Đời sống

Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn: 75 năm một chặng đường

  • Tác giả : P.V
(khoahocdoisong.vn) - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư, từ nhiều năm qua luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Sở được giao.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn tiền thân là Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết tỉnh Lạng Sơn, được thành lập ngày 31/12/1945. Ngày 20/4/1996, theo Quyết định số 322 UB/QĐ-TC của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, sở chính thức mang tên Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Cùng với sự phát triển ngày càng đi lên của tỉnh Lạng Sơn là những dấu ấn của ngành kế hoạch đầu tư với các chương trình, kế hoạch 5 năm phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của tỉnh, cũng như tận dụng được sự tiến triển vận động của tình hình chính trị - xã hội trong và ngoài nước.

Giai đoạn 1996 – 2005, là 2 kế hoạch 5 năm với trọng tâm là xúc tiến các hoạt động trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, nhất là khơi thông tạo điều kiện cho kinh tế thương mại Việt – Trung phát triển. Bên cạnh phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo thì các yếu tố khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường cũng được quan tâm. Các chỉ số phát triển của tỉnh luôn ở mức cao, GDP tăng bình quân trên dưới 10%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Giai đoạn 2005 – 2020, trên cơ sở tổng kết 20 năm công cuộc đổi mới đất nước, phát huy những thành tích đã đạt được, Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng 3 kế hoạch 5 năm (2005 – 2010, 2010 – 2015, 2015 – 2020) với trọng tâm phát triển kinh tế bền vững, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư, huy động nguồn vốn ODA...

Giai đoạn này, ngành kế hoạch đầu tư đã tham mưu cho tỉnh huy động tối đa mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển hệ thống kế cấu hạ tầng kinh tế - xã hội một cách đồng bộ, hiện đại; tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển toàn diện lĩnh vực nông, lâm nghiệp gắn với đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người hằng năm đều tăng trưởng đều. Nếu như năm 2010, giá trị thu nhập bình quân đầu người chỉ là 16,46 triệu đồng/năm thì đến năm 2020 đã đạt 44,5 triệu đồng/năm.

Song song với phát triển kinh tế, ngành kế hoạch đầu tư cũng đã ghi dấn ấn khi tham mưu cho tỉnh các kế hoạch phát triển đồng bộ trên lĩnh vực văn hóa xã hội, đẩy mạnh các phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Tàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Công tác giảm nghèo, tạo việc làm được thực hiện quyết liệt, hiệu quả, an sinh xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2020 chỉ còn 7,89%.

Các chính sách về dân tộc, tôn giáo được thực hiện kịp thời, hiệu quả, đúng quy định giúp đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc, đồng bào tôn giáo được cải thiện và nâng cao.Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh.

Kết thúc kỳ kế hoạch 2010 - 2015, báo cáo chính trị Đại hội Đại bộ tỉnh lần thứ XV khẳng định: Kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và có bước phát triển, duy trì được đà tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đã tích cực huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất của các ngành kinh tế, tiềm năng thế mạnh của tỉnh tiếp tục được khai thác hiệu quả, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, năng lực sản xuất, kinh doanh được tăng cường đáng kể; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch có tiến bộ; nông, lâm nghiệp phát triển ổn định; chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo thực hiện và có kết quả bước đầu. Thương mại, dịch vụ phát triển tốt, công nghiệp duy trì đà tăng trưởng khá. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Thu ngân sách trên địa bàn năm sau cao hơn năm trước. Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ổn định, tiếp tục được cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố vững chắc...

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn Nguyễn Hữu Chiến.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn Nguyễn Hữu Chiến.

Những đóng góp của Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh ghi nhận với nhiều danh hiệu thi đua, và các hình thức khen thưởng cụ thể như 2 Cờ thi đua của Bộ KH&ĐT và UBND tỉnh, 14 lượt Tập thể Lao động xuất sắc, 43 lượt Tập thể Lao động tiến tiến, 4 cá nhân Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 75 lượt cá nhân Chiến sĩ thi đua cơ sở, 217 lượt cá nhân Lao động tiên tiến; các bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh cho lượt 18 tập thể và 27 lượt cá nhân; Kỷ niệm chương ngành Kế hoạch và Đầu tư cho 19 cá nhân…

Đặc biệt, ngày 15/01/2002, tại Quyết định số 18/2002/QĐ-CTN Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 1996 – 2000 góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của mình trong công tác tham mưu và xây dựng kế hoạch chiến lược cho tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã không ngừng củng cố, kiện toàn và tinh gọn bộ máy. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đâu tư Lạng Sơn Nguyễn Hữu Chiến cho biết, hiện bộ máy cán bộ của Sở có Giám đốc, 3 Phó Giám đốc, 6 phòng chuyên môn, trên 80% cán bộ có học vấn đại học và trên đại học, gần 50% cán bộ có lý luận chính trị trung - cao cấp.

Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Sở đã được đào tạo, rèn luyện, thử thách, có bản lĩnh chính trị vững vàng; phẩm chất, đạo đức trong sáng, có lối sống lành mạnh, đoàn kết, có tinh thần trách nhiệm trong công tác, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Ông Chiến cho biết, tiếp nối những thành công đã đạt được trong quá khứ, tập thể lãnh đạo, công chức Sở Kế hoạch và Đầu tư ý thức sâu sắc rằng: Phát huy truyền thống của ngành, giữ gìn đoàn kết nội bộ, nâng cao nhận thức tư tưởng của toàn thể đảng viên, công chức, người lao động đi đôi với nâng cao chất lượng công tác tham mưu tổng hợp, xây dựng phong trào thi đua yêu nước trong nội bộ cơ quan. Đầu tư cho con người, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn gắn liền với đánh giá chất lượng và tiến độ công việc của từng cá nhân công chức, người lao động hướng tới một tập thể trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

P.V