Quả bom chờ phát nổ
Hàng loạt vụ việc đau lòng về trẻ em xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây. Bảo vệ tổ dân phố giết cháu bé mới 2 tuổi. Em bé bị cha và mẹ kế bạo hành, dí sắt nóng vào mặt, vào người. Cô giáo ở trường mầm non Mầm Xanh đánh đập, đá, đạp, thậm chí cầm cả dao để “xử lý” trẻ nhỏ. Và đau lòng là bà nội nhẫn tâm giết chết cháu ruột mình ở Thanh Hóa… Liệu có thể lý giải được những câu chuyện này bằng một vài luận điểm nào đó?
Chắc có lẽ khó có luận điểm nào để cảm thông với những con người đó. Họ làm những việc mà dư luận phẫn nộ, thậm chí tôi không dám xem hết đoạn phim quay cảnh giáo viên hành hạ trẻ em ở trường mầm non Mầm Xanh.
Ở góc độ tâm lý, tôi cho rằng chắc có lẽ bởi áp lực cuộc sống làm đầu óc con người ta lên như quả bóng. Lúc nào người ta cũng như thùng thuốc súng, như quả bom. Chỉ cần một mồi lửa, chỉ cần tháo chốt, là sẵn sàng bùng cháy.
Như thế thì tôi sợ là ta đang đổ lỗi cho hoàn cảnh?
Tôi nói thế để thấy nếu cuộc sống thanh bình, nhàn nhã, không chật vật kiếm sống, thì chắc không xảy ra những chuyện đó. Nhưng vì cuộc sống có quá nhiều áp lực, nghèo khó, áp lực kiếm tiền, rồi chuyện lừa gạt, dối gian, hay cả chuyện tắc đường… nó làm cho người ta mỏi mệt, căng thẳng và bùng nổ.
Và trẻ em trở thành nạn nhân bởi đây là đối tượng ít có khả năng tự vệ nhất, yếu thế nhất. Đánh đập người khác, người ta đánh lại cho bầm dập ngay. Nhưng đánh trẻ con thì chúng không thể đánh lại. Thế là trẻ em thành nạn nhân.
Ở góc độ cá nhân thì tôi thực sự bất bình với những người này, ông thì sao?
Chuyện bà nội giết cháu, bố hành hạ con… thì hẳn những người ấy cũng bị hành hạ về tinh thần. Rằng số mình chẳng ra gì, đẻ ra đứa cháu thì nó lại là ác quỷ, rằng nó sống thì mình phải chết…
Cô bảo mẫu cầm con dao, can nhựa, đập bùm bùm vào người trẻ con cũng vậy. Chắc hẳn trong tư tưởng họ cũng bị áp lực, chẳng biết trút giận vào đâu, thì trút vào con trẻ.
Nhưng việc họ lựa chọn trẻ em để trút giận là một điều vô cùng đáng lên án?
Đương nhiên là như thế. Ở góc độ nào đó thì việc họ hành xử như thế cho thấy sự yếu đuối của chính họ. Giống như có một số đàn ông thấp cổ bé họng, ra ngoài xã hội chẳng bắt nạt được ai, về nhà đánh đập chửi bới vợ con. Ông chẳng ra ông, chẳng ra thằng mà lại thích ra oai. Đến cơ quan sếp nói một câu thì cụp đuôi như chó con. Vậy là chính cái môi trường xã hội trở thành tác nhân để họ thể hiện sự tức giận, ức chế của bản thân.
Đừng đổ lỗi cho quản lý
Những câu chuyện này ở góc độ khác, nó thể hiện nhân cách, đạo đức của một bộ phận người?
Đó là vấn đề khá cũ rồi. Đạo đức xuống cấp, quản lý lỏng lẻo… là những vấn đề mà chúng ta đã nói mãi rồi. Vụ việc bạo hành ở trường mầm non, người ta đổ lỗi cho nhà quản lý. Nhưng quản lý sao nổi đến tận từng cơ sở giáo dục như thế. Có bác trưởng thôn nào có thể đến từng nhà để quản lý xem có vấn đề gì hay không.
Khi người ta đã có ý thức tự mình làm tốt công việc của mình, coi “khách hàng là thượng đế”, phụ huynh là người nuôi mình thì họ sẽ phải tự cố gắng chăm sóc trẻ tốt nhất. Học sinh đông lên thì đồng nghĩa lương họ cũng sẽ cao hơn.
Hình như trong số bảo mẫu bạo hành trẻ, cũng có người chưa có bằng sư phạm mầm non?
