Chữa bệnh không dùng thuốc

Nguyên tắc "vàng" trong ăn uống giúp phòng đột quỵ trong mùa đông

  • Tác giả : Giang Thu (Tổng hợp)
Chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa đột quỵ não.

Đột quỵ là một bệnh lý thần kinh nguy hiểm, xảy ra khi mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ. Khi đó, các tế bào não sẽ nhanh chóng chết hàng loạt do không được cung cấp máu chứa dinh dưỡng và oxy. Đột quỵ càng để lâu thì càng nguy hiểm tính mạng. Do đó, người bệnh cần được cần cứu kịp thời.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Có nhiều cách giúp hạn chế, ngăn ngừa bệnh đột quỵ. Dinh dưỡng khoa học là một cách hiệu quả. Dưới đây là một số nguyên tắc vàng trong ăn uống giúp phòng ngừa đột quỵ trong mùa đông:

Bổ sung nhiều rau xanh và trái cây

Rau xanh và trái cây là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ dồi dào. Các chất này giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm huyết áp, cholesterol, và ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Một số loại rau xanh và trái cây tốt cho sức khỏe tim mạch bao gồm: rau bina, cải xoăn, bông cải xanh, cà rốt, cam, táo,...

Ngoài ra, các loại rau xanh và trái cây cũng có tính chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi sự tổn thương và lão hóa. Điều này cũng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tuổi tác, bao gồm đột quỵ.

Tăng cường thực phẩm giàu omega-3 trong cá (cá hồi, cá thu, cá mòi, cá trích, hàu, trai), hạt lanh... có tác dụng tăng mức cholesterol tốt, ngăn ngừa hình thành cục máu đông và hạ huyết áp. Mỗi người nên ăn hai lần cá mỗi tuần với số lượng phù hợp theo tư vấn của bác sĩ.

Uống đủ nước

Uống khoảng hai lít nước mỗi ngày, giúp cơ thể duy trì tính linh hoạt của mạch máu, vận chuyển tốt các chất dinh dưỡng đi nuôi dưỡng tế bào. Mất nước khiến máu đặc lại, cản trở lưu thông máu lên não, cơ thể giữ natri gây tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ do tổn thương mạch máu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, uống quá nhiều nước cũng không tốt, nhất là ở người mắc bệnh tim, thận. Uống nước trong khi có triệu chứng đột quỵ sẽ gây nghẹn.

Cắt giảm muối để phòng tránh tăng huyết áp

Thay vì thêm muối, mọi người có thể sử dụng các loại thảo mộc, gia vị khác để tăng hương vị mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo người trưởng thành nên tiêu thụ dưới 5 g muối (tương đương một thìa cà phê) mỗi ngày, ưu tiên sử dụng muối ăn có bổ sung iốt.

Hạn chế chất béo bão hòa và cholesterol

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chất béo bão hòa và cholesterol cao trong máu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ. Nên hạn chế các thực phẩm giàu chất béo bão hòa như thịt đỏ, da động vật, thức ăn nhanh,... chọn các thực phẩm giàu chất béo không bão hòa tốt như cá béo, dầu ô liu, quả bơ,...

Cắt giảm thực phẩm nhiều đường tránh nguy cơ béo phì, ổn định lượng đường trong máu. Nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ có thể cao hơn nếu tiêu thụ nhiều calo từ đường. Mọi người nên hạn chế thực phẩm có đường như nước ngọt, nước ép trái cây đóng hộp, bánh kẹo, mứt. Không nên thêm quá nhiều đường vào nước ép trái cây, rau củ hoặc sinh tố. Thức uống giàu canxi, kali như sữa hạt, sữa tách béo ít đường hoặc không đường hỗ trợ kiểm soát huyết áp, phòng ngừa tái đột quỵ.

Không lạm dụng bia rượu, cà phê

Dùng quá nhiều làm tăng mỡ máu. Caffein trong cà phê khiến người bệnh dễ căng thẳng, lo lắng, rối loạn giấc ngủ, cản trở quá trình hồi phục sau đột quỵ.

Theo chuyên gia sức khỏe, để phòng ngừa đột quỵ cần tăng cường vận động cả thể chất và tinh thần, giải tỏa stress trong công việc và cuộc sống, kiểm soát cân nặng, thực hiện lối sống ăn uống lành mạnh, không được ăn quá nhiều muối, không ăn dư thừa chất béo, tránh xa chất kích thích như thuốc lá, thuốc lào, bia, rượu, thuốc lá điện tử,...

Giang Thu (Tổng hợp)