kiến cho rằng, việc tận dụng được xe nhàn rỗi để tăng thu nhập cho chủ xe cũng là điều tốt?
Phải nhìn nhận là mật độ giao thông hiện nay quá căng rồi, tăng thêm số lượng xe sẽ gây ùn tắc giao thông. Xe taxi không mào hoạt động như xe dù thì không kiểm soát được.
Ví dụ như có những tuyến đường cấm xe taxi vào giờ cao điểm, nhưng xe Uber, GrabTaxi vẫn cứ hoạt động thì sẽ gây ùn tắc. Thế là gây bất bình đẳng với các hãng xe taxi khác, mật độ giao thông tăng lên.
Nhìn trên nhiều khía cạnh thì nó chỉ phục vụ cho lợi ích của một nhóm người nhưng lại gây phiền toán cho rất nhiều người, ảnh hưởng đến cả giao thông chung thì không ổn.
Theo ông thì hậu quả lớn nhất của việc chưa thể quản lý xe Uber, GrabTaxi là gì?
Không phủ nhận những tiện ích từ sử dụng công nghệ tiên tiến như Uber, Grab mang lại, tuy nhiên hoạt động này đang làm tăng lượng xe cá nhân lưu thông nội đô, gia tăng ùn tắc giao thông, trong khi đó TPHCM và Hà Nội vẫn đang giải bài toán ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó, còn bất cập khác như ở Hà Nội có một số tuyến đường xe buýt nhanh và một số đường cấm xe taxi nhưng Uber, Grab thì vẫn mặc sức “tung hoành” như tuyến đường từ Gia Lâm về Hà Nội qua cầu Chương Dương, cấm xe taxi từ 6 – 9 giờ nhưng vì Uber, Grab không gắn phù hiệu nên vẫn lưu thông bình thường.
Cán bộ ngại việc khó
Với công cụ pháp luật chúng ta đang có thì liệu có quản lý được Uber, GrabTaxi không thưa ông?
Nếu chúng ta làm quyết liệt thì sẽ quản lý được nhưng lại không ai làm. Dường như cán bộ chỉ thích làm những thứ không rắc rối, không phức tạp, ít liên quan đến bản thân. Quản lý được Uber, GrabTaxi rắc rối chứ.
Muốn cấp phép cho hoạt động thì phải làm nhiều việc lắm, nó thể hiện khoảng trống trong xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật ở nước ta.
Nhưng nếu làm quyết liệt, cứ sai là xử, thì sẽ làm được chứ?
Giờ taxi có mào thì còn dễ xử lý, xe cá nhân di chuyển thì cảnh sát giao thông làm sao xử lý được. Giờ ngay đến như loại xe 7 chỗ màu đen mà được quảng cáo là vận chuyển khách cao cấp, cũng hoạt động tự do bát nháo, phá vỡ các tuyến xe cố định mà chẳng ai làm được gì. Trong khi các tuyến xe cố định thì không có khách.
Xem ra còn rất lâu nữa mới giải quyết được vấn đề của Uber, GrabTaxi?
Nhiều khi bực mình tôi cũng nói đùa, cứ thế này thì giải tán ngành giao thông đi, bộ phận xây dựng hạ tầng thì chuyển về bộ xây dựng, còn lại thì chuyển về công an.
Còn cứ để tình trạng này thì bản thân tôi cũng thấy bất lực. Nhiều khi trên có chỉ đạo rất cụ thể nhưng dưới không làm, vì làm thì “vướng”. Tôi chán lắm rồi! Góp ý, nói mãi cũng chỉ đến thế mà thôi.
Xin cảm ơn ông!
Tô Hội (thực hiện)