Bằng cấp thực ra cũng chỉ tương đối thôi. Chẳng ai dám chắc một cô có bằng đại học mầm non sẽ tử tế với học trò. Cũng chẳng ai dám bảo rằng bà này không có bằng cấp gì sẽ không thể chăm trẻ tốt.
Bằng cấp cũng chỉ là hình thức chứ không quyết định đạo đức con người ta. Khi người ta phải sống với nhiều nỗi bức xúc, nhiều ẩn ức, con người lúc nào cũng phừng phừng thì nó dễ bùng nổ.
Thực ra trong cuộc sống, cũng rất nhiều người phải chịu những áp lực đè nặng khác nhau, nhưng đâu phải ai cũng hành xử như vậy?
Phải ở trong từng hoàn cảnh cụ thể khác nhau thì mình mới lý giải được. Trường hợp bà nội giết cháu, bố dùng thanh sắt nung đỏ dí vào người ta, nhiều người đặt câu hỏi hay là họ bị thần kinh.
Có bị thần kinh hay không thì phải đưa họ đi khám. Còn cứ cái gì không lý giải được thì bảo là do bị thần kinh. Như thế nghĩa là ta đang buông xuôi đấy. Mà hành động đấy nghĩa là bao che cho tội ác, vì người thần kinh phạm tội thì không bị xử lý như người bình thường.
Mù chữ cũng không làm thế
Ông có cho rằng những người thực hiện việc bạo hành trẻ ấy có vấn đề về nhận thức không?
Không phải đâu, người mù chữ họ cũng không làm thế. Một người nhận thức rất hạn chế, cả đời chẳng ra khỏi thôn bản, cũng không hành xử kiểu thế. Có khi càng nhiều hiểu biết lại càng có các hành vi che giấu tinh vi hơn ấy.
Trẻ em và phụ nữ là nhóm người yếu thế trong xã hội nên trở thành nạn nhân của những kẻ yếu kém về đạo đức, bất hạnh trong cuộc sống, bế tắc trong suy nghĩ, cùng quẫn trong hành động.
Ở góc độ giáo dục thì có cách nào để cải hóa con người ta không thưa ông?
Thực ra, muốn thay đổi thì phải làm tổng thể. Phải làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn bình yên hơn, con người sống với nhau tử tế hơn… thì mới làm được. Giống như một cái ao đã ô nhiễm, thì dù có quây lại một chỗ làm cho nó sạch thì rất khó.
Chỉ có điều khi chưa có giải pháp nào thì phải tăng cường giám sát, quản lý. Hiện có đề xuất tất cả các cơ sở mầm non phải có camera kết nối với điện thoại của bố mẹ. Đó là các biện pháp quản lý thôi. Còn bảo người ta phải đi học một khóa học hay nhắc nhở răn đe thì cũng không tác động nhiều.
Quan trọng là cuộc sống nói chung phải bớt đi lo toan, căng thẳng?
Đúng thế. Có một điều chắc chắn là người hạnh phúc thì không bao giờ làm điều ác. Khi con người ta bớt đi được những căng thẳng, mỏi mệt, lo toan, áp lực, bất công, môi trường thanh bình hơn… thì sẽ giảm đi những vụ bạo lực tương tự.
Ngày xưa cuộc sống nghèo nhưng thanh bình, nhu cầu con người ít, áp lực ít, căng thẳng ít, nên cũng ít những vụ việc bạo lực như ngày nay.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Ngày 30/11, Văn phòng Chính phủ vừa phát thông báo chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ về việc khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các vụ bạo hành, xâm hại, sát hại trẻ em vừa qua. Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ: Những ngày qua, các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin phản ánh, tại một số địa phương đã xảy ra nhiều vụ bạo hành, xâm hại, sát hại trẻ em gây hoang mang và bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội.
Điển hình là các vụ: Cháu gái 7 tuổi, xã Vĩnh Hoà Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang nghi bị cha ruột và mẹ kế bạo hành dí sắt nung vào người; vụ người giúp việc có hành vi bạo hành “tung hứng” bé gái 2 tháng tuổi ở Phủ Lý, tỉnh Hà Nam; hành vi đánh đập trẻ em của bảo mẫu lớp mầm non Mầm Xanh tại phường Hiệp Thành, Quận 12, TP HCM; vụ bé gái 20 ngày tuổi nghi bị bà nội sát hại do mê tín dị đoan ở thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá; vụ cháu gái 16 tuổi ở xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội nghi bị anh rể họ xâm hại tình dục hơn một năm không dám lên tiếng.
Tô Hội (thực hiện)