Thời sự

Hôm nay 15/3, Việt Nam chính thức mở cửa du lịch

  • Tác giả : Thiên Ân
Hôm nay, Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch trong điều kiện bình thường mới. Nhưng luôn theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Đối với toàn ngành Du lịch, việc Chính phủ chỉ đạo mở cửa du lịch từ ngày 15/3 là vô cùng quan trọng, là mở lại cánh cửa cho du lịch cất cánh trở lại sau 2 năm đóng cửa.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, thời điểm này là thời điểm thích hợp vì Việt Nam gần như hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mũi 3 vaccine phòng Covid-19, đảm bảo miễn dịch cộng đồng.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, nếu triển khai mở cửa du lịch chậm hơn thời gian trên sẽ làm giảm sức hấp dẫn, thu hút khách quốc tế của du lịch Việt Nam. Nguyên nhân là do nhiều quốc gia trong khu vực đã sớm có kế hoạch mở cửa từ trước.

Ngoài ra, tháng tư Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31). Việc mở cửa hoạt động du lịch quốc tế sẽ góp phần gia tăng thu hút khách du lịch đến từ các nước trong khu vực ASEAN.

du-lich.jpeg

Theo nghiên cứu từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch và hàng không Việt Nam bắt đầu tăng từ đầu tháng 12/2021.

Tính từ đầu tháng 1/2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao, thậm chí thời điểm tăng 425% so với cùng kỳ 2021.

Điều này tạo động lực lớn để cộng đồng doanh nghiệp và ngành du lịch trong năm 2022 là đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế.

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ, việc mở cửa phải đảm bảo an toàn, yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh cho phù hợp với tình hình mới.

Chính phủ cũng giao Bộ Y tế rà soát, đánh giá lại các tiêu chí cấp độ dịch, các quy định về quản lý người nhiễm SARS-CoV-2, người tiếp xúc gần với người nhiễm để kịp thời điều chỉnh phù hợp, sát thực tế.

Đồng thời sửa đổi ngay các quy định, yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh cho phù hợp với tình hình mới theo đúng các nội dung đã thống nhất tại các cuộc họp.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, đến giờ này vẫn còn nhiều vấn đề lo lắng. Du lịch vốn là ngành kinh tế tổng hợp, gắn với các ngành khác. Cụ thể là 40.000 doanh nghiệp du lịch, hơn 1 triệu lao động trực tiếp và 2 triệu lao động gián tiếp. Vì thế, một khi du lịch hồi phục thì các ngành xung quanh cũng hồi phục theo, nếu không khó kéo ngành du lịch lên cao.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, nới lỏng nhưng không buông lỏng, mở cửa an toàn, nới lỏng toàn bộ nhưng phải có dự phòng đồng bộ.

“Cần mở cửa đồng bộ nhưng phòng bệnh cũng phải đồng bộ. Chỉ đạo hướng dẫn đồng bộ, nếu mỗi địa phương làm một kiểu du khách không biết thực hiện như thế nào. Bên cạnh đó, khuyến khích du lịch khép kín, theo nhóm”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế nêu ý kiến.

Thiên Ân