Chữa bệnh không dùng thuốc

Thỏ hầm củ mài trị tiểu đường

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Thịt thỏ và hoài sơn (củ mài) đều là hai món ăn thường được người xưa trọng dụng để chữa bệnh tiểu đường. Phối hợp hai thực phẩm này với các vị thuốc không chỉ tạo ra món ăn ngon mà còn phòng ngừa và trị liệu tiểu đường hiệu quả.

Thịt thỏ là một trong những thực phẩm giàu dinh dưỡng, mềm và dễ tiêu. Theo dinh dưỡng học hiện đại, trong 100g thịt thỏ có chứa 21,2g protid (cao hơn thịt gà ta: 20,3; thịt bò loại I: 21 và thịt lợn nạc: 19), 0,4g lipid, 0,2g gluxid, 16mg Ca, 175mg P, 2mg Fe... Hơn nữa, thịt thỏ chứa rất ít cholesterol và còn có chất lecithin có tác dụng bảo vệ mạch máu, phòng chống xơ vữa động mạch.

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, thịt thỏ vị ngọt, tính mát vào được hai đường kinh can và đại tràng có công dụng bổ trung ích khí, thanh nhiệt chỉ khát, lương huyết chỉ huyết thường được dùng làm thức ăn cho những người tỳ hư khí nhược, tỳ vị âm hư, suy dinh dưỡng, lao lực, tiểu đường, nhiệt tích trong tràng vị, hay nấc, đại tiện ra máu... Thịt thỏ có thể hầm nhừ, quay rán...

Theo Đông y, hoài sơn có vị ngọt không mùi, tính bình không độc là thuốc bổ mát có tác dụng dưỡng vị sinh tân, ích phế bổ thận, chỉ khát dùng để chữa tỳ vị suy nhược, nóng sốt khát nước, mồ hôi trộm, đi tiểu nhiều, di tinh, bạch đới, đái tháo đường, mụn nhọt, …

Thỏ hầm hoài sơn + nhân sâm: Nhân sâm 1,5g, hoài sơn 30g, đại táo 15 quả, kỷ tử 12g, thịt thỏ 120g, gia vị vừa đủ. Thịt thỏ rửa sạch bằng nước ấm, thái miếng; các vị thuốc rửa sạch, cho vào nồi hầm cùng thịt thỏ trong 60 phút. Sau đó, lấy thịt thỏ ra để ráo, bỏ bã thuốc. Phi hành tỏi cho thơm rồi cho thịt thỏ vào đảo đều, đổ dịch thuốc vào đun sôi một lát là được, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Kiện tỳ ích khí, dùng cho người bị tiểu đường có biểu hiện miệng khát, uống nhiều, tinh thần mỏi mệt, khó thở nhẹ, ăn kém, hay đầy bụng, đại tiện lỏng nát. Y học cổ truyền gọi đây là thể bệnh tỳ vị khí hư.

Thỏ hầm hoài sơn: Thịt thỏ 500g, hoài sơn 100g, hai thứ đem hầm nhừ thành dạng súp, chia ăn vài lần để hỗ trợ trị liệu bệnh tiểu đường.

Thỏ hầm kỷ tử, đẳng sâm + hoài sơn: Thịt thỏ 200g, hoài sơn 30g, kỷ tử 10g, đẳng sâm 10g, hoàng kỳ 15g. Tất cả đem hầm thật nhừ, chia ăn vài lần trong ngày, dùng để hỗ trợ trị liệu hội chứng suy giảm công năng tuyến vỏ thượng thận.

Thỏ hầm hoài sơn + long nhãn: Thịt thỏ 250g, hoài sơn 10g, kỷ tử 10g, long nhãn 5g, gừng tươi, rượu vang và gia vị vừa đủ. Thịt thỏ làm sạch thái miếng rồi đem ướp với gừng giã nhỏ, rượu vang và gia vị trong 20 phút. Sau đó đem thịt thỏ và các vị thuốc hấp cách thủy trong 2 giờ là được, dùng để làm thức ăn kiện tỳ, bổ phế, ích thận, rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường.

Nước ép thịt thỏ: Thỏ 1 con, lột da, bỏ lòng ruột, làm sạch, hầm lấy nước, để nguội, cho uống khi khát. Dùng cho các trường hợp đái tháo đường suy kiệt, tiểu không cầm hoặc di niệu.

BS Khánh Hiển (Bệnh viện T.Ư quân đội 108)

Thúy Nga