Thời sự

Cúm mùa biến chứng… gây viêm não, suy đa tạng

  • Tác giả : Thúy Nga
Cúm gây viêm đường hô hấp nhẹ, thông thường hồi phục sau 2-7 ngày. Đối với người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa,… bệnh có thể biến chứng viêm phổi, viêm màng não, viêm cơ tim, suy đa tạng và dễ dẫn đến tử vong.

Đây là cảnh báo của TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Chủ quan bệnh nhẹ hóa nguy kịch

Thời tiết Miền Bắc đang trong những ngày giao mùa, nhiệt độ trong ngày thay đổi thất thường, số trẻ mắc các bệnh hô hấp tiếp tục tăng, đặc biệt là cúm A. Vi rút cúm có thể tồn tại hàng giờ bên ngoài môi trường, nhất là trong thời tiết trở lạnh và độ ẩm thấp, do vậy mức độ lây lan càng tăng cao.

Thăm khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng NinhThăm khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh

Số liệu từ các nghiên cứu chỉ ra trẻ em có nguy cơ nhiễm cúm cao hơn người trưởng thành từ 2-3 lần. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 20 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính và có khoảng 28.000 - 111.500 ca tử vong liên quan đến cúm. Trung bình, trẻ dưới 5 tuổi chiếm 33% số người nhiễm cúm.

Theo BSCKII. Dương Văn Linh, Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, vài tuần trở lại đây nhiều trẻ đến khám được xét nghiệm và chẩn đoán mắc cúm A với các triệu chứng sốt, mệt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau cơ, có thể xuất hiện buồn nôn, tiêu chảy...Có những trẻ sốt cao 39 – 40, co giật... bị biến chứng viêm phổi, viêm màng não...

Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) số trẻ nhập viện tăng, một số trẻ phải nằm ghép giường điều trị.

BS Nguyễn Thành Nam, Trung tâm Nhi khoa, bệnh viện Bạch Mai cho biết, theo dịch tễ bệnh dịch, năm nào vào tháng 10 số trẻ nhập viện đều gia tăng, đặc biệt nhóm trẻ dưới 5 tuổi nên trẻ phải nằm ghép giường.

Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại Bệnh viện Nhi Trung ương. “Số bệnh nhi đến thăm khám và điều trị gia tăng những ngày gần đây. Có những đêm bệnh viện tiếp nhận 100 bệnh nhi đến thăm khám…” - TS.BS Cao Việt Tùng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương thông tin.

Cúm mùa biến chứng… gây viêm não, suy đa tạng

Cúm mùa biến chứng… gây viêm não, suy đa tạng

BS Trần Thị Thùy Linh, Giám đốc Trung tâm Tiêm chủng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cảnh báo, dịch cúm mùa ảnh hưởng đến tất cả các lứa tuổi (10-20% người lớn khỏe mạnh; 20-30% trẻ em). Thực tế đáng báo động là khi bị cúm, các gia đình thường chủ quan không đi khám mà tự mua thuốc về điều trị tại nhà. Chỉ đến khi các biểu hiện nặng mới tới bệnh viện thì rất có thể bệnh đã gây ra những biến chứng nặng.

Điển hình trường hợp cúm biến chứng nặng tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ. Đó là bé T.A.V (8 tuổi, Phú Thọ) được chuyển đến từ cơ sở y tế tuyến dưới với chẩn đoán hôn mê sâu, viêm não - màng não, cúm A, viêm phổi kèm theo tình trạng rối loạn đông máu.

Trước đó 3 ngày, trẻ có biểu hiện sốt theo cơn kèm buồn nôn, nôn nhiều. Sau 3 ngày tự dùng thuốc tình trạng trẻ không cải thiện đồng thời xuất hiện cơn giật, lơ mơ nên được gia đình đưa vào cấp cứu tại bệnh viện huyện và sau đó chuyển lên bệnh viện tỉnh.

