Giáo dục

Tính tới tình huống xấu nhất là bỏ thi, xét công nhận tốt nghiệp

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, chưa biết tới thời điểm nào đi học trở lại, phải tính tới tình huống xấu nhất là bỏ thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Khó nhất là chưa xác định được thời điểm đi học trở lại

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ GD&ĐT mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu các vụ chức năng rà soát để đưa ra phương án cắt giảm, tinh giản chương trình.

Việc tinh giản không nên thực hiện cơ học mà phải giảm những nội dung không thật sự cần thiết, đảm bảo chất lượng.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện tại, Bộ đang khẩn trương thực hiện, sẽ ban hành văn bản hướng dẫn về việc giảm tải chương trình trong tháng 3/2020.

Căn cứ vào nội dung tinh giản, các sở GD&ĐT sẽ ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 phù hợp. Đối với lớp 12, sau khi có nội dung tinh giản, Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ vào đó để xây dựng đề thi tham khảo làm tài liệu cho các nhà trường sử dụng tổ chức ôn tập cho học sinh.

Liên quan tới những nội dung này, trao đổi với PV KH&ĐS, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ văn của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT), Trưởng tiểu ban Rà soát, tinh giản nội dung dạy học theo CT GDPT, môn Ngữ văn cho biết: Trong lý luận xây dựng chương trình, thực chất đây là công việc phát triển chương trình.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống.

Tức là chương trình giáo dục không nhất thành bất biến mà cần được vận dụng trong những bối cảnh cụ thể. Khi phải thay đổi thì chương trình cũng phải điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh ấy. Vì thế, việc tinh giản các nội dung dạy học trong hoàn cảnh học sinh phải nghỉ học bởi dịch Covid-19 là cần thiết.

Tuy nhiên, việc này cần phải có sự chỉ đạo thống nhất từ phía Bộ GD&ĐT. Bởi hiện tại, việc thực hiện chương trình học kỳ 2 ở mỗi địa phương không đồng đều nhau. Việc học online, dạy học trên truyền hình cũng vậy, giữa các địa phương có sự khác nhau, mà ngay ở một địa phương, giữa các cơ sở giáo dục cũng có sự khác nhau.

Cho nên, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất, tránh tình trạng lúng túng cho các địa phương khi thực hiện và thiệt thòi cho học sinh.

Nhưng có một điều rất khó đối với việc giảm nhẹ, tinh giản chương trình lúc này là hiện tại, chưa thể xác định được thời điểm khi nào học sinh đi học trở lại. Trong khi đó, theo dự kiến, năm học lại kết thúc vào 15/7.

Vậy giả sử tháng 5 mới là đỉnh điểm của dịch, học sinh tháng 6 vẫn phải nghỉ học thì phải làm thế nào? Năm học liệu có thể kết thúc được vào 15/7 hay không?

“Câu hỏi này tôi cũng đã nêu trong một cuộc họp với Bộ GD&ĐT. Theo tôi, cần phải có một phương án mềm để ứng phó. Và phải nghĩ tới tình huống xấu nhất là học sinh có thể phải nghỉ tiếp, thậm chí nghỉ hết năm học này”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nói.

Có thể đặc cách tốt nghiệp, các trường ĐH tự tuyển sinh

Việc nghỉ hết năm học, theo ông Thống chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tất cả các học sinh, nhưng ảnh hưởng lớn nhất đó là với các học sinh lớp 12.

Bởi lẽ, nếu là học sinh lớp dưới, thì sang năm sau vẫn có thể có kế hoạch học bù cho những kiến thức chưa được học. Ví dụ, đối với học sinh lớp 11, cứ cho là năm nay mất học kỳ 2, thì sang năm lớp 12 sẽ có kế hoặc học bù bằng cách tăng buổi… Nhưng nếu là học sinh lớp 12 thì sẽ rất khó. Ngoài ra, còn liên quan tới Luật Giáo dục, về việc thực hiện chương trình…

“Tuy nhiên, thực tế, trong lịch sử cũng đã từng có những bối cảnh buộc phải xử lý linh hoạt. Đó là giai đoạn chiến tranh chống đế quốc Mỹ, cũng đã có năm học sinh được đặc cách công nhận tốt nghiệp, không thi cử gì cả.

Vậy thì giờ đây cũng có thể coi như hoàn cảnh đặc biệt, có thể bỏ thi, công nhận tốt nghiệp THPT cho các em, mất một học kỳ. Hoặc nếu thi thì chỉ thi đến phần chương trình học hết học kỳ 1, bởi việc học online, học truyền hình không đồng đều, khó đảm bảo chất lượng và sự công bằng", ông Thống nói.

Trong hoàn cảnh này, theo ông Thống, việc tuyển sinh vào các trường đại học cũng cần linh hoạt.

Có thể có mấy hướng như sau: Một là xét học bạ kết quả học tập của HS; Hai là vẫn thi nhưng nội dung và phạm vi chỉ giới hạn ở chương trình học kì 1; Ba là giao cho các trường tự tuyển sinh bằng các hình thức phù hợp với mỗi nhà trường.

“Tuy nhiên đó là tình huống xấu nhất. Tôi vẫn hi vọng chúng ta khống chế được dịch Covid - 19, học sinh được quay lại trường nay mai. Và như thế, lịch kéo dài năm học, kỳ thi THPT Quốc gia vẫn thực hiện được như dự định của Bộ.”, ông Thống chia sẻ.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có quyết định điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 lần 2 đối với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên vì đợt nghỉ chống Covid-19.

Theo kế hoạch này, một số mốc thời gian năm học đã được thay đổi như: Hoàn thành chương trình giáo dục học kỳ II trước ngày 11/7 và kết thúc năm học trước ngày 15/7 (ở lần chỉnh đầu tiên, hoàn thành chương trình học kỳ II trước ngày 28/6 và kết thúc năm học trước ngày 30/6).

Xét công nhận hoàn thành chương trình Tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp Trung học cơ sở trước ngày 31/7 (ở lần điều chỉnh đầu tiên là trước ngày 15/7). Hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 15/8.

Mai Loan