Gia đình mới

Người đàn ông 30 tuổi nhập viện tâm thần vì chơi game 10 tiếng mỗi ngày

  • Tác giả : Thu Giang (T/H)
Người đàn ông 30 tuổi nghiện chơi game nhiều năm, mỗi ngày dành 10-12 tiếng để chơi, tâm trí ngây ngô như đứa trẻ, nhập viện tâm thần điều trị do rối loạn cảm xúc và hành vi, giấc ngủ.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngày 15/8, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân vào viện trong trạng thái kém tập trung, không chủ động trong giao tiếp, vận động, chẩn đoán mắc hội chứng nghiện game online.

Theo lời kể gia đình, bệnh nhân bắt đầu chơi điện tử từ khi học cấp 2, "cày" game cả ngày lẫn đêm. Thấy con trai tốt nghiệp đại học 8 năm mà vẫn ham mê điện tử, không xin được việc làm, tâm trí ngây ngô như đứa trẻ, bố mẹ mới đưa bệnh nhân vào bệnh viện thăm khám.

Theo các chuyên gia, một trong nguyên nhân chính gây nghiện game là các xung đột tâm lý. Tuổi thanh thiếu niên, do tâm sinh lý phát triển muốn trở thành người lớn, muốn được tôn trọng, song người lớn giáo dục bằng roi vọt hoặc áp đặt khiến các em cô đơn, bất mãn, chán nản. Chơi game như một cách thể hiện bản thân và cảm xúc.

Trẻ thiếu địa điểm vui chơi, sử dụng Internet nhiều hơn cũng tạo điều kiện các em nghiện game. Trong khi đó, các game luôn có nhiều cách để thu hút người chơi, cho nhập vai, chia sẻ cảm xúc cá nhân, tương tác và thể hiện ý tưởng.

Bệnh nghiện game bao gồm những dấu hiệu nhận biết như: Chơi không ngừng nghỉ, khi không được chơi sẽ xuất hiện các triệu chứng khó chịu, bứt rứt, lo lắng, bồn chồn hay buồn chán; mất đi các sở thích trước đây; sử dụng game như một cách thoát khỏi tâm trạng xấu; gây nguy hiểm cho người khác hoặc mất đi các mối quan hệ, thậm chí việc làm vì bị ảnh hưởng từ những hành vi có trong game.

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu cho biết, nghiện game đe dọa sức khỏe tinh thần, đặc biệt nguy hiểm với người tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh tâm thần do đây là yếu tố kích hoạt bệnh. Một số người có thể tạm kìm hãm nghiện game ở một thời điểm nào đó, tuy nhiên có khả năng mắc lại và gặp những hậu quả tiêu cực. Biến chứng nặng nhất là trầm cảm dẫn đến tự sát, tàn phế, không còn khả năng lao động hoặc suy kiệt, tử vong.

Để điều trị bệnh nghiện game online, bác sĩ cho biết có thể kết hợp các liệu pháp hành vi, tâm lý, điện trị liệu, hóa trị liệu. Tuy nhiên, bệnh có nguy cơ tái phát nên cần kết hợp bác sĩ, người trị liệu và gia đình để kiểm soát hành vi, thói quen của người mắc bệnh.

Thu Giang (T/H)