Thời sự

Sang chấn tâm lý ở trẻ gây tổn thương phát triển nhân cách trưởng thành?

  • Tác giả : Thúy Nga
Hơn 1 tuần sau vụ cháy kinh hoàng tại chung cư mini ở Hà Nội khiến 56 người tử vong, không chỉ những người may mắn sống sót mà cả người thân của các gia đình nạn nhân đều bị sốc, hoảng loạn, sợ hãi…

Sốc tâm lý thường xảy ra sau hỏa hoạn. Phải làm gì để giúp các em vượt qua tình trạng này?

“Sang chấn tâm lý cần được chữa trị bởi nếu điều này không xảy ra nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh, thậm chí có người còn tự hủy hoại sự sống của chính mình” - BSCKI Dương Ngọc Vân, Bệnh viện đa khoa Medlatec cho biết.

Cán bộ y tế Bệnh viện Bạch Mai chăm sóc trẻ là nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini - Ảnh: BVCC

Cán bộ y tế Bệnh viện Bạch Mai chăm sóc trẻ là nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini - Ảnh: BVCC

Sang chấn tâm lý ảnh hưởng nghiêm trọng tới não bộ của trẻ

Theo BSCKI. Dương Ngọc Vân, sang chấn tâm lý là một dạng tổn thương tâm lý được tạo nên sau khi trải qua một hoặc nhiều sự kiện khiến một người cảm thấy căng thẳng, đáng sợ hoặc đau khổ. Tình trạng sang chấn về tâm lý thường có mối liên quan đến tình huống nào đó gây cho họ cảm giác bị cô lập, cảm thấy quá tải và bất lực.

Theo nghiên cứu gần đây nhất, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần dao động từ 8-29% ở trẻ em và vị thành niên. Trong đó, rối loạn tăng động giảm chú ý chiếm 14,1%; Rối loạn cảm xúc là 11,5%; Rối loạn ứng xử là 9,2%. 5% trong 10 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý là trẻ dưới 18 tuổi (50% là trẻ dưới 16 tuổi).

Khoảng 3-15% trẻ em gái và 1-6% trẻ em trai phát triển chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) hoặc sau một sự kiện sang chấn. Các sự kiện đau thương có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ và điều đó có thể để lại hậu quả suốt đời. Theo Unicef, việc người thân qua đời đối với trẻ em sẽ là một cú sốc khiến các em bị bối rối và đau buồn, đặc biệt mất phương hướng khi người qua đời là bố, mẹ.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng, Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam nhận định, khi đối mặt với tình huống nguy hiểm đến tính mạng của mình hoặc chứng kiến người thân, người cùng sống trong chung cư mini tại Khương Hạ hoảng loạn hoặc bị chết, chắc chắn đó là "sự kiện" sang chấn tâm lý lớn của những người còn sống. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của họ trong một vài ngày hay một vài tháng mà thậm chí cả vài năm hoặc vài chục năm. Những sự kiện sang chấn sẽ được lưu trữ trong phần trí nhớ dài hạn của mỗi người và họ sẽ gần như không thể quên được trong suốt cuộc đời mình.

Theo các chuyên gia Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục, bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec, sang chấn tâm lý ảnh hưởng nghiêm trọng tới não bộ của trẻ. Các chuyên gia phân tích, trẻ sơ sinh có hơn 100 tỉ tế bào thần kinh; nhưng chỉ có khoảng 12 – 15% trong số này được liên kết khi trẻ mới sinh ra. Sự tương tác giữa bố mẹ/người chăm sóc và đứa trẻ đảm bảo rằng hàng nghìn sự liên kết mới được thiết lập mỗi giờ trong năm đầu tiên của cuộc đời. Não bộ của trẻ phụ thuộc vào sự tiếp nhận mà nó nhận được từ thế giới xung quanh (gia đình và bạn bè).

Nếu sang chấn tâm lý xảy ra trong quá trình não bộ đang dần “thành hình”, nó có thể khiến não bộ không phát triển được tốt sau này: Các stress độc hại trong những năm thơ ấu có thể gây tổn hại đến cấu trúc của não bộ và dẫn đến nhiều vấn đề trong học tập và hành vi. Nó cũng liên quan với đau ốm về thể chất và tinh thần trong cuộc đời sau này.

Theo Tiến sĩ Bruce Perry: “Não bộ điều khiển các giác quan, suy nghĩ, cảm xúc và hành động của chúng ta. Hệ thống thần kinh phức tạp một cách đáng ngạc nhiên trong não, thứ quyết định đặc điểm con người của chúng ta sau này, được hình thành từ khi ta còn rất nhỏ”. Do đó sự kết nối của mạng lưới hệ thần kinh sẽ hình thành nên suy nghĩ cảm xúc và hành vi của trẻ em và cả sau này.

Khi gặp một sự kiện gây sang chấn, các phản ứng báo động kéo dài khiến sự phát triển não bộ bị biến đổi; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ, hệ thần kinh đồng thời ảnh hưởng đến hệ thống sinh học, sự phát triển tư duy, suy nghĩ học tập và ngôn ngữ của trẻ.

