Thời điểm 2016, Gỗ Trường Thành lỗ lũy kế tới 1.768 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 195 tỷ đồng, nợ ngân hàng, nghi vấn "gian lận" số hàng tồn phải thu…
Hàng loạt tên tuổi lớn trong nước đã rót vốn vào thương hiệu này với hy vọng cứu vãn được doanh nghiệp hàng đầu ngành gỗ trong nước. Tân Liên Phát (công ty con Vingroup), SAM Holdings lần lượt đến rồi đi, lắc đầu từ bỏ Gỗ Trường Thành.
Tháng 4/2017, Công ty CP Xây dựng U&I (U&I Construction) - thành viên của Công ty CP Đầu tư U&I (U&I Investment Corporation) - do ông Mai Hữu Tín là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đã mua hơn 20% vốn của Gỗ Trường Thành và trở thành cổ đông lớn nhất.
Phát hành cổ phiếu, tăng vốn, đảo nợ
Nắm quyền vào lúc TTF đang âm dòng vốn, thiếu hụt tiền nghiêm trọng. Phát hành trái phiếu là một phương án huy động vốn hiệu quả của ông Mai Hữu Tín.
Ngay sau khi ông Tín nắm quyền, Gỗ Trường Thành đã phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ với thị giá 10.000đ/cổ phiếu để thu về 1.000 tỷ đồng duy trì hoạt động.
Đến cuối năm 2017, Gỗ Trường Thành thông báo đã chào bán thành công 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ, thu về 700 tỷ đồng. 30 triệu cổ phiếu còn lại bị hủy giao dịch.
Gỗ Trường Thành cho biết, số tiền này sẽ thanh toán hết các khoản nợ của các ngân hàng đã có cam kết miễn giảm lãi cho công ty. Theo đó, Gỗ Trường Thành được miễn hết số lãi mà báo cáo kiểm toán đã loại trừ (84,6 tỷ đồng).
Việc phát hành này đã giúp Gỗ Trường Thành giải quyết 2 vấn đề. Đó là không còn nguy cơ hủy niêm yết do lỗ âm vốn và ý kiến ngoại trừ của kiểm toán về việc ghi nhận giảm lãi vay trong báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm sẽ không còn.
Đến tháng 4/2018, cùng với các đòn bẩy tài chính và cơ cấu danh mục đầu tư, Gỗ Trường Thành đã ghi nhận có lãi, cổ phiếu TFF được đưa ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt.
Tại Đại hội cổ đông 2019, Gỗ Trường Thành tiếp tục phát hành hơn 95,6 triệu cổ phiếu hoán đổi, tỷ lệ 8,21:1, tức các cổ đông của Sứ Thiên Thanh, tại ngày chốt danh sách hưởng quyền, cứ sở hữu 1 cổ phiếu Sứ Thiên Thanh sẽ nhận lại được 8,21 cổ phiếu TTF.
Sau phát hành, Công ty sẽ tăng vốn lên 3.146 tỷ đồng và lượng cổ phiếu mới phát hành chiếm 46,6% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Mục đích của việc sáp nhập giúp Gỗ Trường Thành thoát nguy cơ lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ. Sau sáp nhập, TTF và Sứ Thiên Thanh sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, trong đó Sứ Thiên Thanh là công ty con do TTF sở hữu 100% vốn.
Mới đây nhất, ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của Gỗ Trường Thành đã nhất trí thông qua phương án chào bán gần 59,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000đ/cp, cổ tức cố định hằng năm là 12%, qua đó thu gần 595 tỷ đồng. Tổng số cổ phiếu mà các cá nhân này sở hữu sau đợt chào bán xấp xỉ 89 triệu cổ phần, tương ứng chiếm 21,63% vốn.
160 tỷ đồng từ nguồn thu này sẽ được sử dụng trả nợ gốc và lãi cho DongABank. Kết quả, trong tháng 10, doanh nghiệp đã hoàn tất đợt phát hành với số cổ phiếu phát hành đạt 100% số lượng cổ phiếu chào bán, qua đó có nguồn tiền để trả hết nợ gốc và lãi đã quá hạn cho ngân hàng.
Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, TTF công bố việc đã thanh toán xong nợ đối với Ngân hàng TMCP Đông Á trong ngày 20/12/2021. Gỗ Trường Thành đã sạch nợ với ngân hàng và tín dụng trở lại bình thường.
Về kết quả kinh doanh, quý 3/2021, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu tăng hơn 38% lên 343 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 82%, chỉ đạt 1,6 tỷ đồng.
Sau 9 tháng đầu năm, Gỗ Trường Thành chỉ có lợi nhuận sau thuế 11 tỷ đồng, giảm gần 80% so với cùng kỳ năm trước dù doanh thu tăng 36% lên 1.111 tỷ đồng.
Cơ cấu tài sản, tìm đầu ra cho sản phẩm
Ngay sau khi ông Mai Hữu Tín “nắm quyền tại TFF, hợp đồng ký kết trị giá 16.000 tỷ đồng trong 5 năm với Vingroup đã được ký kết. Hợp đồng này vừa giải quyết được bài toán dòng tiền trước mắt của Gỗ Trường Thành và tìm được đầu ra cho các sản phẩm.
Cùng với tìm đầu ra cho sản phẩm, nhóm cổ đông lớn của ông Mai Hữu Tín cũng thúc đẩy quá trình thoái vốn tại các công ty con để tinh gọn hệ thống.
Thương vụ đầu tiên là chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty CP Công nghiệp Gỗ Trường Thành (TTI), khoảng 1.257.143 cổ phần tương ứng 68,52% vốn điều lệ TTI vào tháng 10/2017. Thương vụ này giúp thu về 12,57 tỷ đồng.
Sau đó là thương vụ thoái vốn tại Công ty Phú Hữu Gia. Gỗ Trường Thành và công ty con đã chuyển nhượng tổng cộng 8.268.000 cổ phần tương ứng 41,97% vốn điều lệ tại Phú Hữu Gia.
Trong năm 2018, là thoái vốn tại Công ty CP Trường Thành Xanh (TTG), giải thể Công ty TNHH Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành và giải thể Công ty CP Lâm nghiệp Trường Thành Đắk Nông.
Như vậy, đến giữa năm 2018, gỗ Trường Thành có thể xem như tạm thời tinh gọn lại để thực hiện tiếp những bước tái cơ cấu tiếp theo.
Việc hợp nhất với Sứ Thiên Thanh giúp Gỗ Trường Thành phát triển hệ thống sản xuất đồ gỗ - nội thất, kim loại… để tiến quân sang thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, Sứ Thiên Thanh cũng sẽ giúp Gỗ Trường Thành có thể vươn sang thị trường Mỹ - thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng.
Việc hợp tác này, cũng gián tiếp giúp công ty giải quyết kho gỗ nguyên liệu, tồn kho vốn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kinh doanh bết bát.
Việc mở rộng thị trường của Gỗ Trường Thành hiện nay vẫn đang thực hiện. Tháng 1/2020, công ty đã khánh thành nhà máy Tủ bếp với công suất 60 container/tháng, dự kiến doanh số xuất khẩu sang Mỹ đạt bình quân 50 tỷ đồng mỗi tháng.
Gần đây nhất, công ty vừa chi 5,4 triệu USD (tương đương 124 tỷ đồng) để nắm 20% vốn điều lệ Công ty Natuzzi Singapore PTE. Ltd có trụ sở đặt tại Marina Bay Financial Tower 1, Singapore.
Thương vụ lần này nhằm mục tiêu xây dựng thương hiệu và mở rộng sự hiện diện của các sản phẩm nội thất sản xuất tại Việt Nam ra thế giới. Mở rộng thị trường xuất khẩu là mục tiêu lớn của Gỗ Trường Thành đặt ra từ năm 2020.
Chia sẻ tại Hội nghị kinh tế đầu năm 2021, ông Mai Hữu Tín cho biết, Gỗ Trường Thành đang hoạt động tốt và ông đang lên kế hoạch 10 năm tới. Mục tiêu là đưa Gỗ Trường Thành phát triển nhảy vọt, vươn tầm trở thành doanh nghiệp gỗ hàng đầu ASEAN cả về công nghệ, sản lượng, doanh thu, nhất là thị trường đồ gỗ nội thất.