Khoa học & Công nghệ

Rước viêm da vì dùng dầu dừa handmade

Vào mùa đông lạnh, dầu dừa handmade được nhiều chị em sử dụng nhằm mục đích dưỡng da, dưỡng tóc… Tuy nhiên, chuyên gia về tinh dầu cho rằng, sản phẩm làm thủ công có thể bị nấm mốc cao hơn, thậm chí đây là nguyên nhân khiến người dùng nhiễm độc cho da.

Rước viêm da vì dầu dừa handmade.

Dầu dừa tự làm bị nổi mốc, chuyển màu

Theo ThS Nguyễn Thị Vân Anh, Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, vào mùa này các chị em thường dùng dầu dừa để dưỡng da toàn thân hoặc chân, tay để chống khô, mốc hay nứt nẻ. Họ cũng có thể dùng dầu dừa dưỡng tóc để giúp tóc mềm mượt, mọc tóc nhanh…

Hiệu quả dầu dừa mang lại có thể nhìn thấy. Bởi chính nhờ axit béo trong dầu dừa tạo thành một lớp màng ngăn mất nước trên da, giúp da trở nên mềm và không bị khô.

Tuy nhiên, việc sử dụng dầu dừa tự làm bằng phương pháp thủ công, hay còn gọi là handmade có thể mang lại nhưng nguy hại cho chính người dùng. Trong đó nhiều người phản ánh khi dùng dầu dừa thấy có lớp mốc phía trên hoặc dầu dừa từ màu trắng bị chuyển màu vàng, đục.

Cụ thể, vị chuyên gia phân tích, dầu dừa handmade hiện nay chủ yếu được làm dựa theo phương pháp gia nhiệt. Tức dùng cơm dừa cắt xay nhỏ, vắt lấy nước và từ nước này nấu lên để thành dầu dừa.

Nhưng bằng thủ công, trong cơm dừa vẫn có thể còn tạp chất khác nên dầu dừa khi ra thành phẩm sẽ không tinh khiết. Hơn nữa, do đun nấu thủ công nên không loại được triệt để thành phần nước có trong cùi dừa nên dẫn đến bị mốc.

“Khi sản xuất dầu dừa quan trọng nhất là cần làm sạch để không lẫn tạp chất và phải mất hết nước nhằm đạt đến độ tinh khiết. Nếu không làm triệt để, còn tồn dư nước dừa thì dầu dừa dễ bị mốc. Bởi nước dừa có chứa nhiều đường, là môi trường tốt cho vi khuẩn phát triển”, ThS Nguyễn Thị Vân Anh cho hay.

Tăng nguy cơ viêm da, nhiễm trùng…

Cũng theo ThS Nguyễn Thị Vân Anh, tinh dầu thường có hoạt chất giúp kháng khuẩn nên không thể bị nấm mốc vì bản thân nó còn diệt nấm mốc.

Nhưng dầu dừa là dầu béo, cũng như các loại dầu béo khác, nếu bảo quản không tốt, để hở không khí thì vi khuẩn nấm mốc vẫn xâm nhập và sinh sôi nẩy nở phát triển được.

Nhất là dầu dừa handmade do chưa chuẩn về quá trình sản xuất nên việc nấm mốc càng nhanh diễn ra và chứa nhiều vi khuẩn hơn.

Khi sử dụng sản phẩm bị vi khuẩn và nấm mốc xâm hại, thì người dùng cũng có thể bị ảnh hưởng. Như vi khuẩn làm viêm da, nhiễm trùng… Có thể xảy ra tình trạng da nhờn bết, ngứa sau khi bôi dầu dừa.

Do đó, khi mua dầu dừa đừng ham sản phẩm tự làm, thay vào đó nên dùng sản phẩm có công ty sản xuất uy tín, sử dụng phương pháp chế biến an toàn.

Tốt hơn là dùng công nghệ ép lạnh thay vì gia nhiệt. Bởi công nghệ ép lạnh sẽ không làm dầu dừa bị mất vitamin, khi dưỡng da sẽ tốt hơn là chỉ tạo màng ngăn nước.

Ngoài ra, khi sử dụng dầu dừa cần bảo quản trong lọ thủy tinh để chống bị lão hóa. Cần đậy kín lọ dầu dừa và để chỗ mát.

Nếu có nhiều hoặc chưa dùng đến, có thể để trong tủ lạnh, sau đó chiết ra các chai nhỏ dùng dần để tránh vi sinh vật và nấm mốc phát triển.

Tuyệt đối không dùng dầu dừa khi thấy có vẫn đen như đám mốc trên bề mặt hoặc thấy dầu dừa đã bị thay đổi trạng thái sang màu hơi đục, vàng và lỏng hơn ban đầu.

“Nếu sử dụng bằng phương pháp gia nhiệt chuẩn, tức dầu dừa sẽ không còn các tạp chất như cơm dừa được vệ sinh sạch sẽ, qua quá trình diệt khuẩn, sau đó được ép lấy nước và gia nhiệt. Vì thế dầu dừa dạng này sẽ không bị lẫn tạp chất, có thể được coi là tinh chất. Nhưng về cơ bản, dầu dừa gia nhiệt sẽ không còn vitamin như phương pháp ép lạnh. Ép lạnh là dùng công nghệ sấy lạnh hoặc quay ly tâm để loại trừ nước”. ThS Nguyễn Thị Vân Anh.

Hiền Dung