Với trẻ em, khi gặp phải sang chấn ngay từ nhỏ sẽ kéo theo các hiện tượng stress liên tục khiến lượng hormone căng thẳng cao được truyền vào não làm phần não dưới hoạt động hết phần của não trên, từ đó xuất hiện các hành vi thách thức liên quan đến hoạt động chức năng của não dưới khiến trẻ gặp các khó khăn trong các mối quan hệ xã hội, nhận thức và cảm xúc, các vấn đề về hành vi và khả năng tự điều chỉnh bản thân. Trẻ có nguy cơ tương quan mạnh với những vấn đề tâm thần ở tuổi trưởng thành.

Hơn nữa, sang chấn tâm lý không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển nói chung của trẻ em: Các trải nghiệm gây sang chấn sẽ có tác động nghiêm trọng và lâu dài trong suốt cuộc đời của trẻ; Trẻ bị sang chấn có nguy cơ lạm dụng chất gây nghiện khi bước vào giai đoạn vị thành niên và trưởng thành. Đặc biệt, có thể dẫn đến giảm sức khỏe thể chất trong quá trình trưởng thành và ảnh hưởng đến não bộ của trẻ em.

Một số nhà hảo tâm thăm hỏi, trao quà hỗ trợ, chia sẻ với các bệnh nhi và gia đình - Ảnh: BVCCMột số nhà hảo tâm thăm hỏi, trao quà hỗ trợ, chia sẻ với các bệnh nhi và gia đình - Ảnh: BVCC

Nhận biết sớm để đồng hành cùng con chữa trị

BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, sang chấn tâm lý cần được chữa trị bởi nếu điều này không xảy ra nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh, thậm chí có người còn tự hủy hoại sự sống của chính mình. Khi đã hiểu được tác hại của sang chấn tâm lý là gì chúng ta sẽ thấy được tầm quan trọng của việc điều trị hội chứng này.

Theo các bác sĩ bệnh viện Vinmec, trẻ bị sang chấn tâm lý thường có biểu hiện: Thu mình khỏi gia đình và bạn bè, hành vi đập đổ/ gây hấn; Đổ lỗi cho người khác/ mâu thuẫn; Ăn quá nhiều hoặc quá ít; Luôn mong muốn sự chú ý; Có vấn đề với việc ngủ; Lạm dụng chất gây nghiện (rượu, chất gây nghiện, thuốc lá); Thiếu tập trung; Thiếu hứng thú trong các hoạt động bình thường như làm vệ sinh; Lo sợ (lo sợ đàn ông, phòng tắm, các cánh cửa khép lại, bóng tối); Hành vi không an toàn và nhiều rủi ro.

Trẻ trải qua sang chấn thường gặp khó khăn trong việc điều khiển cảm xúc, chúng cố gắng đương đầu với trí nhớ và cảm xúc thông qua các hành vi tiêu cực, thể hiện sự đau buồn, mất mát bên trong thông qua các hành vi tiêu cực bên ngoài.

Nếu thấy trẻ có các dấu hiệu sang chấn tâm lý phụ huynh và người thân nên đưa trẻ đến thăm khám và điều trị với chuyên gia sức khỏe tâm thần. Quá trình trị liệu các suy nghĩ tiêu cực, xâm lấn lấy tâm trí của trẻ cũng dần được giải quyết. Bên cạnh đó, trẻ cũng sẽ kiểm soát tốt cảm xúc của mình, tình trạng chán nản, bế tắc trong cuộc sống cũng dần được thuyên giảm tốt.

Ngoài ra, quá trình trị liệu cho trẻ cũng cần có sự tham gia của các thành viên trong gia đình. Cha mẹ hoặc những người thân thiết có thể cùng trẻ điều chỉnh và cân bằng được những điều đã xảy ra trong quá khứ. Đồng thời cùng nhau đặt ra mục tiêu tích cực để tái hòa nhập lại với cuộc sống một cách tốt nhất.

Một số tình huống cụ thể có thể gây nên tình trạng sang chấn tâm lý ở trẻ như:

Thiên tai như lũ lụt, sạt lỡ, động đất, sóng thần,… Chiến tranh; Hỏa hoạn, lửa,…; Tai nạn xe; Bị lạm dụng tình dục, thể chất; Từng bị đánh đập, hành hạ, bạo lực, hiếp dâm; Chứng kiến người thân hoặc những người xung quanh trải qua các tổn thương kinh hoàng; Những hành vi đe dọa, bạo hành như khủng bố, bắt cóc, bị uy hiếp, tấn công bất ngờ,… ; Được chẩn đoán mắc phải các căn bệnh hiểm nghèo.

Trong một số trường hợp, trẻ có thể bị sang chấn tâm lý do phải thường xuyên tiếp xúc với các sự kiện gây tổn thương tâm lý và thể xác. Hoặc cũng có trường hợp cả gia đình gặp tai nạn, hỏa hoạn nhưng chỉ có duy nhất trẻ là người sống sót cũng khiến cho tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng, dễ hình thành các chứng rối loạn căng thẳng, trẻ sẽ cảm thấy tội lỗi và bất an sau khi trải qua chúng.

Thúy Nga