Đời sống

Ứng xử thế nào khi khách quốc tế đến Việt Nam?

  • Tác giả : An Quý
Từ 15/3/2022, du lịch Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế sau gần 2 năm đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19. Đây là một tín hiệu vui dành cho các doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam sau hơn 2 năm đóng băng.

Các đơn vị du lịch tại TPHCM nói riêng, cả nước nói chung, nhất là những công ty lữ hành, khách sạn, điểm tham quan… đã sẵn sàng tâm thế, chuẩn bị các điều kiện cần thiết như thế nào để đón, phục vụ khách quốc tế quay trở lại?

Cần sớm xem xét Covid-19 là bệnh đặc hữu

Theo ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Thọ, Tổng Giám đốc Khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ, trong “tình hình mới” hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến, người dân và cả du khách cũng đang cần khởi động lại với tâm thế mới, cách thức mới, sẵn sàng về việc thích ứng với các sự cố thay đổi bất ngờ do Covid-19.

saigon-phu-tho.jpg
Từ 15/3/2022, du lịch Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế sau gần 2 năm đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19. Đây là một tín hiệu vui dành cho các doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam sau hơn 2 năm đóng băng.

Các đơn vị kinh doanh du lịch cũng phải có sự đầu tư lại, điều chỉnh cơ sở vật chất, cải tiến sản phẩm, các điều kiện an toàn để thích ứng linh hoạt phù hợp với yêu cầu mới; rà soát và đánh giá lại dịch vụ, nhân sự, đảm bảo công tác phòng chống Covid-19, chuẩn bị các giải pháp và xử lý tình huống khi khách hay nhân viên bị nhiễm bệnh.

Đến nay, Việt Nam khẳng định đã sẵn sàng đón và phục vụ du khách quốc tế đến Việt Nam du lịch, đồng thời chú trọng hơn với nguồn khách nội địa làm nền tảng trong giai đoạn phục hồi và duy trì bền vững.

Theo báo cáo chính thức về tình hình dịch bệnh của quốc gia, công tác tiêm chủng cho người dân từ 12 tuổi trở lên đã bao phủ trên 90% đảm bảo tỷ lệ tốt để có thể hình thành miễn dịch cộng đồng đã được theo dõi với các ca bệnh nặng và tỷ lệ tử vong ở mức thấp.

“Theo cá nhân tôi, việc xem bệnh dịch Covid-19 là bệnh đặc hữu cần phải được khẩn trương xem xét và quyết định công bố sớm, khoảng giữa năm 2022, để các hoạt động xã hội trở lại bình thường”, ông Thanh Sơn chia sẻ.

Mở cửa đón khách du lịch ra sao?

Tuy nhiên, hiện nay, với khuyến cáo 5K về phòng chống dịch bệnh Covid-19, một số điểm không còn phù hợp, điển hình là giữ khoảng cách và không tập trung.

du-lich-mo-cua.jpg
Khi du lịch bắt đầu mở cửa, đời sống xã hội quay lại bình thường, với khuyến cáo 5K về phòng chống dịch bệnh Covid-19, một số điểm không còn phù hợp, điển hình là giữ khoảng cách và không tập trung.

Chị Bùi Kiều Anh, chủ một studio chụp ảnh cưới (Gò Vấp) cho biết, hiện nay, Việt Nam đã mở cửa trở lại, vì vậy rất khó hạn chế giữ khoảng cách từ 1 - 2m. Khi không còn giữ được khoảng cách và hạn chế tập trung, khẩu trang cũng như khử khuẩn và vệ sinh bàn tay lại càng cần thiết hơn.

Theo các chuyên gia, khuyến cáo 5K vẫn có tác dụng tốt và cần duy trì đối với các hoạt động xã hội tự do không theo tổ chức hay nhóm người không có cùng mục đích tập trung đông tại các nơi công cộng.

Nhưng đối với các cá nhân tập trung theo nhóm hay các đoàn khách du lịch, các chương trình hội nghị, giao lưu... việc giữ khoảng cách và không tập trung cần được nới lỏng hơn.

Theo đó, tất cả các cá nhân khi tham gia hoạt động như tham quan, du lịch, đã được yêu cầu đảm bảo đã thực hiện tiêm đủ văcxin, khai báo y tế, không có các triệu chứng nhiễm bệnh, công tác vệ sinh khử khuẩn tại các điểm đến, cá nhân và tuân thủ đeo khẩu trang đúng cách, đúng quy định.

Theo báo cáo từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách du lịch nội địa đạt 17,6 triệu lượt khách. Sau khi thí điểm hộ chiếu văcxin, Việt Nam đón hơn 10.000 khách quốc tế.

Theo thống kê, TPHCM hiện có 34 khách sạn với hơn 6.800 phòng đáp ứng yêu cầu về thí điểm đón khách quốc tế năm 2022.

