Sụt cân, hồi hộp, đi khám được chẩn đoán mắc bệnh Basedow
Mới đây, Phòng khám Đa khoa Medlatec Thanh Hóa tiếp nhận bệnh nhân P.T.A 23 tuổi, (Thanh Hóa) đến khám do sụt cân, hồi hộp, đánh trống ngực.
Qua khai thác bệnh sử được biết, cách đây 6 tháng bệnh nhân A. xuất hiện triệu chứng run tay chân, 1 tháng gần đây sụt 5kg. Trước khi đến khám, bệnh nhân có biểu hiện hồi hộp đánh trống ngực, tê tay chân, khó thở, ăn uống kém, ngủ khó.
Tại bệnh viện, bệnh nhận A. được chỉ định thực hiện các xét nghiệm, cận lâm sàng cần thiết để tìm nguyên nhân.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Kết quả xét nghiệm nội tiết ghi nhận nồng độ kháng thể kháng thụ thể TSH (TRAb) tăng cao, đạt 32,50 U/L, các hormone tuyến giáp đều tăng mạnh, nồng độ TSH huyết thanh giảm sâu <0,0005 uU/mL. Các tự kháng thể tuyến giáp gồm anti-thyroglobulin (anti-TG) và anti-thyroid peroxidase (anti-TPO) đều tăng >1000 U/mL.
Kết quả siêu âm cho thấy tuyến giáp phì đại lan tỏa, tăng sinh mạch máu trên siêu âm Doppler. Điện tim ghi nhận nhịp nhanh xoang với tần số 135 chu kỳ mỗi phút, phù hợp với tình trạng cường giáp ảnh hưởng đến tim mạch.
Biến chứng nguy hiểm và cách phòng ngừa bệnh Basedow
Theo ThS.BS Nguyễn Quỳnh Xuân, Trưởng Chuyên khoa Nội tiết, Basedow là bệnh nội tiết phổ biến, đặc trưng bởi tình trạng bướu mạch, đa phần gặp ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ độ tuổi từ 21 - 30.
Basedow là một bệnh lý tự miễn, trong đó yếu tố di truyền có thể làm thay đổi cấu trúc kháng nguyên hoặc cơ chế trình diện kháng nguyên trên bề mặt tế bào tuyến giáp, từ đó kích hoạt phản ứng miễn dịch bất thường chống lại chính tế bào của cơ thể.
Ngoài ra, bệnh còn do một số yếu tố tác động khác như: Tuổi tác, môi trường sống, giới tính, thực phẩm ăn uống hằng ngày, cơ địa. Người mắc bệnh có tuyến giáp hoạt động quá mức, sản xuất lượng hormone lớn hơn vào máu, từ đó gây ra những biểu hiện nhiễm độc giáp.
Cũng theo BS Xuân, triệu chứng lâm sàng của bệnh đa dạng, biểu hiện ở nhiều cơ quan:
Tại tuyến giáp: Bướu giáp lan tỏa, có thể chèn ép gây khó nuốt, nghẹn, khàn tiếng.
Toàn thân: Sụt cân nhanh dù ăn nhiều, mệt mỏi, mất ngủ, đổ mồ hôi, da nóng, không chịu được nóng, run tay, yếu cơ gốc chi.
Tim mạch: Nhịp tim nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, có thể gây suy tim nếu kéo dài.
Tiêu hóa: Tiêu chảy, ăn uống kém, dễ nôn.
Sinh dục - nội tiết: Rối loạn kinh nguyệt ở nữ, giảm ham muốn ở nam.
Da - tóc: Rụng tóc, da mỏng, ngứa, thay đổi sắc tố.
Mắt: Lồi mắt, đỏ, cộm, nhìn đôi - dấu hiệu đặc trưng của bệnh.
Phù niêm trước xương chày: Vùng da trước cẳng chân dày, cứng, màu hồng, bề mặt bóng, lỗ chân lông nổi rõ.
Biến dạng đầu chi: Ngón tay hình dùi trống, tiêu móng (hiếm gặp).
Nếu không được điều trị, bệnh Basedow có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như: cơn bão giáp (thyroid storm) - một cấp cứu nội tiết nguy hiểm, suy tim, rối loạn nhịp tim, loãng xương, cường giáp ở thai kỳ gây sinh non hoặc tiền sản giật và bệnh mắt Basedow tiến triển gây giảm thị lực, thậm chí mù lòa.
BS Xuân khuyến cáo, người đã từng mắc Basedow cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa bệnh tái phát khi hệ miễn dịch suy yếu hoặc gặp phải yếu tố thuận lợi. Với người chưa mắc bệnh cũng cần chú ý các thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để ngăn ngừa nguy cơ bệnh khởi phát.
Cách phòng ngừa Basedow hiệu quả nhất là nâng cao thể trạng sức khỏe, thường xuyên tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng và miễn dịch cơ thể. Bên cạnh đó, hãy lưu ý một số điều sau:
Không hút thuốc lá, tránh sử dụng chất kích thích hay hóa chất độc hại ảnh hưởng tới hệ hô hấp.
Tinh thần khỏe mạnh, thoải mái, tránh căng thẳng buồn phiền.
Thận trọng khi sử dụng thực phẩm có chứa nhiều iod trong thời gian dài, không sờ nắn tác động nhiều ở vùng tuyến giáp.
Nếu đang gặp phải các triệu chứng nghi ngờ bệnh, hãy sớm đến cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm.