Kỹ thuật nội soi hiện đại chữa trị nhiều bệnh
Các bác sĩ Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, nội soi phế quản ống mềm là kỹ thuật nội soi hiện đại giúp bác sĩ quan sát được cấu trúc giải phẫu bên trong đường hô hấp thông qua ống nội soi.
Ống nội soi nhỏ, có cấu tạo mềm, được gắn camera và đèn trợ sáng sẽ được đưa vào đường hô hấp qua đường miệng, mũi hoặc lỗ mở khí quản để giúp cho bác sĩ có thể quan sát được cấu trúc bên trong đường hô hấp như khí quản, dây thanh âm, thanh quản, hầu họng, hoặc những đường dẫn khí nhỏ hơn.
![]() |
Kỹ thuật nội soi hiện đại giúp bác sĩ quan sát được cấu trúc giải phẫu bên trong đường hô hấp thông qua ống nội soi. |
Kỹ thuật này có nhiều ứng dụng thiết thực trong chẩn đoán và can thiệp điều trị các bệnh lý đường hô hấp như: Phát hiện, chẩn đoán, xác định nguyên nhân gây các bệnh lý hô hấp như viêm, nhiễm khuẩn, lao, nấm, ung thư….
Thực hiện các thủ thuật can thiệp như: Lấy dịch phế quản làm các xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn, nấm, tìm vi khuẩn lao…; Rửa phế quản – phế nang làm sạch các chất tiết ứ đọng trong lòng phổi giúp cải thiện tình trạng hô hấp của bệnh nhân; Can thiệp loại bỏ các dị vật trong đường thở gây tắc nghẽn hoặc viêm nhiễm, Cầm máu các điểm tổn thương chảy máu…
Đặc biệt, nội soi phế quản ống mềm còn mang lại giá trị đặc biệt trong chẩn đoán và sinh thiết các khối u trong lòng phế quản để làm giải phẫu bệnh chẩn đoán ung thư phổi…
Giảm nguy cơ tai biến, rút ngắn thời gian thực hiện
Đánh giá những ưu điểm của kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm gây mê, BSCKI Phạm Thị Út Trang – Phó trưởng Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Trước đây, kỹ thuật nội soi phế quản thường được thực hiện bằng gây tê tại chỗ, bệnh nhân vẫn tỉnh táo hoàn toàn, cảm giác khó chịu, ho nhiều do phản xạ kích thích khiến quá trình nội soi khó khăn hơn.
Vì vậy, ứng dụng gây mê trong nội soi phế quản ống mềm cải thiện những nhược điểm của phương pháp trước, mang đến nhiều ưu điểm, thuận lợi như: Giảm đau, giảm kích thích - người bệnh rơi vào trạng thái ngủ không phải cảm nhận những đau đớn, khó chịu trong suốt quá trình nội soi.
Bệnh nhân giữ yên tư thế, hạn chế các phản xạ ho, tạo điều kiện thuận lợi cho bác sĩ thực hiện các kỹ thuật khảo sát, can thiệp chuyên sâu như sinh thiết, gắp dị vật, rửa phế nang…chính xác hơn.
Phương pháp gây mê trong nội soi phế quản giúp bệnh nhân có trải nghiệm dễ chịu, nâng cao tính an toàn, hiệu quả của thủ thuật với những can thiệp kéo dài, giảm nguy cơ tai biến và rút ngắn thời gian thực hiện”.
![]() |
Tư vấn cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật - Ảnh BVCC |
Theo BSCKI Phạm Thị Út, kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm được chỉ định đối với những người bệnh biểu hiện triệu chứng hô hấp không rõ nguyên nhân (ho kéo dài, ho ra máu, đau ngực liên quan đến hô hấp…);
Bệnh nhân mắc các bệnh lý phổi – phế quản (ho kéo dài, giãn phế quản, theo dõi lao phổi khi cần lấy mẫu bệnh phẩm xác định vi khuẩn lao; nhiễm trùng phổi do vi khuẩn, nấm, virus, lao; ung thư phổi cần sinh thiết để chẩn đoán xác định, u phế nang, u trung thất, tràn dịch màng phổi chưa rõ nguyên nhân…);
Bệnh nhân cần can thiệp điều trị hoặc đánh giá tổn thương đường hô hấp (gắp dị vật đường thở, rửa phế nang – phế quản để làm sạch dịch tiết mủ, đánh giá tắc nghẽn của khối u hoặc chèn ép đường thở; theo dõi sau điều trị u phổi, lao phổi hoặc các can thiệp ngoại khoa liên quan đường hô hấp…).
![]() |
Bệnh nhân được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn về kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm - Ảnh BVCC |
Trước khi thực hiện nội soi, người bệnh sẽ được các bác sĩ chuyên khoa hô hấp giàu kinh nghiệm thăm khám lâm sàng, chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết như: đo chức năng hô hấp, khí máu, xét nghiệm máu, chụp X-quang hoặc CTscanner ngực.
Người bệnh được tư vấn, giải thích kỹ lưỡng về quy trình, lợi ích và các lưu ý cần thiết của kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm gây mê, cần nhịn ăn từ 6 – 8 tiếng trước thủ thuật.