Giáo dục

Đại học Tôn Đức Thắng: Lọt top quốc tế nhờ tự chủ đại học

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Theo TS Lê Văn Út, Thành viên hội đồng và đồng thời là Trưởng phòng Quản lý và phát triển khoa học công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, một trong những lý do chính khiến ĐH Tôn Đức Thắng được lọt vào top 1000 xếp hạng ARWU là được tự chủ đại học, làm đúng với thông lệ quốc tế.

Lọt top quốc tế nhờ tự chủ đại học

Lý do nào khiến ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) được vào top 1000 của ARWU, một trong những bảng xếp hạng ĐH uy tín nhất thế giới, thưa ông?

Việc được vào top 1000 thế giới của ARWU có thể nói là một thành tựu rất quan trọng của TDTU. Đây là kết quả của bước đầu thực hiện hiện kế hoạch 30 năm phát triển Trường với mục tiêu là vào tốp 60 các đại học tốt nhất ở Châu Á, và đương nhiên thuộc tốp 500 thế giới.

Theo đó Trường đã áp dụng các tiêu chuẩn/thông lệ quốc tế đối với đại học vào quá trình phát triển. Một trong những lý do rất quan trọng để ĐH Tôn Đức Thắng được lọt top 1000 xếp hạng ARWU đó là được thực hiện tự chủ đại học. Và để có thể là được điều đó thì có thể nói tự chủ đại học là yếu tố mang tính quyết định.

Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Ví dụ, Trường có thể xác định khung chương trình theo hướng hiện đại, tiếp cận thế giới. Đưa ra các quy định về các đánh giá nghiên cứu khoa học theo thông lệ quốc tế. Hoặc bổ nhiệm chuyên gia cũng theo thông lệ quốc tế. Những điều đó rất cần thiết cho sự phát triển của một trường ĐH.

Để theo được thông lệ quốc tế, có phải "vượt rào"?

Theo tôi, Luật GD hiện nay, đặc biệt là sự đồng bộ của các luật liên quan còn tồn tại những rào cản rất lớn cho sự phát triển của các đại học.

Ví dụ, đối với trường ĐH theo thông lệ quốc tế, việc tuyển dụng nhân sự sẽ ở phạm vi toàn cầu, không phân biệt quốc tịch. Trong khi Luật GD chưa quy định rõ ràng về điều này, chuyên gia nước ngoài xin giấy phép lao động ở VN rất khó.

Chẳng hạn với yêu cầu phải có 3 năm kinh nghiệm, thì những tiến sĩ mới tốt nghiệp trên thế giới sẽ không đáp ứng được điều này, các trường ĐH không thể tuyển dụng họ.

Hoặc vấn đề bổ nhiệm chức vụ chuyên môn hay các vị trí giáo sư. Giả sử với một người đã được bổ nhiệm vào vị trí GS ở các trường ĐH lớn trên thế giới, khi vào VN, họ không chấp nhận vị trí như giảng viên bình thường hoặc thấp hơn. Nhưng theo quy định VN họ không nộp hồ sơ theo hội đồng GS VN được. Nên đây là rào cản rất lớn.

Và trường ĐH Tôn Đức Thắng đã vượt rào cản đó như thế nào?

Đối với ĐH Tôn Đức Thắng, nhờ cơ chế tự chủ ĐH cho phép tuyển dụng bổ nhiệm chuyên gia, chúng tôi tự xây dựng các tiêu chuẩn riêng để bổ nhiệm chức danh chuyên môn, trong đó có các chuyên gia nước ngoài.

Tiêu chuẩn này lấy từ các ĐH top 500 thế giới, đăng trên website của trường. Thành lập các hội đồng quốc tế bao gồm các chuyên gia rất đẳng cấp, và trường thường chỉ có một người đại diện trong thành viên hội đồng.

Hội đồng sử dụng ý kiến phản biện đánh giá của các chuyên gia nước ngoài. Quá trình bổ nhiệm công khai, minh bạch, chủ yếu dựa vào năng lực khoa học và triển vọng cống hiến của chuyên gia đó sau khi bổ nhiệm ở trường, không có trường hợp nào khiếu kiện.

Sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng trong lễ tốt nghiệp.

Sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng trong lễ tốt nghiệp.

Nghiên cứu KH là con đường duy nhất nâng chất lượng đào tạo

Được biết, ARWU được coi là một trong những bảng xếp hạng uy tín và khó nhất trên thế giới? Những tiêu chí để có thể lọt vào bảng xếp hạng là gì, thưa ông?

Tiêu chí của ARWU dựa vào 4 nhóm, bao gồm: Chất lượng giáo dục, chiếm 10% điểm; Chất lượng đội ngũ giảng viên chiếm 40% điểm; Nghiên cứu, chiếm 40% điểm; và cuối cùng là Hoạt động học thuật bình quân đầu người chiếm 10% điểm.

Theo ông nói thì nghiên cứu khoa học (NCKH) chiếm 40% điểm trong các tiêu chí. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của NCKH trong trường ĐH?

Tôi cho rằng, phát triển NCKH thực ra là con đường duy nhất để nâng cao chất lượng đào tạo. Khi giảng viên có nghiên cứu khoa học thì họ mới có được ý tưởng mới cập nhật vào các bài giảng. Mà bài giảng có chất lượng thì việc đào tạo mới đảm bảo theo yêu cầu. Còn không có nghiên cứu dễ dẫn tới tình trạng dạy chay, năm nào cũng vẫn bài giảng đó, không thể nâng chất lượng đào tạo lên được.

Đặc biệt đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, nếu giảng viên không có kết quả nghiên cứu khoa học mới thì không thể hướng dẫn được những luận văn thạc sĩ tốt hay luận án tiến sĩ đạt tiêu chuẩn quốc tế được.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng, có quy định về việc này như thế nào?

Ở trường tôi, nếu giảng viên có học vị tiến sĩ không có nghiên cứu KH thì coi như không hoàn thành nhiệm vụ, trừ những trường hợp ngoại lệ. Hoặc đối với đào tạo tiến sĩ, nếu không có công trình chuẩn ISI hoặc Scopus thì không được bảo vệ luận án.

Ở ĐH Tôn Đức Thắng, giảng viên có học vị tiến sĩ không có nghiên cứu khoa học coi như không hoàn thành nhiệm vụ.

Ở ĐH Tôn Đức Thắng, giảng viên có học vị tiến sĩ không có nghiên cứu khoa học coi như không hoàn thành nhiệm vụ.

Cơ hội xếp hạng cao khi phát triển theo thông lệ quốc tế

Đã có những ý kiến trái chiều về việc có nên tham gia các bảng xếp hạng ĐH hay không. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Tôi cho rằng, xếp hạng đại học cũng là một xu thế của thế giới, qua đó để khẳng định uy tín chất lượng hiệu quả hoạt động của trường và cung cấp thông tin cho các tổ chức cá nhân liên quan.

Xếp hạng đại học là cuộc đua, tuy nhiên, không nên đặt nặng về điều này. Vấn đề quan trọng, theo tôi là phát triển đại học một cách tổng thể, đồng bộ theo các thông lệ quốc tế về giáo dục, nghiên cứu, hợp tác, dịch vụ sinh viên và phụng sự xã hội. Khi đạt được điều đó thì cơ hội xếp hạng sẽ rất cao.

Như đối với ĐH Tôn Đức Thắng, chúng tôi không hề có bất cứ mối liên hệ nào với ARWU. Mà họ có đội ngũ chuyên gia thẩm định tất cả các trường ĐH trên thế giới thông qua cơ sở dữ liệu khoa học, học thuật, sau đó họ xếp hạng và thông báo trên toàn cầu. Khi biết kết quả, chúng tôi đã rất ngạc nhiên.

Ông có cho rằng, những tiêu chí của các bảng xếp hạng là thách thức cho các ĐH của Việt Nam, đặc biệt là khi theo thống kê, mức công bố quốc tế đa số vẫn ở mức thấp?

Tôi nghĩ, chúng ta có truyền thống hiếu học và có lịch sử 4000 năm, điều kiện thiên nhiên ưu đãi, tiềm năng là rất lớn. Nhưng quan trọng ta phải sớm đi theo thông lệ quốc tế để không bị thế giới để lại sau.

Ví dụ như đối với NCKH, đã là đại học thì phải gắn với NCKH, mà NCKH thì không biên giới nên khi đánh giá thì cũng phải đánh giá theo các tiêu chuẩn quốc tế như dùng các cơ sở dữ liệu thống kê khoa học ISI (Mỹ) hoặc Scopus (Hà Lan).

Đối với đội ngũ giảng viên, phải làm sao để được tuyển dụng được nhân sự toàn cầu để tăng cường tính cạnh tranh và như thế thì mới có thể chọn ra những giảng viên, những nhà khoa học đáp ứng yêu cầu phát triển theo chuẩn mực quốc tế.

Và ngược lại, các giảng viên đại học ở Việt Nam phải có thể tham gia hoặc được mời tham gia hợp tác nghiên cứu/giảng dạy tại các đại học lớn trên thế giới. Càng mở rộng càng thúc đẩy nhanh sự phát triển.

Trân trọng cảm ơn ông!

"Thống kê trên bảng xếp hạng thì thường các cường quốc trên thế giới cũng có rất nhiều ĐH được xếp hạng. Và khi tôi thống kê các công bố khoa học của các siêu cường thế giới thì họ dẫn đầu, và tiềm lực khoa học của họ tương đương với các tiềm lực khác về kinh tế, quân đội… Nên phát triển đại học, giáo dục là yếu tố rất quan trọng trong sự phát triển tổng thể của đất nước", TS Lê Văn Út.

Mai Loan