Kẽm: Thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng bài tiết hypophysiotropic, làm cho chức năng tuyến sinh dục suy giảm, teo tinh hoàn, khả năng tình dục suy thoái, kẽm có liên quan đến chất lượng của tinh dịch. Thiếu kẽm cũng là nguyên nhân chính làm chức năng thận suy thoái, gây ra bệnh liệt dương. Các loại hải sản như nghêu, sò, hàu... thịt dê, thịt bê, thịt đỏ đều là nguồn cung cấp kẽm rất tốt. Ngoài ra các loại mầm như ngũ cốc và lúa mạch cũng chứa nhiều kẽm.
Canxi: Trong tinh dịch của người bình thường, hàm lượng canxi 210 - 280mg/dl, nồng độ canxi trong tinh dịch có tác dụng quan trọng đối với sự vận động của tinh trùng, bởi lẽ canxi giúp co rút cơ trơn và duy trì thần kinh hưng phấn. Canxi có nhiều trong sữa và chế phẩm của sữa, đậu nành và chế phẩm của đậu nành, rong biển, cá, tôm, cua…
Vitamin A: Có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của các tổ chức tế bào sinh dục trong việc sản sinh tinh trùng và trứng cũng như làm thay đổi cấu trúc của các bộ phận sinh dục như ống dẫn tinh, tuyến tiền liệt, tử cung, buồng trứng… Vitamin A có nhiều trong lòng đỏ trứng gà , sữa, gan cá, dầu cá, rau quả có màu xanh sẫm, vàng, đỏ.
Vitamin B2: Thiếu vitamin B2 dẫn tới những tổn thương nghiêm trọng cho lớp niêm mạc của các cơ quan trong cơ thể, trong đó có các cơ quan sinh dục. Vitamin B2 có nhiều trong gan động vật, cá tươi, rau cần, đậu tương, cà rốt, sữa…
Vitamin B12: Đóng vai trò quan trọng trong việc sản sinh cũng như nâng cao chất lượng tinh trùng. Nam giới ăn chay trường sẽ thiếu vitamin B12, lượng tinh dịch sản sinh thấp hơn, tác động đến sinh lý bình thường. Nên ăn nhiều thịt chim, trứng, sữa, pho mát… để bổ sung vitamin B12 cho cơ thể.
Vitamin D: Giúp đàn ông duy trì độ cường tráng của cơ bắp và độ khỏe của xương, vốn là hai yếu tố cần thiết tạo nên hưng phấn tình dục. Bạn cũng có thể bổ sung vitamin D từ dầu gan cá, rau lá xanh đậm, lòng đỏ trứng, gan, cá thu, sữa, cá hồi, cá mòi và cá ngừ. Những thực phẩm này không chỉ giúp khoẻ xương mà còn có thể tăng cường hệ thống miễn dịch, cân bằng các hormon giới tính.
Sắt: Là thành phần của huyết sắc tố, tham gia vào quá trình vận chuyển oxy và là thành phần quan trọng của hemoglobin. Sắt trong cơ thể cùng với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin), vận chuyển oxy, CO2, phòng bệnh thiếu máu và tham gia vào thành phần các men oxy hóa khử. Thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu, hạn chế vận chuyển oxy tới não, hạn chế vận chuyển máu tới bộ phận sinh dục, làm giảm hưng phấn khi quan hệ. Sắt có nhiều trong mộc nhĩ, nấm hương, rau dền đỏ, đậu tương, tiết bò, bầu dục lợn, lòng đỏ trứng vịt, cua đồng,..
ThS.BS Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia)