Hỏi: Tôi bị mất ngủ, bác sĩ đề nghị đo đa ký giấc ngủ và nói rằng còn giúp phát hiện các bệnh khác như tim mạch, huyết áp... Xin hỏi, tác dụng của phương pháp này? Ai không nên đo và cần lưu ý gì để đo được chính xác?
Nguyễn Thị Huyền (Phú Thọ)
Đo đa ký giấc ngủ |
Các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, đa ký giấc ngủ là một xét nghiệm được thực hiện chuyên sâu về giấc ngủ, có các kênh để đo điện não đồ, nhãn cầu đồ, điện cơ, điện tim, lưu lượng dòng khí qua mũi miệng, vận động cơ ngực, bụng, nồng độ oxy bão hòa trong máu, tiếng ngáy, xác định vị trí tư thế cơ thể, đo cử động chân, có video để theo dõi diễn biến trong đêm.
Chính vì vậy, đo đa ký giấc ngủ cung cấp một cách đầy đủ các thông tin về giấc ngủ cũng như các rối loạn khác xảy ra trong giấc ngủ như rối loạn hô hấp, ngừng thở khi ngủ, rối loạn nhịp tim, các bất thường về vận động và hành vi...
Ghi đa ký giấc ngủ sẽ giúp bệnh nhân biết được:
Điện não: Trong quá trình ghi đa ký giấc ngủ bạn sẽ được ghi hoạt động điện não liên quan đến giấc ngủ từ đó biết được hoạt động não bộ trong giấc ngủ có bình thường như sinh lý không, biết được các giai đoạn ngủ nông, sâu, biết được các bất thường điện não khi ngủ như động kinh...
Vận động nhãn cầu: Đa ký giấc ngủ có điện cực nhãn cầu từ đó phát hiện được các cử động của nhãn cầu trong quá trình ngủ để phát hiện các pha ngủ và các hoạt động thức giấc...
Cử động của cằm, hàm: Điện cực cằm để ghi lại hoạt động cử động thường gặp khi ngủ như nghiến răng, vận động hàm khi ngủ.
Cử động bất thường của chân khi ngủ: Điện cực chân ghi lại các hoạt động co cơ của chân khi ngủ để phát hiện 1 số chứng vận động chân bất thường khi ngủ.
SPO2: Ghi đa ký giấc ngủ có kẹp SPO2 để đo độ bão hòa oxi máu trong giấc ngủ, phát hiện các tình trạng giảm oxi máu liên quan đến hô hấp hay tim mạch từ đó có hướng xử lý tích cực.
Mạch, nhịp tim: Đạo trình đơn cực tim giúp biết được biến thiên về nhịp tim khi ngủ, phát hiện các tình trạng nhịp nhanh, chậm, rối loạn nhịp trong giấc ngủ.
Cảm biến nhiệt và lưu lượng thở: Để phát hiện các tình trạng rối loạn hô hấp qua đánh giá luồng khí qua mũi.
Cảm biến nhịp thở bụng và ngực: Đánh giá các tình trạng nhịp thở ngực, bụng từ đó góp phần phát hiện các chứng ngưng thở tắc nghẽn hay ngưng thở trung ương.
Cảm biến ngáy: Phát hiện số lần ngáy / phút để góp phần chẩn đoán ngưng thở tắc nghẽn...
Như vậy, với 1 lần ghi đa ký giấc ngủ, sau 1 đêm ngủ tại viện các bệnh nhân có thể sàng lọc được rất nhiều bất thường liên quan đến giấc ngủ và hô hấp, tim mạch.
Đo đa ký giấc ngủ được chỉ định khi người bệnh mắc phải những gián đoạn trong giấc ngủ nhằm theo dõi các giai đoạn và chu kỳ giấc ngủ, đồng thời tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Đối tượng nên thực hiện đo đa ký giấc ngủ bao gồm:
Những người bị béo phì, ngủ ngày, thở ngáy khi ngủ
Những đối tượng uống nhiều bia rượu
Mắc bệnh về tai - mũi - họng kéo dài và bị tái phát nhiều lần
Những người có cấu trúc vùng mũi, xoang bất thường
Bệnh nhân mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim.
Lưu ý khi đo đa ký giấc ngủ để có kết quả chính xác:
Tuyệt đối không uống bia rượu
Không sử dụng các chất kích thích như cà phê...
Để buổi tối dễ đi vào giấc ngủ, nên ngủ trưa ít
Ăn vừa đủ, không nên ăn quá no
Ăn uống khoa học
Không nên ăn quá no trước khi đo đa ký giấc ngủ
Trước khi đo, làm vệ sinh cá nhân
Người bệnh cần đem theo các kết quả xét nghiệm, toa thuốc đã và đang sử dụng trong vòng 6 tháng tính đến ngày thực hiện đo. Đây chính là cơ sở để bác sĩ chẩn đoán và tư vấn cho bệnh nhân
Bệnh nhân cần phải hoàn thành bảng câu hỏi đánh giá giấc ngủ trước khi đo được gửi bởi nhân viên y tế.
Trừ khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được dùng các loại thuốc ngủ