Ông Trần Thanh Vũ, CEO VinaGroup Travel chia sẻ, các doanh nghiệp đã sẵn sàng và chuẩn bị về những sản phẩm tour, chương trình, điểm đến hấp dẫn an toàn. Trên hết, đó chính là tinh thần phục vụ của người làm du lịch được đào tạo huấn luyện kỹ lưỡng cho giai đoạn mới.

Hiện tại theo đánh giá của các chuyên gia, biến chủng Omicron không quá nguy hiểm, tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải đảm bảo kỹ lưỡng nhưng không quá lo lắng và hãy xem như một bệnh thông thường để thích ứng với điều kiện mới.

Trong thời gian tới, khách du lịch quốc tế giao lưu nhiều, vì thế xu thế người nhiễm Covid-19 sẽ tăng.

anh-minh-hoa.jpg
Khách du lịch quốc tế giao lưu nhiều, vì thế xu thế người nhiễm Covid-19 sẽ tăng. Ảnh minh họa

Các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch nhận định, trong 2 năm qua các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, các trường học, các doanh nghiệp sản xuất và đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cũng đã có được các bài học kinh nghiệm cũng như có sự chuẩn bị để thích ứng với các đợt nhiễm mới hay tái nhiễm với số ca nhiễm tăng nhanh, nhiều.

Do vậy, hoạt động xã hội, kinh doanh hay điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ không có nhiều sự xáo trộn.

Theo ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), hoạt động du lịch cần tham vấn ý kiến của Bộ Y tế, trên cơ sở đáp ứng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu, nhưng không tạo rào cản trong mở cửa thị trường du lịch quốc tế. Các chính sách, quy định cần thống nhất và nhất quán thực hiện ở các địa phương.

Qua đó giúp hạn chế được tình trạng khách quốc tế đến TPHCM nhưng khi đi đến các tỉnh khác lại bị yêu cầu đáp ứng quy định phòng, chống dịch Covid-19 từng địa phương, tạo ra rào cản thu hút khách quốc tế, bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho họ.

Bên cạnh đó, một trong mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành, cơ sở lưu trú là việc du khách nhập cảnh và trở về nước đều phải xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR, sẽ phát sinh chi phí, cần được ngành y tế hỗ trợ.

Các công ty du lịch đang trở lại với một tâm thế mới và đặt rất nhiều tâm huyết hy vọng vào một ngày không xa dịch cơ bản sẽ giảm dần, biến mất. Điều quan trọng, các cơ quan có thẩm quyền cần có sự thống nhất về chính sách từ trung ương đến địa phương để doanh nghiệp nắm bắt thông tin và chuyển tải cho du khách một cách nhất quán.

Xu hướng du lịch của Việt Nam trong tương lai

Theo các chuyên gia, nhà tư vấn và dựa vào các khảo sát, số liệu thống kê về xu hướng tìm kiếm du lịch Việt Nam của du khách quốc tế và nhu cầu du lịch của người dân sau đại dịch, du lịch Việt Nam sẽ sớm khôi phục và phát triển mạnh hơn trên cơ sở xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch mới phù hợp với trạng thái bình thường mới bằng các cách thức mới gồm:

+ Ứng dụng công nghệ số để chọn lựa các điểm đến, các cơ sở dịch vụ phù hợp và tạo sự chủ động trong quá trình triển khai các chương trình du lịch.

+ Các sản phẩm du lịch văn hóa, kiến trúc, phong cảnh ở ngay tại địa phương đáp ứng nhu cầu khách nội tỉnh, liên tỉnh gần kề và nội địa (nhằm đáp ứng nhu cầu đi thời gian ngắn, đi gần, đi nhóm nhỏ...).

+ Các sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng, nhấn mạnh yếu tố du lịch xanh (điểm đến xanh, tuyến du lịch xanh, cơ sở dịch vụ du lịch xanh...).

+ Phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo...), nhằm khai thác sự phục hồi của các cơ sở kinh tế, đưa MICE trở thành một nhánh quan trọng của du lịch nội địa và quốc tế.

+ Phát triển du lịch thể thao, nhằm khai thác sự quan tâm nâng cao sức khỏe của người dân sau đại dịch như golf, yoga, chạy bộ, đi bộ, bơi lội, các sự kiện thể thao trong nước và quốc tế.

+ Phát triển các dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cung cấp hàng hóa phụ trợ liên quan.

+ Xây dựng và khai thác các giá trị độc đáo, khác biệt của ẩm thực Việt Nam: Đưa ẩm thực trở thành một sản phẩm nổi bật của du lịch Việt Nam dần trở thành “Bếp ăn - Ẩm thực độc đáo của thế giới”.

Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Thọ, Tổng Giám đốc Khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ.

An Quý