Giáo dục

Những dấu hiệu con nghiện game online

  • Tác giả : Mai Nguyễn
Thấy lưng áo con phồng khi bước vào nhà vệ sinh, gọi con lại kiểm tra, phụ huynh không ngờ lại là Ipad. Thì ra, con đã luôn nói dối là bị táo bón, đi vệ sinh cả tiếng đồng hồ là để… chơi game.

Đi vệ sinh giấu máy tính chơi game

Chị Nguyễn Thu Thủy (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, thời gian dài gần đây, chị thấy con mỗi lần đi vệ sinh đều mất cả tiếng đồng hồ. Khi chị hỏi con lý do, thì con nói, con bị táo bón, mãi không đi nổi.

dau-hieu-nghien-game(1).jpg
Việc phải ở nhà thời gian quá dài khiến trẻ tìm đến game. Ảnh minh họa: Mai Nguyễn.

Chị mua các đồ ăn nhuận tràng cho con, nhưng con nói vẫn không đỡ. Chị định đưa con đi khám thì con bảo không cần, sức khỏe con vẫn bình thường. Dịch bệnh khiến chị cũng ngại vào bệnh viện, nên lần lữa chưa đưa con đi khám.

Một tối, khi con bước vào nhà vệ sinh, chị thấy lưng áo của con phồng lên sắc cạnh khác thường. Chị bèn yêu cầu con cho xem, thì con chạy. Chị đuổi theo kéo con lại, hóa ra, bên trong là Ipad.

Và đây là lý do con đã ngồi trong nhà vệ sinh cả tiếng đồng hồ, để chơi game, chứ không phải bị táo bón.

Tá hỏa, chị kiểm tra vở học của con thì thấy con chỉ nguệch ngoạc vài chữ. Thì ra, con đã chơi game suốt thời gian dài qua mà chị không hề biết. Ngày nào cũng thấy con học online chăm chú, chị thậm chí còn không dám bước vào phòng con, giữ yên tĩnh tuyệt đối, tránh làm con bị phân tâm.

Trong khi đó, con đã vừa học vừa chơi game. Đến giờ tự học buổi tối, có em gái ngồi học cạnh bên, không chơi game được, con đã nói dối vào nhà vệ sinh để chơi cho đã cơn “nghiện”. Và nhờ đó, mẹ cũng mới phát hiện ra.

Trường hợp của con trai chị Thủy không phải là hiếm gặp. Nhiều giáo viên cho biết, một trong những mặt trái của việc học online là đã biến nhiều học sinh trở thành “game thủ”. Nếu giáo viên, gia đình không sát sao sẽ không nhận ra.

Một cô giáo ở Hà Nội chia sẻ, khi phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ, cô “hú họa” nêu tên các bạn chơi game trong giờ sinh hoạt lớp, thì các bạn đều nhận. Các em còn ngơ ngác hỏi: “Sao cô lại biết nhỉ?”.

Các giáo viên cảnh báo, việc sa đà vào chơi game không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập của các em, mà còn gây mất an toàn khi việc chơi game “ngốn” pin rất nhiều, dẫn đến việc các em vừa học vừa phải sạc thiết bị điện tử, rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, việc làm thế nào để phát hiện ra con “nghiện” game cũng như giúp con kiểm soát game là việc không hề đơn giản đối với các phụ huynh.

Bố mẹ cần dành thời gian hoạt động cùng con

Tại hội thảo Giúp con kiểm soát game và mạng xã hội chiều 17/10 do Atlantic Five-Star English tổ chức, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết), có nhiều lý do dẫn đến việc trẻ tìm tới game. Trong đó có việc phải ở nhà dài ngày trong mùa dịch.

Việc không được đến trường dẫn đến những bí bức, căng thẳng đối với trẻ. Trẻ nhớ trường, thầy cô, trong khi người lớn vẫn phải làm việc khiến trẻ có cảm giác cô đơn, có những tổn thương tinh thần.

