Giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói gì về việc cách chức Hiệu trưởng Lê Vinh Danh?

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, Luật Giáo dục đại học quy định về việc bổ nhiệm, bầu, công nhận, miễn nhiệm chứ không quy định về cách chức...

Tự chủ không phải “tự do”, mà phải theo luật

Từ vụ vụ việc của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, bài học để việc thực hiện tự chủ đại học đạt hiệu quả và đi đúng hướng, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, có hai điểm cần lưu ý.

Đầu tiên, là phải có quan niệm đúng về tự chủ đại học. Tự chủ đại học là các trường được quyền quyết định căn cứ theo quy định pháp luật mà không phải thực hiện quy chế xin – cho.

Nhưng không phải là chúng ta được tự do, mà phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Và một trường đại học hoạt động còn chịu sự chi phối của nhiều luật: Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách… Đây là điều rất quan trọng.

Và bên cạnh đó, các trường còn phải dân chủ, công khai, minh bạch và thực hiện đúng trách nhiệm giải trình. Trách nhiệm giải trình ở đây không phải chỉ với xã hội, với cơ quan quản lý nhà nước mà với nội bộ, cán bộ sinh viên trong trường. Tuy nhiên, để thực hiện tốt được điều này thì các trường phải thực hiện tốt thiết chế hội đồng trường.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng có hội đồng trường từ rất lâu nhưng cũng có những có những vấn đề gần đây xảy ra xuất phát từ hai điểm như vậy, trong đó có việc thành lập hội đồng trường.

Nếu quan niệm về tự chủ đại học đúng đắn hơn và các trường hoạt động theo quy định pháp luật thì sẽ thực hiện tốt việc tự chủ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo KH&ĐS liên quan đến việc cách chức Hiệu trưởng Lê Vinh Danh phải tuân theo Luật Giáo dục đại học hay không, ông Sơn cho biết, Luật Giáo dục đại học quy định về bổ nhiệm, bầu, công nhận, miễn nhiệm chứ không quy định về cách chức, những hình thức kỷ luật của một viên chức. Trường đại học công lập, ngoài trường đại học thì còn là một đơn vị sự nghiệp công lập nữa cho nên có những chi phối của luật khác, ngoài Luật Giáo dục đại học.

Luật chưa đồng bộ, còn vướng mắc

Cho rằng tự chủ đại học cần phải thực hiện theo luật, tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Sơn, về cơ bản Luật Giáo dục đại học đã mở ra một hành lang pháp lý rất quan trọng, về cơ bản là các trường đã triển khai được rồi, nhưng Luật Giáo dục đại học quy định quyền tự chủ chủ yếu về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và tổ chức bộ máy. Còn những vấn đề liên quan tới viên chức và tài chính, tài sản thì được quy định ở các luật khác. Và các luật này chưa được sửa đổi một cách nhanh chóng, đồng bộ với Luật Giáo dục Đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, số 34.

Điều đó đã dẫn tới một số vướng mắc, "điểm nghẽn" khi thực hiện. Ví dụ, quy định về chế độ người đứng đầu, thì ai là người đứng đầu trong một trường đại học? Rồi quy định về việc quản lý viên chức… Những nội dung này Bộ GD&ĐT cũng đã kiến nghị với Chính phủ để có những chỉ đạo, để Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện, có những sửa đổi bổ sung để có sự đồng bộ với nhau.

Hoặc liên quan tới tài chính tài sản, các trường hiện vẫn chờ nghị định sửa đổi bổ sung nghị định 16 để có hành lang pháp lý quan trọng triển khai tự chủ về lĩnh vực tài chính. Đối với tự chủ đại học, tự chủ về tài chính rất quan trọng.

Đối với Luật đầu tư công cũng đã ban hành một số nghị định và nghị định mới cũng khá phù hợp. Nhưng điểm nghẽn ở đây là luật tài sản công, quản lý tài sản công mà quy trình, thủ tục để sử dụng tài sản công trong việc thực hiện các hoạt động dịch vụ, liên doanh liên kết hợp tác với các cơ sở doanh nghiệp bên ngoài cũng còn quy trình khá phức tạp.

"Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục đề nghị để có những chỉnh sửa, hoặc là luật, hoặc là có những nghị định hướng dẫn để các trường đại học có quyền tự chủ cao hơn”, ông Sơn nói.

Đối với việc để tránh các cơ quan chủ quản là các bộ khác hoặc các tổ chức can thiệp vào hoạt động của các trường đại học vẫn ảnh hưởng tới quyền tự chủ của các trường, ông Sơn cho biết, bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện những văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các cơ quan chủ quản, quản lý trực tiếp phối hợp với Bộ nhanh chóng hoàn thiện hệ thống quản lý trong trường, đặc biệt là hội đồng trường và ban giám hiệu các vị trí chủ chốt theo đúng luật. Hiện nay, số lượng các trường thành lập hội đồng trường mới được khoảng một nửa các trường đại học công lập. Còn lại cần phải hoàn thiện trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT có kế hoạch để đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực, hỗ trợ các trường nâng cao năng lực về quản lý, lãnh đạo cho các trường đại học. Bởi triển khai tự chủ thì không chỉ theo luật mà phải nâng cao năng lực quản trị nội bộ trong trường về năng lực xây dựng hệ thống văn bản nội Bộ trong trường, rồi triển khai các văn bản đó. Để làm sao, thực sự một trường đại học được tự chủ được thực sự phát huy nội lực ở trong cơ sở của mình.

Bộ cũng có những có những kế hoạch để đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực, hỗ trợ các trường nâng cao năng lực về quản lý, lãnh đạo cho các trường đại học. Triển khai tự chủ thì không chỉ theo luật mà phải nâng cao năng lực quản trị nội bộ trong trường về năng lực xây dựng hệ thống văn bản nội bộ trong trường, rồi triển khai các văn bản đó. Để làm sao, thực sự một trường đại học được tự chủ được thực sự phát huy nội lực ở trong cơ sở của mình, đó mới là điều tốt.

Trả lời phóng viên Báo KH&ĐS về việc nhiều ý kiến từ phía các lãnh đạo nhà trường cho rằng, hội đồng trường thành lập theo kiểu hình thức, đối phó, ông Sơn cho biết: “Cần phải thay đổi nhận thức về việc này. Muốn vậy, phải tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật và kinh nghiệm của thế giới. Thứ hai là cũng phải làm thì mới thay đổi nhận thức được. Một trường mà chưa có hội đồng trường bao giờ thì có thể trong việc nhìn nhận cho rằng hội đồng trường không quan trọng, không có vai trò. Nhưng với những trường đã thực hiện rồi thì thấy nó hết sức quan trọng. Phải làm rồi thì mới thấy nó quan trọng, chứ không phải thấy nó quan trọng rồi mới làm".

Mai Loan