Bệnh Basedow là nguyên nhân phổ biến nhất gây cường giáp, xảy ra khi tuyến giáp hoạt động quá mức và sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp.
Các phương pháp điều trị bệnh Basedow bao gồm: thuốc kháng giáp (ATDs), phóng xạ i-ốt (RAI) và phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp.
Trong vòng 10 năm qua, xu hướng điều trị bệnh Basedow đã có những thay đổi lớn, tập trung vào việc cá nhân hóa điều trị và giảm thiểu các tác dụng phụ lâu dài.
Thay đổi xu hướng điều trị bệnh Basedow giảm tác phụ lâu dài - Ảnh minh hoạ |
Tăng cường sử dụng thuốc kháng giáp (ATDs)
Một cuộc khảo sát quốc tế năm 2023 với hơn 1.252 chuyên gia từ 85 quốc gia cho thấy: 92% bác sĩ lựa chọn ATDs làm phương pháp điều trị ban đầu.
ATDs được ưa chuộng nhờ khả năng kiểm soát tốt tình trạng cường giáp, giúp đạt lui bệnh (remission) mà không gây suy giáp vĩnh viễn, tình trạng phải điều trị thay thế hormone suốt đời.
Giảm ưu tiên sử dụng phóng xạ i-ốt (RAI)
Sử dụng phóng xạ i-ốt, từng là phương pháp điều trị hàng đầu ở Mỹ vào những năm 1990 (69%), đã giảm xuống chỉ còn 11,1% vào năm 2023. Lý do chính:
Lo ngại về nguy cơ tiềm ẩn như tăng khả năng mắc ung thư hoặc làm nặng thêm bệnh mắt Basedow (Basedow orbitopathy).
Xu hướng điều trị tập trung vào tránh tình trạng suy giáp vĩnh viễn.
Thay đổi trong chẩn đoán
Cách tiếp cận chẩn đoán bệnh Basedow cũng thay đổi đáng kể:
Xét nghiệm kháng thể kích thích tuyến giáp (TSI) ngày càng được sử dụng phổ biến (94% năm 2023 so với 58% năm 2011).
Siêu âm tuyến giáp trở thành công cụ quan trọng trong đánh giá ban đầu (61% so với 26% năm 2011), trong khi quét i-ốt phóng xạ giảm xuống còn 16%.
Xu hướng toàn cầu và ý nghĩa
Những thay đổi này không chỉ giới hạn ở Mỹ mà còn được ghi nhận ở nhiều quốc gia khác, phản ánh xu hướng toàn cầu trong việc:
Cá nhân hóa liệu pháp điều trị, tập trung vào kết quả lâu dài và giảm thiểu rủi ro.
Khuyến khích nghiên cứu sâu hơn về các tác dụng phụ tiềm ẩn của ATDs và các yếu tố dự đoán khả năng lui bệnh.
Xu hướng điều trị bệnh Basedow đang dịch chuyển theo hướng ít xâm lấn hơn, tập trung vào việc kiểm soát bệnh lâu dài mà không gây suy giáp vĩnh viễn. Điều này không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn mở ra cơ hội để nghiên cứu thêm về các yếu tố dự đoán và cải thiện hiệu quả điều trị.
BS Nguyễn Xuân Tuấn
(Giảng viên Trường Đại học Y dược, Đại học quốc gia Hà Nội)