Y học và đời sống

Thông tin về chủng cúm A/H1pdm khiến người đàn ông ở Bình Định tử vong

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai...

Tử vong do cúm A/H1pdm

Ngày 23/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Định thông tin về trường hợp tử vong do cúm A/H1pdm, biến chứng sốc nhiễm trùng, hội chứng Cushing do thuốc (một bệnh lý nội tiết do rối loạn chức năng vỏ tuyến thượng thận, gây tăng mạn tính hormon glucocorticoid không kìm hãm được).

Trước đó, ngày 12/10 vừa qua, bệnh nhân T.V.T (SN 1973, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh), khởi bệnh; tới khám tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh vào ngày 13/10 với chẩn đoán ban đầu là loét dạ dày, rối loạn tiền đình, viêm phế quản.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên với chẩn đoán viêm phổi biến chứng suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, hội chứng Cushing, trào ngược dạ dày thực quản và theo dõi sốt xuất huyết Dengue. Đến sáng 17/10, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định với chuẩn đoán viêm phổi do virus.

Trưa cùng ngày, ông T. mệt nhiều nên các bác sĩ hội chẩn và chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực-chống độc. Lúc này, bệnh nhân tỉnh nhưng mệt, thở co kéo nhiều, nói đứt quãng, da niêm mạc hồng nhạt, đau ngực khi ho, nhịp tim đều nhanh, khó thở…

Đầu giờ chiều, bệnh nhân lơ mơ, phải thở máy, tiếp theo là hôn mê, thở theo máy, xuất hiện co giật từng cơn ngắn, hôn mê sâu, nhịp tim xu hướng chậm dần, huyết áp không đo được. Đến tối, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi lan tỏa 2 bên, sốc nhiễm trùng, hội chứng Cushing do thuốc và người nhà xin cho về.

Tối 17/10, bệnh nhân tử vong tại nhà. Theo người nhà, lúc phát bệnh, ông T sốt cao, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, ho nhiều, khò khè, người nhà tự mua thuốc điều trị (không rõ loại thuốc) nhưng không đỡ, sau đó, mới đưa bệnh nhân nhập viện điều trị.

Ngày 17/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã lấy mẫu bệnh phẩm và gửi Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm xác định. Kết quả, bệnh nhân dương tính với Cúm A/H1pdm, biến chứng sốc nhiễm trùng, hội chứng Cushing do thuốc.

Chủng cúm A/H1pdm nguy hiểm như nào?

Liên quan đến chủng cúm A/H1pdm, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đây là chủng cúm mùa thông thường. Virus cúm này được phát hiện đầu tiên trong đại dịch cúm năm 2009 nên có tên là pandemic (pdm).

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh cúm mùa do chủng cúm A/H1N1 (còn gọi là chủng cúm lợn) là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan qua hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm virus sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi họng. Ngoài chủng virus cúm A/H1N1, các chủng virus cúm chủ yếu khác gây bệnh cúm mùa bao gồm A/H3N2, cúm B và cúm C.

Bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ, nhưng có thể biến chứng nặng ở một số trường hợp. Ảnh SK&ĐS

Bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ, nhưng có thể biến chứng nặng ở một số trường hợp. Ảnh SK&ĐS

Bệnh cúm mùa lưu hành ở mọi nơi trên thế giới, theo ước tính của WHO, hàng năm có khoảng 1 tỉ trường hợp mắc bệnh, bao gồm 3-5 triệu ca bệnh nặng, có khoảng 290.000 đến 650.000 ca tử vong.

Tại Việt Nam, hàng năm vẫn ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa, số mắc ghi nhận quanh năm. Hệ thống giám sát trọng điểm viêm phổi cấp do virus tại Việt Nam vẫn ghi nhận các trường hợp mắc với khoảng 10% số mẫu bệnh nhân cúm dương tính với chủng cúm A/H1N1.

Bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai; bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Chủ động phòng bệnh cúm mùa

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, nhất là bệnh cúm mùa. Để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

- Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

- Tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh.

- Thực hiện lối sống lành mạnh, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Cục Y tế dự phòng lưu ý: Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

Giang Thu (T/H)