Y học và đời sống

Sán chi chít trong não người đàn ông vì thói quen ăn tiết canh

  • Tác giả : Thu Giang (T/H)
Có thói quen ăn tiết canh để giải nhiệt và "giải đen", ông L.V.B (68 tuổi, ở Thanh Hóa) thường xuyên đau đầu, co giật, sùi bọt mép, đi khám bất ngờ phát hiện tổ sán chi chít trong não.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong suốt thời gian còn đi làm, ông B. 68 tuổi thường xuyên tiếp khách và ăn nhậu các món tiết canh lợn, dê, vịt, ngan vì quan niệm tiết canh thanh nhiệt và "giải đen".

Từ năm 2013, ông B. thường xuyên phải hứng chịu những cơn đau đầu, thậm chí là co giật và sùi bọt mép không thể kiểm soát, trên da cũng xuất hiện nhiều nốt như hạt ngô.

Quá lo lắng cho sức khỏe, gia đình đưa ông B. lên bệnh viện tỉnh để thăm khám. Kết quả chụp CT chỉ ra rằng, trong não ông B. có nhiều ổ sán nằm rải rác. Ông được các bác sĩ chuyển lên Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Hà Nội) để điều trị.

Sau một tháng điều trị, các nang sán giảm dần và hết hẳn, sức khỏe bệnh nhân cải thiện, không còn đau đầu, co giật, sùi bọt mép, ý thức tỉnh táo.

Mặc dù tuân thủ theo chỉ định thế nhưng vài năm sau, tình trạng bệnh của ông lại tái phát. Mới đây, ông B. phải vào bệnh viện lần thứ 3 vì tái phát sán não.

Theo bác sĩ Đặng Thị Thanh, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, bệnh sán não (còn gọi u não do ấu trùng sán dây), khiến bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ. Đặc biệt, triệu chứng co giật có thể xuất hiện không báo trước rất nguy hiểm, nhất là khi người bệnh tham gia giao thông.

Sán não là bệnh lý thuộc nhóm nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe với mức độ nguy hiểm rất cao. Bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh phát triển âm thầm cho đến khi phát hiện những triệu chứng rõ rệt thường khá muộn.

Nguyên nhân nhiễm ấu trùng sán dây lợn là ăn uống không đảm bảo vệ sinh, ăn thực phẩm sống, chưa nấu chín như tiết canh, nem chạo, nem thính hoặc các loại rau sống nhiễm sán từ chất thải của lợn hoặc nguồn nước nhiễm bẩn.

Mặt khác, bác sĩ nhấn mạnh tất cả tiết canh là máu sống và đều tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, gây tiêu chảy, tả, liên cầu khuẩn, nhiễm ấu trùng giun sán. Do đó, người dân nên bỏ thói quen ăn tiết canh hoặc thịt tái, gỏi.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần đề phòng nhiễm bệnh bằng những biện pháp giảm thiểu các yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiễm ấu trùng như:

Giữ môi trường sống sạch sẽ.

Ăn uống hợp vệ sinh.

Không ăn thức ăn chưa nấu chín như gỏi cá, tiết canh...

Luôn rửa tay sạch với xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh.

Hạn chế thả rông lợn, nếu nuôi lợn thì phải tuân thủ những quy trình xử lý phân, hay ngăn cách địa điểm nuôi với môi trường sống.

Tẩy giun sán định kỳ.

Khi thấy trong người có các biểu hiện như đau nhức đầu liên tục, chóng mặt, mất ngủ..., người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Thu Giang (T/H)