Giáo dục

Vẫn còn sớm để nhận định có thể thi THPT Quốc gia hay không

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Theo lãnh đạo trường đại học, nếu dịch bệnh kéo dài và việc học trực tuyến không đảm bảo, thì sẽ phải xem xét có tổ chức thi THPT Quốc gia hay không. Nhưng hiện tại, vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định.

Nếu nghỉ kéo dài, cần xem xét để đảm bảo công bằng cho thí sinh

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 ngày 1/4, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp đối với thi THPT Quốc gia năm nay.

Thí sinh thi THPT Quốc gia năm 2019. Ảnh KH&ĐS.

Thí sinh thi THPT Quốc gia năm 2019. Ảnh KH&ĐS.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã công bố nội dung tinh giản chương trình học kỳ 2. Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), sau khi có hướng dẫn điều chỉnh chương trình từng môn học của cấp THPT, Bộ đang khẩn trương xây dựng đề tham khảo của kỳ thi THPT để sớm công bố để các trường tổ chức ôn tập cho HS.

Đề thi tham khảo và đề thi chính thức đều phải trên tinh thần bám sát vào nội dung chương trình đã điều chỉnh.

Tuy nhiên, đã có rất nhiều ý kiến tranh luận, trong hoàn cảnh dịch bệnh như hiện tại, liệu có thể tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia hay không? Hay thay vào đó là xét hoặc đặc cách tốt nghiệp? 

GS.TS Hoàng Anh Tuấn trong buổi tập huấn giảng dạy E-learning trên nền tảng platform của Trường ĐH KHXH&NV.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn trong buổi tập huấn giảng dạy E-learning trên nền tảng platform của Trường ĐH KHXH&NV.

Trao đổi với PV KH&ĐS về vấn đề này, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, có thể đặt ra các giả thiết, kịch bản, tuy nhiên, hiện còn quá sớm để nhận định có thể tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia hay không.

Theo điều chỉnh khung thời gian năm học lần 2, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ được tổ chức vào các ngày 8, 9, 10, 11 tháng 8/2020. Giả sử dịch bệnh kiểm soát được, đến tháng 5 học sinh có thể đi học trở lại thì tháng 8 vẫn có thể tổ chức thi được.

Tuy nhiên, nếu trong trường hợp dịch bệnh kéo dài hơn nữa, thì chắc chắn chúng ta phải xem xét có nên tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia hay không. Vì đây là một kỳ thi chung, cần có sự đảm bảo đồng đều, công bằng một cách cao nhất về việc tổ chức giảng dạy. Trong khi hiện nay, việc triển khai học trực tuyến ở thành thị có những thuận lợi hơn vùng nông thôn, bởi liên quan tới công nghệ, hạ tầng, kỹ thuật, điều kiện mỗi gia đình...  

Đồng quan điểm với GS.TS Hoàng Anh Tuấn, PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, việc học online không phải là hình thức học chính thống. Hiện tại, đây chỉ là giải pháp tình thế. Chất lượng học tập không đồng đều, tùy thuộc vào ý thức của người học.

Phải tùy vào tình hình dịch bệnh diễn biến tiếp theo như thế nào mới biết có thể tổ chức được kỳ thi hay không. Giả sử dịch bệnh kéo dài, thì cũng giống như thời chiến, phải chấp nhận không thể thi được, phải có các hình thức xét tuyển khác.

Tình huống xấu nhất, sẽ tuyển sinh bằng xét học bạ

GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết, hiện tại, Trường ĐH KHXH&NV chưa chính thức đưa ra phương án tuyển sinh nào ngoài phương án sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia. Tuy nhiên, từ góc độ cá nhân, với tư cách một người làm quản lý đào tạo và tuyển sinh, ông Tuấn cho rằng giả sử trong tình huống xấu nhất, không thể tổ chức thi THPT Quốc gia chung thì các đơn vị đào tạo cũng không quá lo lắng về việc tuyển sinh.

Lý do là vì lớp 12 đến nay hiện đã học xong được kỳ 1. Thậm chí, nhiều trường đã đẩy tiến độ học kỳ 2 nhanh, về cơ bản, kiến thức học sinh lớp 12, đã đạt khoảng 70-80, thậm chí là 90%

Trong trường hợp xấu nhất, không thể kết thúc học kỳ để thi do bệnh dịch, tình hình gấp rút thì các trường ĐH vẫn hoàn toàn có thể kiến nghị với Bộ GD&ĐT và các cơ quan quản lý có thể xem xét tính điểm học bạ, hoặc là chỉ dừng đến học kỳ 1, hoặc hết học kỳ 2 của năm lớp 12 cũng vẫn khả thi.

“Từ góc độ của một đơn vị đào tạo tôi muốn nói rằng, nếu bệnh dịch xảy ra và không thể tổ chức được kỳ thi THPT Quốc gia thì việc xét tuyển vẫn nằm trong sự kiểm soát và tính khả thi về mặt kỹ thuật tố chức. Chỉ cần cơ quan chủ quản nhà nước và Bộ GD&ĐT có một hướng dẫn để các trường thực hiện một cách đồng bộ”, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV chia sẻ.

Đối với một số ngành có sức hấp dẫn lớn hoặc đặc thù ngành nghề như nghệ thuật hay trình diễn, theo ông Tuấn vẫn có thể có hình thức đánh giá bổ sung, hoặc một trường hay một nhóm trường có thể tổ chức các bài thi phụ.

PGS.TS Trần Trung Kiên.

PGS.TS Trần Trung Kiên.

Trao đổi với PV KH&ĐS, PGS.TS Trần Trung Kiên cho biết, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho tới thời điểm hiện tại vẫn là chuẩn bị phương án xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia.

Ngoài ra, vẫn có một kỳ thi riêng sát hạch của Trường, nhưng chỉ lấy một tỷ lệ nào đó thôi chứ không phải là tất cả.

Về việc giả sử tình huống xét hoặc đặc cách tốt nghiệp THPT Quốc gia, giao cho các trường tự tuyển sinh, ông Kiên cho rằng, đó là trong hoàn cảnh dịch bệnh được kiểm soát, còn nếu không, cũng không thể thực hiện được vì một kỳ thi vẫn là nơi tập trung đông người.

Trao đổi với KH&ĐS, một lãnh đạo Trường đại học cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT đã tinh giản, rút gọn nội dung thi và hy vọng vẫn tổ chức được kì thi theo kế hoạch. Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kì thi, chỉ xét tốt nghiệp.

Tuy nhiên việc này hiện chưa có cơ sở pháp lý và qui định, chỉ xem xét nếu  tình hình dịch bệnh diễn biến rất xấu trong những tuần tới, không thể tổ chức thi theo kế hoạch. 

Trong những năm tới, với mặt bằng kiến thức rất không đồng đều của học sinh THPT như hiện nay (GDTX, miền núi...) và để tránh lãng phí thì có thể xét tốt nghiệp THPT và giao quyền cho các sở GD. Các học sinh có nguyện vọng vào đại học sẽ tham gia một kì thi chuẩn hoá, đánh giá năng lực và kiểm tra kiến thức cấp quốc gia, như kiểu SAT...

Mai Loan