Ý kiến bạn đọc

Nỗi lo học sinh bị tai nạn do pháo nổ dịp cuối năm

  • Tác giả : Lê Thị Kết
Lâu nay, ở nước ta luôn xảy ra khá nhiều các vụ tai nạn có liên quan tới pháo nổ, nhất là vào các dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Ngoài các vụ tai nạn pháo nổ có liên quan tới người lớn, trong đó cũng có không ít các vụ tai nạn của các em học sinh do tự chế pháo nổ, chơi và đốt pháo nổ.

Đây là một thực trạng đáng lo ngại không chỉ cho các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, mà còn là của toàn xã hội vì tai nạn do pháo nổ, nhất là trong lúc tự chế pháo gây nổ là rất nghiêm trọng.

Phát hiện hơn 1.000kg pháo nổ trong các hộp giấy bị Công an huyện Đức Hòa (Long An) phát hiện, bắt giữ vào đầu tháng 12/2024.

Phát hiện hơn 1.000kg pháo nổ trong các hộp giấy bị Công an huyện Đức Hòa (Long An) phát hiện, bắt giữ vào đầu tháng 12/2024.

Do tiếp xúc gần nên khi hóa chất phát nổ, con người dễ bị các tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực... Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp. Vết bỏng nặng gây nhiễm độc và để lại những di chứng nặng nề về thẩm mỹ như sẹo xấu, sẹo co kéo, nặng hơn là ảnh hưởng tới cơ, xương, gây khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Hội chứng sóng nổ lớn còn gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay, chân... Đó còn chưa nói tới tình trạng pháo nổ có thể gây cháy, rồi cháy lan làm thiệt hại tài sản…

Có thể kể tới vụ 2 học sinh tự chế pháo nổ gây tai nạn xảy ra cách đây không lâu, đó là vào ngày 25/9/2024, tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai), khi một em học sinh lớp 10 cùng em trai của mình đang học sinh lớp 6, chế tạo pháo bằng thuốc nổ đen (thuốc súng) tại nhà bà nội. Khi các em nhồi thuốc nổ đen vào các cuộn giấy và đốt thử thì xảy ra nổ. Hậu quả, vụ nổ khiến 2 em bị thương được đưa cấp cứu tại bệnh viện.

Còn nhớ, vào dịp cuối năm 2023 và đầu năm 2024, báo chí, mạng xã hội từng đưa tin về hàng chục vụ tai nạn pháo nổ có liên quan tới học sinh liên tiếp xảy ra; trong đó có một số vụ để lại hậu quả nặng nề. Không ít các em học sinh ở một số địa phương đã lén lút lên mạng xã hội học cách chế tạo pháo, mua các vật dụng về cất giấu rồi tự chế thành pháo nổ. Đây không chỉ là việc làm rất nguy hiểm, nguy cơ gây ra tai nạn thương tâm, để lại hậu quả nặng nề, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Điều đáng lo ngại, không chỉ tự chế pháo nổ, nhiều em học sinh còn tàng trữ, mua bán, thậm chí tham gia vào các đường dây vận chuyển pháo nổ…

Để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do pháo nổ gây ra đối với thanh thiếu niên nói chung và các em học sinh nói riêng, thiết nghĩ đây không chỉ là trách nhiệm của riêng gia đình, nhà trường, mà còn là của toàn xã hội, nhất là công an và chính quyền các địa phương.

Theo tôi, ngoài việc phụ huynh và các thầy cô giáo cần phải thường xuyên căn dặn, nhắc nhở các em tuyệt đối không được “làm bạn” với pháo nổ dưới bất cứ hình thức nào (tự chế pháo, mua bán, tàng trữ, chơi và đốt pháo, vận chuyển pháo…), thì việc nói tới hậu quả ghê gớm do pháo nổ gây nên cũng là rất cần thiết trong công tác giáo dục, để các em biết sợ mà tránh xa pháo…

Lê Thị Kết (huyện Đông Anh, TP Hà Nội; Email: ketle***@gmail.com)

Lê Thị Kết