Tháo xoắn bảo tồn buồng trứng xoắn tím đen, hoại tử 1 phần
Ngày 28/3, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, bệnh viện mới phẫu thuật cứu thai phụ bị xoắn u buồng trứng bằng phẫu thuật nội soi bảo tồn.
Theo đó, thai phụ 23 tuổi, mang thai 7 tuần, nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng hạ vị, kèm theo buồn nôn.
Kết quả siêu âm cho thấy thai 7 tuần, kèm theo khối u buồng trứng phải nghi ngờ xoắn, với dấu hiệu thiếu máu cục bộ, nguy cơ hoại tử nếu không phẫu thuật kịp thời. Nhận thấy tình trạng nguy cấp, các bác sĩ khoa Phụ ngoại A5 đã tổ chức hội chẩn khẩn cấp, loại trừ các nguyên nhân đau bụng cấp khác và quyết định mổ cấp cứu ngay để cố gắng bảo tồn buồng trứng, bảo vệ thai nhi.
Đây là một ca bệnh phức tạp, đòi hỏi các bác sĩ phải hành động khẩn trương, chính xác để đảm bảo tính mạng người mẹ, bảo toàn thai nhi và duy trì khả năng sinh sản.
![]() |
Ca phẫu thuật nội soi tháo buồng trứng xoắn cho thai phụ - Ảnh BVCC |
Ca phẫu thuật do BSCKII Đỗ Xuân Hải trực tiếp thực hiện. Quá trình nội soi thăm dò cho thấy buồng trứng phải xoắn 2 vòng, tím đen do thiếu máu, có dấu hiệu hoại tử một phần. Nếu không kịp thời tháo xoắn, buồng trứng có thể mất chức năng vĩnh viễn.
Thay vì cắt bỏ như phương pháp truyền thống, các bác sĩ đã tháo xoắn cẩn thận, khôi phục lại tuần hoàn máu, giúp buồng trứng dần hồng trở lại. Nhằm ngăn ngừa nguy cơ xoắn tái phát, kíp mổ thực hiện khâu ngắn dây chằng riêng buồng trứng, cố định buồng trứng vào tử cung và giữ nguyên nang hoàng thể, đảm bảo thai nhi tiếp tục phát triển bình thường.
Sự thành công của ca phẫu thuật không chỉ giúp giữ lại buồng trứng, mà còn bảo tồn khả năng sinh sản, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến thai kỳ và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm về sau.
Đối tượng dễ bị buồng trứng xoắn nên cẩn thận
Các bác sĩ sản phụ khoa cho biết, u buồng trứng xoắn là hiện tượng khối u nang buồng trứng ở người phụ nữ bị xoắn lại, đặc biệt chiếm tỷ lệ cao nhất là những khối u nang buồng trứng có cuống dài, u nang không dính liền với những tạng lân cận, kích thước đường kính khoảng 8cm đến 10cm và có trọng lượng vừa.
Tình trạng này xảy ra khi buồng trứng ở người phụ nữ bị chùng lật, dẫn đến hiện tượng xoắn buồng trứng và gây ra sự mất đi nguồn cung cấp máu cho buồng trứng.
![]() |
Bác sĩ thăm khám và tư vấn cho sản phụ sau phẫu thuật - Ảnh BVCC |
Dấu hiệu của u buồng trứng xoắn có thể thường thấy đó là đau vùng bụng dưới một cách dữ dội. Đau kèm theo tình trạng nôn ói. Choáng váng, da niêm mạc xanh xao nhợt nhạt, vã mồ hôi, hoảng sợ.
Chướng bụng ở vị trí hạ vị, xuất hiện điểm đau khu trú vùng hố chậu ở phía có u buồng trứng xoắn. Có thể có cảm giác mắc tiểu, đi tiểu rắt, tiểu khó do u di chuyển chèn ép bàng quang, hoặc bị táo bón do u chèn ép trực tràng, cũng có thể bị phù 2 chi dưới do u chèn ép hệ tĩnh mạch.
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy có hơn 65% u buồng trứng xoắn là xoắn phần phụ, gồm buồng trứng và vòi trứng. Hiện tượng này dẫn đến việc gây tổn thương cho tĩnh và động mạch, làm phù nề lan tỏa, căng vỏ bao cũng như áp lực bên trong buồng trứng.
Ngoài ra hiện tượng này còn là nguyên nhân của huyết khối động mạch, thiếu máu cũng như nhồi máu. Chính vì lý do này mà u buồng trứng xoắn cần được điều trị kịp thời để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng, viêm nhiễm xảy ra.
Điều trị u buồng trứng xoắn thường là phẫu thuật nội soi cắt bỏ khối u, tháo xoắn và có thể bảo tồn hoặc cắt bỏ toàn bộ buồng trứng đã bị hoại tử.
Biến chứng lớn nhất của xoắn buồng trứng là hoại tử buồng trứng phải phẫu thuật cắt bỏ, làm ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con sau này của chị em phụ nữ. Nhưng nếu không cắt ổ xoắn sẽ gây nhiễm trùng nặng hoặc gây áp xe và viêm phúc mạc.
Sau khi làm phẫu thuật cắt buồng trứng cần tuân theo những biện pháp của bác sĩ để giảm nguy cơ tái phát và tránh các yếu tố nhiễm trùng của các dây chằng xung quanh buồng trứng.
Theo các bác sĩ sản phụ khoa, buồng trứng bị xoắn ở nữ giới không loại trừ độ tuổi nào, từ sơ sinh cho đến phụ nữ tiền mãn kinh đều có thể mắc phải. Tuy nhiên, phổ biến nhất là ở độ tuổi từ 20 - 40 tuổi.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như:
U nang buồng trứng, u nang bì (u quái), u nang đơn thuần, u nang xuất huyết, kích thước u càng lớn, nguy cơ càng cao.
Bệnh nhân có tiền sử đã phẫu thuật ở vùng tiểu khung, chậu hông cũng có nguy cơ xoắn buồng trứng.
Phụ nữ được kích thích buồng trứng có nguy cơ xoắn buồng trứng cao hơn,
Phụ nữ khi mang thai có u nang buồng trứng, nồng độ hormone cao hơn bình thường làm cho các dây chằng xung quanh giãn ra, xoắn vào buồng trứng.
Đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ, đây cũng là thời điểm dễ bị xoắn buồng trứng", các bác sĩ khuyến cáo.