Tầm quan trọng của giấc ngủ
Theo khoa học, ngủ là một hoạt động sinh lý phổ biến ở tất cả các loài động vật. Nếu tính trong cả cuộc đời, con người dành khoảng một phần ba thời gian để ngủ.
Có một giấc ngủ tốt sau một ngày học tập sẽ giúp cho khả năng ghi nhớ tốt hơn và kéo dài hơn. Ngoài ra giấc ngủ cũng giúp củng cố và định hình trí nhớ và ký ức về các hoạt động, các biến cố xảy ra trong cuộc đời mỗi người.
Sự đào thải các sản phẩm bài tiết do quá trình chuyển hóa ở não diễn ra liên tục trong ngày thông qua sự làm mới của dịch não tủy, đặc biệt, giấc ngủ sẽ giúp sự đào thải những sản phẩm bài tiết của quá trình hoạt động của các tế bào thần kinh trong ngày và trong khi ngủ. Sự tích tụ quá mức các sản phẩm cần phải được đào thải trong não nếu không được thực hiện sẽ là nguy cơ gây ra các bệnh lý ở người lớn tuổi như Alzheimer hoặc sa sút trí tuệ và một số tổn thương thực thể của não bộ.
Ngoài ra, giấc ngủ cũng có vai trò rất quan trọng trong điều chỉnh tính khí ở trẻ em và cả ở người lớn. Một giấc ngủ sâu, chất lượng giấc ngủ tốt và đầy đủ thời gian sẽ giúp mỗi người khi thức giấc cảm thấy thư giãn, bớt căng thẳng và vui vẻ hơn so với những người có giấc ngủ không tốt.
Một ngày nên ngủ mấy tiếng
Với tầm quan trọng của giấc ngủ, mỗi ngày cần đảm bảo số giờ ngủ để có sức tốt hoàn thành công việc.
Ở mỗi giai đoạn số giờ ngủ của mỗi người là khác nhau, theo các nghiên cứu thời gian ngủ ở các lứa tuổi được phân như sau:
- Trẻ em 0-3 tháng tuổi: 14-17 giờ
- Trẻ em 4-11 tháng tuổi: 12-16 giờ
- Trẻ em 1-2 tuổi: 11-14 giờ
- Trẻ em 3-5 tuổi: 10-13 giờ
- Trẻ em 6-12 tuổi: 9-12 giờ
- Thanh thiếu niên 13-17 tuổi: 8-10 giờ
- Người lớn 18-64 tuổi: 7-9 giờ
- Người trên 65 tuổi: 7-8 giờ
Ngoài việc đảm bảo số giờ ngủ việc ngủ sâu giấc cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Khi giấc ngủ không sâu sẽ khiến cơ thể mệt mỏi và nặng hơn sẽ dẫn đến những bệnh tâm lý.
Cơ thể sẽ gặp nguy hiểm gì khi thiếu ngủ trầm trọng
Thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường, cơ thể sản xuất ít insulin hơn, làm giảm khả năng dung nạp glucose, từ đó làm tăng lượng đường trong máu. Đặc biệt là những người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày có nguy cơ cao bị tiểu đường loại 2.
Cơ thể khi không ngủ đủ giấc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bên cạnh việc làm tăng nguy cơ huyết áp cao, thừa cân béo phì, tiểu đường - những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, thì thiếu ngủ còn làm tăng mức độ viêm, từ đó làm tăng khả năng đau tim và đột quỵ.
Thiếu ngủ có thể gây căng thẳng và các rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, đặc biệt là ở người bị rối loạn giấc ngủ như mất ngủ hoặc ngưng thở khi ngủ. Khi thiếu ngủ, bạn cũng bị giảm khả năng tương tác xã hội và giảm sự nhạy bén với cảm xúc của người khác.
Thiếu ngủ khiến suy giảm trí nhớ. Khi ngủ, não của bạn sẽ lưu trữ ký ức. Nếu bạn bị thiếu ngủ, quá trình lưu trữ có thể bị gián đoạn dẫn đến mất trí nhớ ngắn hạn và mau quên, tăng nguy cơ mắc các hội chứng suy giảm trí nhớ như Alzheimer…
Để có một sức khỏe tốt, tinh thần làm việc thoải mái hãy ngủ đủ giờ .