Trong khi đó, game có nhiều hấp dẫn. Ví dụ như sự ẩn danh, sắm vai, khi chơi game trẻ sẽ được thoải mái bộc lộ suy nghĩ của mình, kể cả nói tục. Với những em tự ti ngoài đời, các em sẽ sắm nhân cách ảo, trở thành người tự tin.

Đặc biệt, game luôn có tính khuyến khích chiến thẳng, có phần thưởng cho mỗi chiến thắng. Đây là điều khiến các em phấn khích, và ngoài đời thực các em không có được điều này.

Các bậc cha mẹ không muốn con chơi game, nhưng thử đặt câu hỏi, nếu không chơi game thì có hoạt động nào thay thế game cho các em không? Bố mẹ có dành thời gian cho các con hay không? Có cách nào để giúp trẻ vượt qua những tổn thương tinh thần trong mùa dịch?

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, có một số dấu hiệu mà bố mẹ cần lưu ý, cho thấy con đã phụ thuộc vào mạng xã hội, game online.

Đó là con luôn nghĩ về game, internet hoặc mạng xã hội, lúc nào cũng tìm cơ hội để chơi, sử dụng. Chẳng hạn, đi xuống nhà, quên điện thoại cũng phải chạy lên lấy ngay. Ăn cơm xong, thay vì rửa bát giúp mẹ, thì lên nhà cầm điện thoại.

Con có biểu hiện bồn chồn, ủ rũ, khó chịu, hoặc dễ bị kích thích khi bị giảm thời gian, không được chơi, không được sử dụng.

Kết quả học tập sa sút, mất các mối quan hệ có ý nghĩa do dành nhiều thời gian cho game, cho internet, mạng xã hội.

Con chơi game, sử dụng mạng xã hội quá 6 tiếng/ngày.

Từ câu chuyện về việc đã giúp một học sinh đã nghiện game 4 năm cai nghiện thành công, PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên đối với các bậc cha mẹ trong tình huống này. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến sự đồng hành của bố mẹ trong các hoạt động của con.

Theo đó, bố mẹ cần liệt kê tất cả các hoạt động mà con đã thích hoặc đã từng thích thú. Chú ý lựa chọn những hoạt động mang tính tương tác xã hội hoặc có ý nghĩa xã hội, như đến ông bà chơi, chơi thể thao với bố…

Bố mẹ phải dành thời gian cùng chơi với con, tránh những hoạt động con ngồi một mình như xem hoạt hình, đọc truyện tranh…

Thỏa thuận đặt giới hạn thời gian chơi game với con mỗi ngày, sau đó sẽ giảm dần khi con thích thú tham gia các hoạt động khác với bố mẹ.

Bàn bạc với con về việc cho con tham gia những lớp học năng khiếu, nghệ thuật mà con hứng thú.

Xây dựng một thỏa thuận về những nhiệm vụ con có thể giúp bố mẹ như đổ rác, gấp chăn gối, chuẩn bị bữa ăn…để nhận điểm thành tích. Những điểm này sẽ dành để quy đổi ra các món đồ con thích, hoặc học phí các lớp học năng khiếu…

PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, với những con chưa nghiện game, bố mẹ có thể giới hạn thời gian theo tuần, một tuần không quá 6 giờ chơi game, thứ 7, chủ nhật con được chơi nhiều hơn... Khi chơi game, con phải thực hiện một số cam kết như phải hỏi ý kiến người lớn, chọn game theo mã phù hợp với lứa tuổi, văn hóa (cần có sự hướng dẫn của bố mẹ)… Con cũng phải thực hiện những nguyên tắc an toàn khi chơi game, như không chia sẻ tài khoản cá nhân, không gặp game thủ ngoài đời… Nói một cách dễ nhớ đối với con là “game đúng, game đủ, game tích cực”.

Mai Nguyễn