Giảm khả năng miễn dịch nếu thiếu vi chất dinh dưỡng
Vi chất dinh dưỡng bao gồm các loại vitamin như vitamin A, vitamin nhóm B như B1, B2, B3, B5, B6, B9, B12, vitamin C, D, E, K... và các chất khoáng như sắt, kẽm, magiê, mangan, đồng, canxi, photpho, iốt, selen, natri, kali…
Hầu hết các vi chất dinh dưỡng tham gia chuyển hóa chất dinh dưỡng, giải phóng năng lượng, tham gia vào quá trình trưởng thành của các tế bào và mô cơ thể như hồng cầu, não bộ, xương, cơ, võng mạc… tạo enzym, hormon.
Một số vitamin và chất khoáng hoạt động như chất chống oxy hóa, ngăn chặn quá trình lão hóa, giúp phục hồi tế bào và các mô tổn thương nhanh hơn. Nếu thiếu vi chất dinh dưỡng có thể gây những rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe và gây bệnh.
Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nutrients của Mỹ, các vi chất luôn quan trọng trong mọi giai đoạn của phản ứng miễn dịch. Nếu thiếu hụt có thể làm giảm khả năng miễn dịch, nhất là vitamin C, D và kẽm.
Thiếu vi chất dinh dưỡng nói chung có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng, chậm phát triển tâm thần vận động ở trẻ em. Một số vi chất dinh dưỡng khi thiếu sẽ gây các bệnh lý đặc hiệu như còi xương, loãng xương do thiếu vitamin D, canxi.
Thiếu vitamin A gây khô loét giác mạc và hậu quả là mù lòa ở trẻ em là những gánh nặng sức khỏe to lớn trong nhiều thập kỷ.
Thiếu iốt gây suy tuyến giáp, bướu cổ, tổn thương não bộ và chậm phát triển tâm thần ở trẻ em sinh ra từ các bà mẹ thiếu hụt iốt.
Thiếu sắt không chỉ gây thiếu máu mà còn giảm sức đề kháng, giảm năng suất lao động và kết quả học tập. Thiếu kẽm ảnh hưởng đến tăng trưởng và sức đề kháng.
Vi chất dinh dưỡng hết sức cần thiết đối với cơ thể, đặc biệt là với trẻ em. Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ khiến trẻ tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm phổi, mù lòa.
Bổ sung vi chất chủ yếu từ thực phẩm
Hầu như tất cả các vi chất dinh dưỡng cơ thể không thể tự tổng hợp được nên cần được bổ sung từ thực phẩm. Nên chú ý chọn các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng có sẵn trong tự nhiên hoặc thực phẩm được bổ sung vi chất dinh dưỡng.
Vitamin A có nhiều trong gan động vật, cá, lòng đỏ trứng. Tiền vitamin A (beta-caroten) có nhiều trong rau, trái cây có màu đỏ, vàng, xanh như cải bó xôi, rau ngót, rau muống, bông cải xanh, cà chua, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, xoài, cam...
Vitamin D có nhiều trong gan cá, dầu cá, cá, gan động vật, lòng đỏ trứng gà...
Vitamin C có nhiều trong các loại rau màu xanh đậm, màu vàng như bông cải, rau cải, ớt chuông, trái cây như dâu, mận, ổi, kiwi, bưởi, cam, quýt, lê, táo…
Sắt có nhiều trong các loại thịt đỏ, gan động vật, cật, lòng đỏ trứng, rau màu xanh sẫm, đậu đỗ các loại.
Kẽm có nhiều trong các loại sò, hàu, cá biển, các loại thịt đỏ, đậu đỗ, lòng đỏ trứng, củ cải trắng…
Iốt có nhiều trong hải sản, rong biển. Hầu hết thực phẩm có hàm lượng iốt rất ít. Nên sử dụng muối bổ sung iốt để đảm bảo nhu cầu cho cơ thể.
Canxi có nhiều trong cua, tôm, cá, thịt, phô mai, sữa, rau xanh như rau ngót, cải xoong, bông cải xanh, mồng tơi, rau dền.
Nếu chưa hiểu đúng về vai trò, nhu cầu của vi chất dinh dưỡng dễ dẫn đến bổ sung cho trẻ quá nhiều hay quá ít đều không tốt cho sức khỏe của bé.
Để nâng cao sức đề kháng chúng ta cần quan tâm đến các loại vi chất dinh dưỡng. Nên ăn đủ, đa dạng, phối hợp từ nhiều loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày.
Khẩu phần ăn hằng ngày nên có tỷ lệ cân đối giữa nguồn động vật và thực vật. Tiêu thụ đủ số lượng là chìa khóa vàng cho cơ thể khỏe mạnh, phòng chống bệnh tật.
Hiện nay, do đại dịch Covid-19 bùng phát, việc ăn đa dạng và đầy đủ các nhóm thực phẩm, cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vi chất có vai trò với sức đề kháng như vitamin A, C, D, E, sắt, kẽm… rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe.
Lượng khuyên bổ sung vi chất dinh dưỡng hằng ngày:
Canxi: 800mg
Kali: 4.700mg
Magiê: 340mg
Vitamin A: 850mcg
Vitamin C: 100mg
Vitamin E: 15mg
Vitamin B9 (Folate): 400mcg
Vitamin B12: 2,4mcg
Vitamin D: 15mcg
Sắt: 8mg, 18mg cho phụ nữ
Chất xơ: 25g cho phụ nữ; 38g cho nam giới.