Sau 8h được điều trị chống phù não, điều trị tăng áp lực nội sọ và thở máy, tình trạng trẻ vẫn rất xấu. Trẻ hôn mê, glasgow 3 điểm, không có phản xạ ánh sáng, đồng tử 2 bên giãn 5mm, còn tăng áp lực nội sọ. Các bác sĩ ngay lập tức cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bé.

Sau 30 phút cấp cứu, trẻ có tim trở lại, nhịp tim không đều, mạch quay bắt yếu, huyết áp trung bình 60-65 mmHg, trẻ hôn mê sâu, đồng tử 2 bên giãn to 5mm, không có phản xạ ánh sáng, tiên lượng bệnh rất nặng, gia đình xin cho bé về, không tiếp tục điều trị.

Thời tiết chuyển mùa, nhiều trẻ mắc các bệnh hô hấpThời tiết chuyển mùa, nhiều trẻ mắc các bệnh hô hấp

Tự ý điều trị coi chừng biến chứng

TS.BS Đỗ Thiện Hải cho biết thêm, cúm là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi rút gây nên, lây nhiễm qua đường hô hấp, trực tiếp từ người bệnh sang người khỏe qua đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch tiết do ho khạc, hắt hơi hoặc dính trên các vật dụng.

Dấu hiệu cấp cứu: Khi trẻ có những biểu hiện sau thì cần đưa ngay tới cơ sở y tế:

- Sốt cao liên tục từ 39ºC trở lên, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

- Co giật.

- Trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều, bỏ ăn hoặc bỏ bú, chân tay lạnh.

- Trẻ khó thở, thở nhanh.

Ngoài biến chứng gây viêm phổi, viêm não, gần đây xuất hiện những ca biến chứng viêm cơ tim. Bệnh nhi bị viêm cơ tim sau cúm thường có biểu hiện sốt cao, đau ngực, bụng buồn nôn, nhịp tim nhanh và tử vong đột ngột. Vi rút cúm có thể tấn công thẳng vào cơ tim, gây viêm, chết tế bào trong vài giờ khiến tim không thể tuần hoàn cung cấp máu cho các bộ phận của cơ thể như não, gan, thận... dẫn đến suy đa cơ quan và tử vong nếu không chữa trị kịp thời.

TS Hải dự báo, cúm là bệnh đặc trưng của mùa đông xuân, nên số người mắc có thể tăng trong thời gian tới. Những người mang bệnh nền như rối loạn chuyển hóa, viêm phổi mạn tính kéo dài, tim bẩm sinh… khi bị cúm biểu hiện bệnh nặng hơn rất nhiều.

Để hạn chế biến chứng do cúm, theo TS.BS Hải, gia đình cần hiểu cách chăm sóc đúng bệnh tại nhà. Không tự mua thuốc uống vì có thể sử dụng sai loại thuốc hạ sốt hoặc dùng không đúng liều. Nhiều người vẫn sai lầm khi sử dụng thuốc kháng sinh điều trị cúm, bởi kháng sinh chỉ giúp tiêu diệt vi khuẩn chứ không có hiệu quả trong điều trị các bệnh do vi rút gây ra, trong đó có cúm. Vì thế, không sử dụng kháng sinh bừa bãi, cần dùng khi có chỉ định của bác sĩ.

Nghiêm trọng hơn, nhiều người tự mua Tamiflu trị cúm. Tuy nhiên, đây không phải là thuốc bắt buộc dùng điều trị cúm mà chỉ làm giảm sự nhân lên của vi rút nên sau khi đủ liệu trình vẫn có thể còn vi rút trong đường hô hấp. Vì vậy, thuốc Tamiflu chỉ dùng cho ca đặc biệt nặng và dùng tại bệnh viện.

Để phòng chống cúm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

3. Tiêm vắc xin cúm mùa, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.

4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

5. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Thúy Nga