Chứng khoán

Thương vụ phát hành trái phiếu “khủng” để “dồn” vào một dự án

  • Tác giả : Hoàng Hà
Cả Công ty Osaka Garden, Hoa Phú Thịnh và Hoàng Phú Vương đều đồng loạt phát hành lượng trái phiếu lớn, để “dồn” vốn đặt cọc nhằm hướng đến nhận chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An tại phường An Phú.

Tổng huy động 18.900 tỷ đồng

Với Công ty CP Osaka Garden, trong khoảng thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 10/2021 doanh nghiệp này đã phát hành 3 mã trái phiếu doanh nghiệp là: OSGCB2122001, OSGCB2122002, và OSGCB2122003 với tổng khối lượng phát hành là 111.000.000 trái phiếu tương đương 11.100 tỷ đồng.

Mục đích để Osaka Garden phát hành trái phiếu nhằm thu được tiền lớn để đặt cọc hướng tới nhận chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An tại phường An Phú, quận 2, TPHCM.

Cũng trong tháng 7/2021, Công ty CP Hoàng Phú Vương phát hành mã trái phiếu HPVCB2125001, với khối lượng là 46.700.000 trái phiếu tương đương 4.670 tỷ đồng.

Khá trùng hợp Công ty Hoàng Phú Vương phát hành trái phiếu cũng sử dụng số tiền thu được để đặt cọc nhằm hướng tới nhận chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An.

Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Hoa Phú Thịnh, tháng 7/2021 cũng phát hành 31.300.000 trái phiếu mã HPTCB2125001 tương đương 3.130 tỷ đồng. Mục đích phát hành cũng tương tự như Công ty Osaka Garden và Hoàng Phú Vương.

Như vậy có thể thấy tổng số tiền mà 3 doanh nghiệp này muốn huy động để “dồn” cho thương vụ nhận chuyển nhượng dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An lên đến 18.900 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý khác, nhà đầu tư cho các mã trái phiếu của các doanh nghiệp đều là tổ chức trong nước. Cả ba thương vụ phát hành trái phiếu này, tổ chức nhận tài sản bảo đảm đều là cùng liên quan đến một ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam.

Tìm hiểu cho thấy, dự án Sài Gòn Bình An diện tích 117ha, nằm ở quận 2 - nay là TP Thủ Đức, TPHCM. Dự án định hướng phát triển thành khu đô thị với tổ hợp shophouse, nhà phố, biệt thự song lập, biệt thự đơn lập, căn hộ chung cư, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại.

Trước đây dự án này thuộc về Tập đoàn Him Lam, nay chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp).

thuongvutraiphieu.jpg
Khu đất 117,4ha của siêu dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An. (Nguồn: Internet)

“Bóng” Masterise Group

Tìm hiểu cho thấy Công ty CP Osaka Garden, Công ty CP Hoàng Phú Vương, và Công ty CP Hoa Phú Thịnh đều là các doanh nghiệp chưa đại chúng, đăng ký kinh doanh lĩnh vực bất động sản.

Các công ty này đều sử dụng tài sản bảo đảm cho các thương vụ phát hành trái phiếu trên là “cổ phần thuộc sở hữu của các cổ đông Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn”.

Mặt khác, từ thời điểm ngày 30/7/2021 (trùng hợp thời điểm ngày công bố phát hành trái phiếu của các công ty Osaka Garden, Hoàng Phú Vương, Hoàng Phú Thịnh) bà Mai Thị Kim Oanh (SN 1980) đã đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và phát triển Sài Gòn thay cho ông Bùi Đức Khoa (SN 1974).

Lưu ý rằng bà Mai Thị Kim Oanh chính là Trưởng ban Ban kiểm soát của Tập đoàn Masterise Group. Masterise Group tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư Thảo Điền. Doanh nghiệp này tích cực gom hàng loạt các dự án bất động sản trên địa bàn TPHCM.

Điểm đáng chú ý, cho tới nay các Công ty: Osaka Garden, Hoàng Phú Vương, Hoa Phú Thịnh đều đã có hợp đồng tín dụng với một ngân hàng, trong đó sử dụng tài sản bảo đảm là các khoản lợi, lợi ích và tất cả khoản phải thu theo hoặc phát sinh từ việc đặt cọc và nhận chuyển nhượng dự án Sài Gòn Bình An thành phần từ chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn.

Với vấn đề các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành công điện về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc này.

Công điện nêu rõ thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng...

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức phát hành riêng lẻ với quy mô lên tới trên 436.000 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm 2021, tăng hơn 23,4% so với cùng kỳ năm 2020, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm… Báo cáo kết quả với Thủ tướng trước ngày 15/12.

Mặt khác, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Hoàng Hà