Vậy khi tập luyện cần lưu ý theo dõi sức khỏe, cần ngừng tập ngay khi có các dấu hiệu dưới đây để tránh chấn thương, đột tử:
Mệt mỏi, khó thở và nghẹt thở
Khó thở có thể xuất hiện do nỗ lực vận động mạnh mẽ hoặc do các vấn đề y tế khác gây ra. Triệu chứng này bao gồm cảm giác khó thở, khò khè trong họng, hoặc thậm chí làm họ cảm thấy nghẹt thở.
Có thể khó thở là do hen suyễn hoặc thoát vị khe hoành, tuổi tác, lối sống, cũng như trọng lượng cơ thể đều có thể ảnh hưởng đến điều này.
Đối với những người trên 30 tuổi, việc giảm lượng không khí vào phổi do sự yếu đi của cơ hoành cũng là một nguyên nhân khả dĩ.
Nếu khi tham gia hoạt động một cách dễ dàng nhưng đột ngột cảm thấy mệt mỏi và khó thở, việc nghỉ ngơi và tham khảo ý kiến bác sĩ ngay rất cần thiết.
![]() |
Người phụ nữ 45 tuổi hôn mê khi tham gia chạy marathon tại Huế - Ảnh Báo Tuổi trẻ và Pháp luật |
Nhịp tim liên tục cao trong thời gian nghỉ giữa giờ
Khi tham gia vào hoạt động thể chất, quan sát nhịp tim là rất quan trọng. Thông thường, sau khi ngừng tập thể dục, nhịp tim sẽ dần dần giảm xuống. Tuy nhiên, nếu nhịp tim không trở về mức bình thường sau khi bạn ngừng, điều này có thể là dấu hiệu của bệnh tim tiềm ẩn hoặc tăng huyết áp.
Nhịp tim bình thường khi tập thể dục:
Cường độ vừa phải: Nhịp tim mục tiêu của bạn phải bằng 50% đến 70% nhịp tim tối đa. Ví dụ, một người 50 tuổi có nhịp tim tối đa là 161-170 nhịp/phút, họ cần giữ nhịp tim trong khoảng 85 bpm đến 119 bpm khi tập thể dục vừa phải.
Cường độ cao: Đây là khi nhịp tim mục tiêu của bạn là 70% đến 85% mức tối đa. Từ ví dụ trên ở người 50 tuổi, nhịp tim mục tiêu phải nằm trong khoảng từ 119 bpm đến 145 bpm khi tập luyện cường độ cao.
Chớ bỏ qua mờ mắt
Mờ mắt là một biểu hiện không nên bỏ qua khi tập thể dục. Nó có thể là dấu hiệu của các vấn đề lớn hơn cần được chú ý. Mất khả năng nhìn rõ thường đi kèm với các triệu chứng khác như buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi hoặc khát nước quá mức, có thể do huyết áp thấp hoặc hạ huyết áp.
Đau và sưng khớp
Đau khớp khi tập thể dục cũng là một dấu hiệu không nên bỏ qua. Đau và sưng ở khớp có thể là dấu hiệu của tổn thương mô, việc tiếp tục tập luyện có thể gây ra vấn đề lớn hơn. Hãy nghỉ ngơi, tìm lời khuyên từ chuyên gia y tế trước khi tiếp tục tập thể dục.
Buồn nôn do mất cân bằng điện giải
Buồn nôn hoặc nôn khi tập luyện có thể là dấu hiệu của việc gắng sức quá mức. Điều này có thể dẫn đến mất nước và mất cân bằng điện giải, đặc biệt nguy hiểm cho tim. Hãy nghỉ ngơi và bổ sung nước cho cơ thể để đảm bảo sức khỏe.
ThS.BS Nguyễn Văn Thái (Viện Y học phóng xạ và Ung bướu Quân đội)