Khoa học & Công nghệ

Hạn sử dụng của đũa ăn

Bát, đũa có hạn sử dụng bao lâu? Đũa dùng lâu tiềm ẩn những nguy cơ nào? Theo các chuyên gia, những điều tưởng đơn giản này lại không đơn giản khi rất ít người để ý đến những điều này.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/dua-an-300x194.jpg

Đũa ăn cũng có hạn sử dụng.

4 tháng, 6 tháng hay 1 năm?

Gần đến Tết, gia đình chị Vũ Thùy Linh (Mỹ Đình, Hà Nội) dọn dẹp đồ đạc, loại bỏ đồ cũ, mua thêm đồ mới để trang hoàng nhà cửa. Chị Linh thắc mắc, đồ cũ trong nhà như rèm cửa thì giặt, cốc chén sứt, mẻ thì thay, đồ điện tử chập chờn thì mua mới, nhưng bát, đũa thì không biết khi nào nên thay, khi nào không.

Chị có thói quen hay để ý đến đồ đạc, đũa thi thoảng có cái nào mốc, gãy thì mới thay hoặc gần như không bao giờ thay thế nếu nó không gãy, hỏng. Chị gửi đến KH&ĐS thắc mắc, liệu đũa ăn có hạn sử dụng giống như các đồ vật khác hay không? Nếu có thì hạn sử dụng như thế nào?

TS Đặng Hoàng Thắng, chuyên gia về hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, có những đồ dùng trong gia đình tưởng như không có hạn sử dụng, nhưng thực tế, không có đồ đạc gì là không có hạn sử dụng. Đũa ăn cũng như vậy, sử dụng quá lâu đũa ăn sẽ gây hại cho cơ thể.

Đũa dù làm bằng chất liệu gì thì thông thường, các loại đũa có hạn sử dụng 3-6 tháng. Sau khoảng thời gian này, màu đũa có thể chuyển sang đậm hoặc nhạt dần do tần suất sử dụng.

Tuy nhiên, đa phần người sử dụng đều không lưu tâm đến điều này, để khi nào đũa bị gãy, hoặc đến mức không dùng được nữa thì mới thay. Đây là quan niệm sai lầm dẫn đến những nguy cơ như tiêu chảy, đau bụng, nôn ọe… do đũa không đảm bảo vệ sinh.

“Đũa ăn là vật dụng nhỏ nhưng lại ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với thức ăn. Thử hỏi có bao nhiêu gia đình thay đũa ăn định kỳ 3 tháng hay 6 tháng?

Chắc chắn là rất ít. Đừng cho rằng đôi đũa không quan trọng, bởi nếu không để ý nó có thể trở thành ổ vi khuẩn, nấm mốc mà chúng ta có thể ăn trực tiếp những vi khuẩn, nấm mốc ấy hàng ngày”, TS Đặng Hoàng Thắng chia sẻ.

Theo các chuyên gia, đũa khi bị dính dầu mỡ vừa khó rửa, vừa dễ bị ẩm mốc. Hãy ngâm các vật dụng này bằng nước nóng vừa giúp khử trùng vừa đỡ mất thời gian chà rửa. Đũa sau khi ăn phải rửa ngay nếu không vi khuẩn sinh ra từ thức ăn dư thừa cộng thêm với điều kiện thời tiết nồm ẩm sẽ khiến cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển rất nhanh.

Nên luộc đũa hằng tuần

PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hầu hết các nhà sản xuất thường không ghi hạn sử dụng của đũa trên bao bì, vì vậy người mua thường rất dễ mua những đũa đã quá hạn sử dụng mà không biết. Hạn sử dụng đũa từ khi sản xuất đến khi sử dụng là 3 – 5 tháng, do đó các gia đình nên thường xuyên thay đũa mới. Nên chọn loại đũa có nguồn gốc tự nhiên như đũa tre, trúc…

Tuy nhiên, loại này khó rửa sạch và dễ bị nấm mốc nên sau bữa ăn, chú ý rửa thật sạch sẽ, bảo quản nơi khô ráo. Khi đũa có xuất hiện chấm đen, chứng tỏ đũa đã bị nhiễm khuẩn, không nên sử dụng nữa.

Theo các chuyên gia, loại đũa phổ biến nhất hiện nay là đũa gỗ. Đũa gỗ thường được sơn một lớp bảo vệ để tạo độ bóng và độ bền cho đũa.

Khi sử dụng lâu dài, các lớp sơn bị bong tróc ra, trong một điều kiện nhất định hoặc ở nhiệt độ nào đó, các chất này sẽ thâm nhập cơ thể làm nguy hại đến sức khỏe của người sử dụng. Vì thế, nên tách riêng đũa dùng để xào nấu với đũa ăn, tránh tình trạng ăn luôn cả những hóa chất bảo vệ đũa.

Nấm mốc trong đũa đa phần là do không được hong khô, cất giữ trong môi trường nhiều ẩm, tối. Để bảo vệ sức khỏe thì đũa cần phải được phơi nơi khô ráo, thoáng mát, không có nấm mốc sinh trưởng.

Hằng tuần nên luộc đũa trong nước sôi khoảng nửa giờ, phơi khô rồi mới sử dụng, như vậy mới có thể sạch khuẩn, loại bỏ vi khuẩn trong đũa một cách hiệu quả. Ngoài ra, ống đựng đũa cũng phải được thường xuyên rửa sạch, khử trùng và không bị đọng nước.

Nếu có điều kiện thì nên phơi nắng thường xuyên đũa, ống đũa để đảm bảo vi khuẩn và nấm mốc bị tiêu diệt, không có nơi trú ngụ.

Bảo Khánh