Y học và đời sống

Trời lạnh: "Ám ảnh" đột quỵ não, đột quỵ tim tăng nhanh trong giới trẻ

  • Tác giả : Thúy Nga
Ảnh hưởng của các đợt rét, rét đậm dài ngày khiến số ca đột quỵ còn rất trẻ tăng hơn 10%. 60-70% các trường hợp đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm... mọi người cần biết để đề phòng.

Những ngày này, thời tiết miền bắc đang trải qua những đợt rét, rét đậm dài ngày từ đầu mùa đông đến nay. Do đó đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đặc biệt là người già, trẻ em và những người mắc các bệnh mãn tính. Trong đó, đột quỵ não, đột quỵ tim là căn bệnh “ám ảnh” lớn nhất bởi có thể xảy ra với mọi lứa tuổi.

Thời gian gần đây, tại TTYT thị xã Quảng Yên ghi nhận gia tăng các ca đột quỵ ở độ tuổi còn rất trẻ, số bệnh nhân đột quỵ ở độ tuổi từ 18 - 44 tuổi đã tăng 10%; đa số đều đến bệnh viện muộn do chủ quan, không nghĩ đến khả năng mình mắc bệnh này.

Ghi nhận tại Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực & Chống độc – Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên, trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận khoảng 5 người bệnh nhập viện trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, huyết áp tăng, có cơn đau thắt ngực, yếu mỏi cơ, giảm vận động 1/2 người, hình ảnh chụp CT sọ não có ổ nhồi máu,...

Điển hình như bệnh nhân N – T – S, 83 tuổi, trú tại: Khu 1 – phường Quảng Yên – thị xã Quảng Yên – tỉnh Quảng Ninh, bệnh nhân S có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type đang dùng thuốc đều, yếu nửa người do nhồi máu cũ.

Nay vào viện trong tình trạng mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, ăn uống kém, đi lại khó khăn, huyết áp 180/90mmHg. Được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán: Thiếu máu não, theo dõi đột quỵ não.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực & Chống độc, Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên cho biết: “Khoảng 60-70% các trường hợp đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm, thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều.

Thêm nữa, tỷ lệ đột quỵ não có tăng huyết áp vào mùa lạnh cao hơn mùa nóng, chiếm khoảng 85%. Mùa lạnh dễ bị đột quỵ do nhiệt độ giảm xuống, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết catecholamine làm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể.

Khi co mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao. Điều này khiến cho người bệnh dễ bị chảy máu trong não, gây nên xuất huyết não, đặc biệt ở người bệnh có kèm theo xơ vữa động mạch”.

Thời gian gần đây, gia tăng các ca đột quỵ ở độ tuổi còn rất trẻ, số bệnh nhân đột quỵ ở độ tuổi từ 18 - 44 tuổi đã tăng 10%; đa số đều đến bệnh viện muộn do chủ quan, không nghĩ đến khả năng mình mắc bệnh này.

Đối với các bệnh nhân đột quỵ não cần phải vào viện cấp cứu sớm từ 3 giờ đến 4,5 giờ kể từ khi khởi phát dấu hiệu bệnh – Đây là thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Căn cứ vào tình trạng người bệnh, bác sĩ sẽ thăm khám, đưa ra đánh giá và chỉ định điều trị phù hợp.

Vì vậy để chủ động phòng ngừa bệnh đột quỵ thì việc nâng cao kiến thức phòng ngừa đột quỵ cho bản thân, gia đình và việc giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh giá là thực sự cần thiết. Cụ thể:

Giữ ấm cơ thể, giữ ấm nhà cửa, không đi tập thể dục quá sớm, ăn uống đủ chất tăng sức đề kháng…

Bệnh tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ. Do vậy, trong mùa lạnh người bệnh nên kiểm soát huyết áp thường xuyên và duy trì thuốc tăng huyết áp đều đặn hàng ngày theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tránh bỏ thuốc.

Người dân cần phải bỏ thói quen hút thuốc lá – một trong những căn nguyên gây ung thư phổi và đột quỵ., không uống rượu bia.

Thường xuyên vận động, luyện tập nâng cao sức khỏe, kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Kiểm tra tình trạng đột quỵ ở bệnh nhân - Ảnh BVCC

Kiểm tra tình trạng đột quỵ ở bệnh nhân - Ảnh BVCC

Khi thấy có những dấu hiệu sau: Đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động; mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt; bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn; cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể.

Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc; khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản vừa nói. Khi có dấu hiệu nghi ngờ cần khẩn trương đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời để gia tăng cơ hội sống và khả năng phục hồi không để lại di chứng.

Thúy Nga